Hơn nửa tháng qua, khủng hoảng nợ của Tập đoàn bất động sản Evergrande (tiếng Trung là Hằng Đại) đã trở thành một trong những sự kiện tốn giấy mực của truyền thông Trung Quốc và quốc tế, dù tập đoàn này đã tiềm ẩn các vấn đề về thanh khoản từ khá lâu.
Liệu “quả bom nợ” của doanh nghiệp tư nhân với tham vọng “lớn mạnh mãi mãi” (nghĩa của từ Hằng Đại) này phát nổ, chuyện gì sẽ xảy ra với ngành địa ốc vốn đang trong vòng xoáy cải cách ở Trung Quốc và tác động ra sao đến hệ thống tài chính cũng như toàn bộ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này? Liệu chính phủ Trung Quốc có giải cứu Evergrande như từng có tiền lệ với các doanh nghiệp lớn khác? Phản ứng của Trung Quốc đối với Evergrande sẽ cho thấy những bước đi tiếp theo trong việc chấn chỉnh thị trường địa ốc và quyết tâm thực hiện cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài của chính phủ nước này.
Hậu quả nhãn tiền của cuộc khủng hoảng
Trước khi xảy ra khủng hoảng nợ Tập đoàn Evergrande đang đứng thứ 2 xét về doanh số với tổng tài sản khoảng 2.300 tỷ nhân dân tệ (gần 354 tỷ USD) trong các bảng xếp hạng 10 nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc. Tập đoàn này đã có mặt trong top 500 doanh nghiệp mạnh nhất toàn cầu 6 năm liên tiếp với thứ hạng hiện nay là 122.
Evergrande có tới 200.000 nhân viên và hiện đang nắm hơn 1.300 dự án bất động sản tại hơn 280 thành phố ở Trung Quốc. Ngoài bất động sản, Evergrande còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác, như: xe điện, dịch vụ y tế, sản phẩm tiêu dùng, truyền hình, bóng đá... Hiện tại, công ty này đang gặp khó khăn trong việc chi trả các khoản lãi đến hạn đối với các khoản nợ trị giá khoảng 1970 tỷ nhân dân tệ (hơn 300 tỷ USD).
Xét về quy mô, Evergrande là rất lớn, tổng nợ phải trả của tập đoàn này tương đương khoảng 2% GDP của Trung Quốc. Một khi bong bóng Evergrande vỡ, nó sẽ gây ra áp lực rất lớn lên ngành tài chính nước này.
Đây cũng là một trong những lý do mà ngày 23/9 Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm tiền lần thứ 4 với 110 tỷ nhân dân tệ (khoảng 17 tỷ USD) tiền mặt vào hệ thống tài chính. Đây là đợt bơm ròng thanh khoản ngắn hạn lớn nhất mà PBOC thực hiện trong vòng 8 tháng qua. Trước đó, PBOC đã bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính 3 lần liên tiếp. Một ngày trước đó (22/9), PBOC đã bơm ròng 90 tỷ nhân dân tệ (khoảng 13,9 tỷ USD) vào hệ thống tài chính. Hai đợt bơm thanh khoản trước là 17/9 và 18/9. Như vậy, tổng cộng 4 đợt, Trung Quốc đã bơm ròng 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 46 tỷ USD).
Bên cạnh đó, hôm 21/9, thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua một “ngày thứ Hai đen tối”. Các thị trường chứng khoán lớn ở Hongkong (Trung Quốc), Châu Âu và Mỹ giảm mạnh. Chỉ số Hang Seng có lúc giảm sâu hơn 1.000 điểm và đến cuối ngày giảm 800 điểm. Chỉ số Dow Jones cũng có lúc giảm gần 1.000 điểm và đóng cửa với mức giảm hơn 600 điểm.
