Kịch cũ diễn lại ở Mỹ

Trong lịch sử từ trước đến nay, nước Mỹ đã nhiều lần chứng kiến tình cảnh chính phủ bị đóng cửa vì không có ngân sách...

 

Chính phủ Mỹ lại một lần nữa bị đẩy đến trước nguy cơ bị đóng cửa vì bước sang năm tài khoá mới mà kế hoạch ngân sách nhà nước không được quốc hội thông qua. Tổng thống Mỹ Joe Biden kiến nghị giải pháp tình thế là đề nghị quốc hội thông qua ngân sách quá độ và nâng trần mức độ vay nợ công (hiện tại là 28.400 tỷ USD) hoặc tiếp tục ngừng áp dụng mức trần này cho tới tháng 12/2022. Đề nghị này đã được hạ viện thông qua bởi ở đấy phe Đảng Dân chủ của ông Biden chiếm đa số. Nhưng phe Đảng Cộng hòa trong thượng viện lại cương quyết phản đối mà ở đấy, phe Đảng Dân chủ chỉ có 50/100 dân biểu và mọi chuyện ngân sách đều phải được thượng viện thông qua với đa số ít nhất 70/100 vị dân biểu.

Trong lịch sử từ trước đến nay, nước Mỹ đã nhiều lần chứng kiến tình cảnh chính phủ bị đóng cửa vì không có ngân sách, khi thì từ vài giờ đến vài ngày, lúc từ vài tuần đến vài tháng. Nguyên nhân lần nào cũng như nhau là kế hoạch ngân sách không được thượng viện thông qua. Tác động lần nào cũng từ tai hại đến vô cùng tai hại đối với nước Mỹ trên nhiều phương diện. Vậy mà màn kịch này vẫn thường xuyên xảy ra. Nguyên do ở chỗ hai đảng phái chính trị nói trên bất hợp tác với nhau và phe đối lập không muốn phe cầm quyền gặt hái thành công trong cầm quyền. Cách đây 2 năm, phe Đảng Dân chủ khi ấy ở phía đối lập đã nhượng bộ trong chuyện ngân sách này cho phe Đảng Cộng hòa khi ấy cầm quyền với tổng thống Donald Trump nhưng bây giờ phe Đảng Cộng hòa không sẵn sàng hành xử tương tự.

Một phiên họp của Hạ viện Mỹ ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mục đích của phe Đảng Cộng hòa là không để cho ông Biden cầm quyền thành công và nhằm tới cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào đầu tháng 11 năm tới. Chính phủ bị đóng cửa tuy chẳng hay ho gì cho ông Biden và nước Mỹ nhưng chỉ là chuyện nhất thời. Rồi cuối cùng thì phe Đảng Cộng hòa cũng sẽ phải đạt thỏa hiệp với phía Đảng Dân chủ để chấm dứt tình trạng chính phủ bị đóng cửa. Nguy hại và tai hại hơn đối với nhiệm kỳ cầm quyền hiện tại của ông Biden và đối với Đảng Dân chủ là vấn đề mức độ nợ công. Nếu như không nâng trần mức độ nợ công hoặc tiếp tục ngừng áp dụng mức trần nợ công như trong 2 năm qua thì ông Biden không thể thực hiện được cả hai chương trình kế hoạch tài chính với quy mô khổng lồ đã tuyên cáo về đối phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, giải quyết các vấn đề xã hội và nâng cấp cũng như mở rộng và phát triển mới mạng lưới cơ sở hạ tầng ở nước Mỹ. Hai chương trình kế hoạch tài chính này thuộc trọng tâm cầm quyền của ông Biden mà thành công của chúng sẽ quyết định việc phe Đảng Dân chủ bảo vệ được đa số trong hạ viện và ít nhất cũng không mất ghế trong thượng viện ở cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới. Phe Đảng Cộng hòa hiện quyết tâm giành về phần thắng trong cuộc bầu cử ấy cũng còn để tạo tiền đề và đà chuyển biến có lợi cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024 ở nước Mỹ.

Ông Biden hiện phải giải bài toán khó mà đáp số của nó là bằng chứng cho thấy ông Biden có đủ năng lực gây dựng sự hợp tác hiệu quả và bền vững giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trong quốc hội hay không. Sự hợp tác này đồng nghĩa với việc khắc phục sự phân hóa và chia rẽ trên chính trường mà có khắc phục được nó thì ông Biden mới có thể thành công với chủ khắc phục sự phân cực trong nội bộ xã hội nước Mỹ. Nói theo cách khác, muốn làm phá sản những mưu tính chính trị quyền lực của phe Đảng Cộng hoà cho cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm tới và cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024 thì ông Biden và phía Đảng Dân chủ ở Mỹ hiện không có sự lựa chọn nào khác ngoài phải giải được bài toán trên./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận