Chế độ cai trị hà khắc của Taliban: Người hoan nghênh, người thấp thỏm lo sợ

Kể từ khi giành kiểm soát Afghanistan, Taliban đã áp dụng lại các hình phạt tàn khốc để cai trị đất nước.

 

Trong khi nhiều người lo sợ trước những hình phạt này, một số người lại ủng hộ do lực lượng này không cho phép hành vi hối lộ hay tham nhũng.

Những hình phạt răn đe hà khắc

Chưa đến 7h sáng nhưng người dân đã xếp hàng dài bên ngoài đồn cảnh sát. Họ mang theo đơn khiếu nại và yêu cầu chính quyền Taliban mới ở Afghanistan thực thi công lý.

Tuy nhiên, ngay lập tức, họ nhận ra rằng các chiến binh Taliban, những người hiện là cảnh sát, không nhận hối lộ như các cảnh sát dưới thời chính phủ trước đây.

“Trước đây, cảnh sát thường ‘lấy cắp’ tiền của chúng tôi. Họ đòi tiền ở khắp mọi nơi, tại những ngôi làng và trong các cơ quan chính quyền”, Hajj Ahmad Khan, một trong số những người đang xếp hàng tại đồn cảnh sát ở Kabul, cho biết.

Nhiều người Afghanistan tỏ ra lo sợ trước những đường lối hà khắc và tư tưởng cứng rắn của Taliban hoặc những hạn chế nghiêm ngặt của lực lượng này đối với quyền tự do của phụ nữ. Tuy nhiên, Taliban được biết đến là không tham nhũng, trái ngược với chính phủ trước đây ở Afghanistan, vốn nổi tiếng là thường nhận hối lộ.

Mặc dù sợ hãi trước những hình phạt cứng rắn của Taliban như chặt tay kẻ trộm, người dân Afghanistan nói rằng, tình hình an ninh đã trở lại thủ đô Kabul kể từ khi Taliban kiểm soát đất nước vào ngày 15/8. Dưới thời chính quyền cũ, các băng nhóm trộm cướp đã khiến hầu hết người dân không dám ra đường khi trời tối. Hiện tại, một số con đường tại thành phố đã thông thoáng trở lại.

Trong lần cuối nắm quyền vào cuối những năm 1990, lực lượng Taliban đã đưa ra một lựa chọn: họ mang lại sự ổn định cho người dân Afghanistan và loại bỏ tham nhũng, nhưng họ cũng áp đặt những quy tắc khắc nghiệt của luật Hồi giáo. Trong đó bao gồm các hình phạt như chặt tay, hình thức xử tử bằng cách bắn một viên đạn vào đầu và việc này thường do người thân của nạn nhân trong vụ giết người đó thực hiện. Tất cả hình phạt đều được thực hiện ở nơi công cộng. Ngoài ra, cảnh sát tôn giáo của Taliban có thể đánh đập đàn ông nếu họ cắt tỉa râu hoặc không tham gia lễ cầu nguyện.

Noor Ahmad Rabbani thuộc bộ phận chống tội phạm của Taliban cho biết, trong tuần qua, lực lượng này đã bắt giữ 85 tội phạm, trong đó một số bị cáo buộc phạm các tội nhỏ và những người khác bị bắt về tội giết người, bắt cóc và trộm cắp.

Taliban cho biết họ sẽ áp dụng lại các hình phạt trước đây. Mullah Nooruddin Turabi, cựu bộ trưởng tư pháp và là quan chức phụ trách nhà tù trong chính quyền hiện tại, nói rằng câu hỏi duy nhất được đặt ra là liệu Taliban có thực hiện những hình phạt đó công khai hay không.

Một số hình phạt đã xuất hiện trở lại. Taliban đã treo thi thể của 4 người đàn ông bị giết chết lên cần cẩu ở trung tâm thành phố Herat sau khi những người này bị cáo buộc tiến hành một vụ bắt cóc. Ít nhất hai lần ở thủ đô Kabul, những tên trộm vặt đã phải diễu hành trên khắp các đường phố để khiến họ xấu hổ. Họ bị còng tay, vẽ lên mặt hoặc nhét bánh mì ôi thiu vào miệng.