Một trong những nguyên nhân khiến thị trường hoang mang là do tập đoàn Evergrande có thể bị phá sản, khiến thị trường địa ốc của Trung Quốc lâm vào tình trạng nguy cấp, thậm chí gây ra khủng hoảng kinh tế. Theo phân tích của Goldman Sachs, khủng hoảng nợ của Evergrande có thể kéo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống 1,4 điểm phần trăm và trong trường hợp xấu nhất có thể lên tới 4,1 điểm phần trăm.
Chính quyền Trung Quốc sẽ làm gì với Evergrande?
Cho đến thời điểm này, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa có động thái cụ thể nào cho thấy sẽ cố gắng giải cứu Evergrande, nhưng từ lâu họ đã để mắt đến vấn đề nợ của tập đoàn này và đã lên kế hoạch để khiến vụ việc có thể “hạ cánh mềm”, nhằm ngăn chặn không để rủi ro tác động lên nền kinh tế. Những năm qua, hầu hết các chủ đầu tư địa ốc lớn khác của Trung Quốc đều đã tuân thủ “ba lằn ranh đỏ” liên quan đến giới hạn vốn vay của chính phủ, do vậy sẽ khó có việc xảy ra hiệu ứng domino nếu không may Evergrande sụp đổ.
Bên cạnh đó, cũng có thông tin cho hay, một số chính quyền địa phương và các nhà phát triển nhà đất lớn thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã nhận được “nhiệm vụ” chuẩn bị tiếp quản hoạt động kinh doanh của Evergrande; một số chính quyền địa phương khác đã đưa ra thông báo yêu cầu ngừng cho vay bất động sản đối với Evergrande để ngăn chặn rủi ro lây rộng. Còn có chính quyền địa phương được lệnh triệu tập kế toán và chuyên gia pháp lý để kiểm tra tình trạng kinh doanh và tài chính của Evergrande tại địa bàn.
Ngoài ra, cũng có những tín hiệu khá rõ nét của việc chính phủ Trung Quốc có thể sẽ đứng ngoài vụ khủng hoảng này. Đó là việc Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã 2 lần đưa ra nhận định về vụ việc trên tài khoản WeChat.
Trong lần thứ nhất, ông cho rằng: “Một khi vấn đề bùng nổ, doanh nghiệp không thể có cảm giác cầu may rằng mình "quá lớn để thất bại". Họ phải có khả năng tự cứu mình.” “Việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh một cách mù quáng, thao túng tài chính liều lĩnh và đòn bẩy tài chính cao đều là những cuộc phiêu lưu đòi hỏi sự thuận buồm xuôi gió và may mắn. Evergrande đã kéo căng quá mức”.
Lần thứ hai hôm 24/9, ông viết: “Tôi tin rằng chính phủ luôn sẵn lòng giúp đỡ Evergrande vượt qua khó khăn, nhưng chi phí làm như vậy phải trong khả năng chấp nhận được, hơn nữa nó phải ít hơn nhiều so với tổn thất xã hội do sự sụp đổ của Evergrande gây ra.”
Evergrande và tác động đối với sự tăng trưởng của Trung Quốc
Trước tiên, phải khẳng định rằng, Evergrande hiện là công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới và đây là vụ việc nghiêm trọng, do vậy nó không chỉ nhận được sự quan tâm của dư luận trong nước Trung Quốc, mà còn gây chấn động thế giới. Nhưng liệu những lo lắng của dư luận về một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra ở nước này có trở thành hiện thực hay không? Thực tế cho thấy, điều này là gần như không thể.
Mặc dù là nhà phát triển địa ốc đứng thứ nhì Trung Quốc, nhưng trong thị trường với khoảng 100.000 công ty bất động sản, doanh thu của Evergrande năm 2020 chỉ tương đương 3% doanh thu của toàn thị trường. Các khoản nợ của Evergrande là khổng lồ đối với tập đoàn này, nhưng nó không phải là con số có thể gây “sốc” đối với một thị trường quy mô lớn như Trung Quốc.
