Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em: Cuộc đua 'nóng bỏng' toàn cầu

Mối đe dọa ngày càng nguy hiểm trước biến chủng Delta đã biến việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em trở thành cuộc đua 'nóng bỏng' toàn cầu.

 

Mối đe dọa ngày càng lớn, ngày càng nguy hiểm của biến chủng Delta đối với trẻ em đã biến việc việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em - điều mà rất nhiều chính phủ còn ngần ngại, nghi hoặc trước đó - nay trở thành cuộc đua “nóng bỏng” toàn cầu. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng đủ tiềm lực để bước vào cuộc đua ấy.

Thực tế cấp bách

Những tuần đầu tiên của tháng 9 khi các trường học tại Mỹ bắt đầu bước vào năm học mới, gần 5,3 triệu trẻ em Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, chiếm 29% số ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn nước Mỹ. Mỗi tuần, có tới gần 250.000 ca nhiễm Covid-19 ở trẻ em.

Điều đáng quan ngại hơn nữa là khác với các đợt dịch trước, làn sóng biến thể Delta lần này đã khiến số trẻ em nhiễm Covid-19 phải nhập viện trên toàn thế giới càng ngày càng tăng. Tính đến ngày 15/9, đã có có khoảng 2.200 trẻ em Mỹ đang phải nằm viện vì Covid-19. Trên phạm vi toàn thế giới, theo ghi nhận đến cuối tháng 8/2021, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.200 trẻ em Indonesia, 1.500 trẻ em Ấn Độ và hơn 2.000 trẻ em Brazil. Một trong những biểu hiện nghiêm trọng nhất của đợt dịch lần này là đã xuất hiện nhiều trẻ bị nhiễm SARS-CoV-2 chuyển thành hội chứng MIS-C (hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em). Biểu hiện của hội chứng MIS-C là tình trạng viêm kéo dài làm tổn thương tim, phổi, thận, não và các cơ quan khác.

Ngoài câu chuyện sinh mạng của trẻ, câu chuyện “khủng khoảng giáo dục toàn cầu do dịch Covid-19” càng khiến vấn đề tiêm vaccine cho trẻ trở nên cấp bách, nóng bỏng hơn nữa. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) liên tục réo lên hồi chuông báo động rằng, đã ghi nhận hơn 156 triệu học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên toàn cầu đang bỏ lỡ việc học tập vì dịch bệnh. Lãnh đạo các tổ chức này cũng nhiều lần lên tiếng khẳng định việc mở cửa trở lại các trường học không thể chờ tới khi toàn bộ học sinh và giáo viên được tiêm vaccine hay số ca nhiễm Covid-19 giảm xuống con số 0. Thế nên, câu chuyện phủ vaccine để trẻ trở lại trường học là lựa chọn duy nhất.

Tại Việt Nam, xu hướng trẻ em mắc Covid-19 cũng đang tăng. Theo Bộ Y tế, vào đầu tháng 8 có đến 5% trong tổng số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội là trẻ em từ 0 - 5 tuổi. May mắn là chưa có trường hợp nào tử vong.

Tăng tốc hơn nữa

Thực tế đáng quan ngại ấy đã biến việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ, điều mà trước đó rất nhiều quốc gia còn ngần ngừ, nghi ngại, trở thành cuộc đua cấp tập. Tuy nhiên, đều hết sức thú vị trong cuộc đua này là không phải là Mỹ mà quốc gia còn nhiều khó khăn nơi châu Mỹ La tinh - Cuba mới là nước đầu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ, lưu ý ở đây là trẻ 2 tuổi trở lên - lứa tuổi nhỏ nhất có thể để tiêm vaccine Covid-19 hiện nay và tiêm hoàn toàn bằng vaccine do chính Cuba sản xuất. Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em đã được quốc gia Mỹ La tinh này khởi động từ ngày 6/9 và quyết tâm thực hiện với tốc độ nhanh nhất có thể để 100% học sinh Cuba đã được tiêm vaccine trước khi trở lại trường học (dự định vào tháng 10 hoặc tháng 11). Viện Finlay của nước này khẳng định kết quả thử nghiệm vaccine Covid-19 ở trẻ nhỏ đã chứng minh độ an toàn và phản ứng miễn dịch hiệu quả.

Châu Âu - “lục địa già” vốn nổi tiếng kỹ tính và thận trọng, đã khá chậm chạp trong cuộc đua này. Mãi tới tháng 5/2021, khi Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt vaccine Pfizer để tiêm chủng cho trẻ từ 12 - 15 tuổi, các nước thành viên khối, đặc biệt là Pháp, Hà Lan, Đức, Italia mới bắt đầu mở rộng chiến dịch tiêm chủng cho trẻ, tuy nhiên cũng mới đang hạn chế trong nhóm từ 12 - 17 tuổi. Pháp là một trong những nước châu Âu đầu tiên cho trẻ trên 12 tuổi tiêm chủng, bắt đầu từ ngày 15/6. Tới nay, đã hơn 56% số trẻ em trong nhóm 12 - 17 tuổi được tiêm ít nhất một mũi, hơn 32% tiêm đủ liệu trình. Italia cũng đã tiêm vaccine cho trẻ từ 12 - 18 tuổi. Tính đến ngày 14/9, khoảng 74% tổng dân số trên 12 tuổi của Italy đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Mỹ cũng đã cho phép tiêm chủng cho trẻ trên 12 tuổi và đang chờ nghiên cứu thêm ở độ tuổi từ 5 - 11 tuổi với vaccine Pfizer.

Ở châu Á, Trung Quốc ngay từ tháng 8 đã hối thúc các địa phương tiêm phòng cho học sinh. Hàn Quốc cũng đang nỗ lực tiêm chủng đầy đủ cho học sinh trung học phổ thông trước khi kỳ thi đại học quốc gia diễn ra vào ngày 18/11. Từ tháng 6, Nhật Bản đã hạ độ tuổi tối thiểu để tiêm vaccine Pfizer từ 16 tuổi xuống 12 tuổi. Campuchia đã thực hiện tiêm cho nhóm 12 - 17 tuổi từ đầu tháng 8. Malaysia tiêm cho thanh thiếu niên từ 12 tuổi. Thái Lan cũng cân nhắc tiêm chủng cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên bằng vaccine của Pfizer và Moderna; Chính phủ Philippines cho biết trẻ em từ 12 tuổi ở nước này sẽ được tiêm vaccine từ tháng 10. ….

Tuy nhiên, tới thời điểm này, không ít quốc gia vẫn chưa phê duyệt sử dụng vaccine cho trẻ em với nhiều tranh cãi trái chiều, cho rằng việc tiêm chủng 100% cho trẻ em từ 12 -15 tuổi là chưa cần thiết.

Bên cạnh đó, hạn chế về tiềm lực cũng là một lực cản thực tế trong câu chuyện triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ. Đơn cử như tại châu Phi, khi tỷ lệ tiêm chủng cho người lớn vẫn ở mức dưới 10%, nhiều nước còn chưa được đến 5% dân số, thậm chí nhiều khu vực ở phía Nam bán cầu còn chưa được tiêm chủng… thì câu chuyện tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ vẫn là xa vời…

Thế nên, phàm ở đời, “không phải cứ muốn là được”. Sinh mạng, quyền được sống, được học hành của trẻ em toàn cầu là bình đẳng, nhưng thực tế khắc nghiệt đã biến tại nhiều góc nhỏ trên hành tinh này hai chữ bình đẳng không bao giờ có thể hiện hữu. /.

Hà Trang

 

Bình luận

    Chưa có bình luận