Các quan chức cho biết, Taliban đã chiếm giữ các trạm kiểm soát trên khắp thủ đô Kabul và có một số người mặc đồng phục cảnh sát. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy Taliban bắt đầu xây dựng một lực lượng an ninh quốc gia mới. Đối với nhiều người dân Kabul, đặc biệt là những người trẻ được nghe câu chuyện về thời kỳ cai trị trước đây của Taliban, cảnh tượng những chiến binh với mái tóc dài mang theo súng và đi lại trên đường phố khiến họ cảm thấy lo sợ.

Các chiến binh Taliban tuần tra một khu phố ở thủ đô Kabul, Afghanistan. Ảnh: AP

Không còn nạn hối lộ

Tuy nhiên, cho đến nay, Taliban dường như đã giúp người dân thoát khỏi nạn tham nhũng. Trước khi Taliban kiểm soát đất nước, người dân Afghanistan phải hối lộ quan chức để giải quyết hóa đơn tiện ích.

Giống như thời kỳ cầm quyền trước, Taliban đã tìm đến những người lớn tuổi trong bộ tộc để giải quyết tranh chấp. Tuần trước, một nhóm người lớn tuổi đã tụ tập tại một nhà thờ Hồi giáo ở Kabul để xét xử một vụ đâm dao gây thương tích nhẹ. Những người lớn tuổi đã yêu cầu cha của thủ phạm trả cho nạn nhân gần 400 USD để trang trải chi phí y tế.

Tại đồn cảnh sát ở Kabul, Zabihullah, chỉ huy mới thuộc lực lượng Taliban, cho biết, Taliban đã chiến đấu trong suốt 20 năm qua để đưa luật Hồi giáo đến Afghanistan. “Bây giờ mọi người được an toàn dưới chính phủ của chúng tôi”, Zabihullah nói.

Bên ngoài cổng đồn cảnh sát, người dân xếp hàng ngày càng dài.

Ông Khan, 60 tuổi, đến từ tỉnh Khost, miền đông Afghanistan để tìm kiếm sự giúp đỡ của Taliban trong việc thu một khoản nợ. Khan cho biết ông ủng hộ các hình phạt của Taliban như chặt chân tay, nhưng cho rằng hình phạt này không nên dành cho những tên trộm vặt.

Ông Khan nói rằng, Taliban đã mang lại an ninh ở Afghanistan “vì họ xử lý tội phạm theo luật Hồi giáo”.

Một người hiệu trưởng giấu tên cũng đến đồn cảnh sát để phàn nàn về việc phụ huynh chậm đóng học phí trong nhiều tháng. Ông nói rằng ông muốn cho Taliban một cơ hội cai trị đất nước. Dưới thời chính phủ trước, mỗi lần đến đồn cảnh sát ông phải hối lộ để khiếu nại về các khoản thanh toán quá hạn.

Sharif, một người khiếu nại khác, đã trở về từ Saudi Arabia, nơi ông đã làm việc trong vài năm. Ông không phản đối các hình phạt hà khắc của Taliban nhưng phản đối việc các nhà lãnh đạo Taliban và các giáo sĩ tôn giáo phụ trách cơ quan chính phủ.

“Chúng tôi cần những người chuyên nghiệp. Chúng tôi cần các chuyên gia kinh tế điều hành đất nước”, Sharif nói.

Tuy nhiên, ông hoan nghênh việc khiếu nại của mình được xét xử mà không có bất kỳ yêu cầu hối lộ nào từ cảnh sát Taliban. Trước đây, người dân muốn vào đồn cảnh sát phải đưa tiền hối lộ.

“Sai lầm của các chính phủ trước đây là họ đã nhận tiền của người dân”, Sharif nói thêm./.

CTV Mai Trang/VOV.VN (biên dịch)
Theo AP

 

Bình luận

    Chưa có bình luận