Sự khác biệt lớn giữa khủng hoảng nợ của Evergrande và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là ở thời điểm đó, các tổ chức tài chính của Mỹ đầu tư lẫn nhau và gắn vào nhau như những mắt xích, trong khi giữa các công ty bất động sản Trung Quốc không có nhiều liên hệ kinh doanh trực tiếp, do vậy sẽ khó xảy ra phản ứng dây chuyền khủng hoảng thị trường tín dụng thứ cấp.
Cũng có người liên tưởng vụ Evergrande với sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ 13 năm về trước. Tuy nhiên, hai trường hợp này khác nhau về bản chất. Vụ Lehman Brothers là các vấn đề liên quan đến khả năng thanh toán của người mua, trong khi Evergrande là vấn đề nguồn cung. Chính phủ Trung Quốc đã kiểm soát rất chặt các khoản cho vay mua bất động sản.
Bên cạnh đó, mục tiêu của Trung Quốc luôn là đảm bảo ổn định xã hội và kiểm soát rủi ro tài chính. Nếu thực sự Evergrande đe dọa đến các mục tiêu trên, chính phủ nước này hoàn toàn có thể ra tay ngăn chặn như đã từng can thiệp vào thị trường chứng khoán năm 2015 bằng các biện pháp hành chính.
Những năm gần đây, đặc biệt là từ đầu năm 2021 đến nay, Trung Quốc đã quyết tâm chấn chỉnh thị trường địa ốc. Bất động sản là một lĩnh vực quan trọng bậc nhất của nền kinh tế Trung Quốc. Hiện nay, khoảng 78% giá trị tài sản của người Trung Quốc là bất động sản. Tuy vậy, bất động sản đang trở thành mối đe dọa đối với sự phát triển ổn định của kinh tế nước này.
Thực tế cho thấy, thị trường địa ốc của Trung Quốc đang trở nên bão hòa. Ở một số thành phố, đặc biệt là các thành phố cấp 3 và cấp 4, nhiều khu dân cư bị bỏ hoang suốt thời gian dài. Theo ước tính của Rhodium Group, có trụ sở tại Hongkong (Trung Quốc), hiện có khoảng 3 tỷ mét vuông nhà ở chưa bán được, đủ để 30 triệu hộ gia đình sinh sống.
Do ngành bất động sản đã đóng góp nhiều cho nền kinh tế Trung Quốc và tài chính của các địa phương, nên chạm vào lĩnh vực này sẽ tác động lên toàn bộ nền kinh tế. Bắc Kinh đang nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng và điều này có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng trong vài năm tới. Theo dự đoán, từ 2025-2030, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống 4% thậm chí thấp hơn. Nhưng Bắc Kinh hiểu rằng, không thể cứ mãi không giải quyết triệt để vấn đề “gai góc” này.
Giá nhà cao chót vót sẽ dẫn đến các vấn đề xã hội, như khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng và tỷ lệ sinh giảm... Đằng sau việc chấn chỉnh thị trường bất động sản còn là những tham vọng và mục tiêu lớn hơn, như “cùng giàu có” hay “thịnh vượng chung” và nâng cao tỷ lệ sinh...
Do vậy, ở Trung Quốc, nơi chính phủ có thể can thiệp sâu vào thị trường tài chính, khả năng lâm vào khủng hoảng hệ thống là điều gần như không thể xảy ra, trừ khi lãnh đạo Trung Quốc mắc một sai lầm quản lý mang tính hệ thống. Bên cạnh đó, với sự kiểm soát tài khoản vốn chặt chẽ và các quy định đầu tư ngặt nghèo, sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Trung Quốc đã giảm nhiều đối với các nhà đầu tư nước ngoài, do vậy việc một cơn sóng gây hoảng loạn từ đây sẽ lan ra thị trường tài chính thế giới là điều khó có thể xảy ra. Có dự đoán cho rằng, cách giải quyết khủng hoảng nợ của Evergrande có thể sẽ là một “thử nghiệm” và “hình mẫu” trong việc chấn chỉnh ngành bất động sản ở Trung Quốc./.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh