Nước Pháp sốc và cay đắng khi mất 'hợp đồng thế kỷ' với Australia vì AUKUS

Ngoài việc bị mất "hợp đồng thế kỷ", nước Pháp cảm thấy như bị phản bội và bị "đánh úp" từ nhiều phía.

 

Tin vui về việc thành lập liên minh quan hệ AUKUS giữa Mỹ-Australia và Anh được chào đón và tung hô rầm rộ bao nhiêu bên kia bờ Đại Tây Dương và ở xứ sở chuột túi thì lại đang gây thất vọng và phẫn nộ bấy nhiêu ở nước Pháp. Bởi cùng lúc, Thủ tướng Australia đơn phương tuyên bố hủy "hợp đồng thế kỷ" trị giá 56 tỷ USD mua 12 tàu ngầm của Pháp để đón nhận tàu ngầm công nghệ hạt nhân được Mỹ hứa hẹn. Báo chí Pháp gọi đây là một "sự phản bội" sẽ làm rung chuyển không chỉ quan hệ đồng minh Pháp-Australia mà cả tổng thể quan hệ Pháp – Mỹ và một số đồng minh liên quan.

Không phải cách hành xử giữa các đồng minh

Trực tiếp bình luận trên phát thanh và truyền hình Pháp ngày hôm qua, Bộ Trưởng ngoại giao Pháp Jean Yves Le Drian tuyên bố lấy làm tiếc vì hành động của Australia và cay đắng nhận định "đó không phải cách hành xử giữa các đồng minh".

"Tôi thực sự tức giận và cay đắng trước quyết định này. Đó không phải cách hành xử giữa các đồng minh. Chưa nói hai bên đã dành tới 2 năm để đàm phán từ 2014 đến 2016, trong đó Australia muốn có sự tự chủ chiến lược, yêu cầu chuyển giao công nghệ rất nhiều, hợp đồng kéo dài tới 50 năm. Cuối cùng Pháp đã dành được hợp đồng vì đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của họ trong cạnh tranh với các đối thủ khác như Đức, Nhật ở thời điểm đó. Tới năm 2019, hai bên đã ký thêm thỏa thuận khung, quan hệ đối tác để thúc đẩy nhanh nhất để chiếc tàu ngầm đầu tiên dự kiến sẽ được giao vào khoảng năm 2023".

Tổng thống Pháp Macron thăm Australia năm 2018. (Ảnh: Le Monde)

Bộ trưởng ngoại giao Pháp cũng không ngần ngại chỉ trích Tổng thống Mỹ Joe Biden với quyết định đơn phương và không thể đoán trước này; không khác những gì cựu Tổng thống Donald Trump từng làm. Đó là "một sự đổ vỡ niềm tin".

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp cùng Bộ trưởng quân đội Pháp Florence Parly đã ra thông cáo chỉ trích quyết định của Australia "đi ngược lại tinh thần và các văn bản hợp tác giữa hai nước". Thông cáo cũng thẳng thừng phê phán "sự lựa chọn của nước Mỹ, gạt sang bên một đồng minh và đối tác châu Âu như nước Pháp để xây dựng mối quan hệ đối tác với Australia ở thời điểm đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là không nhất quán và minh bạch đối với nước Pháp".

Trong một thông cáo báo chí chính thức vào chiều 16/9, Thượng viện Pháp tuyên bố quyết định của Australia sẽ để lại những hậu quả nặng nề và nghiêm trọng. Cựu trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier, người vừa quyết định chạy đua để trở thành ứng cử viên Tổng thống Pháp phe cánh hữu năm 2022 gọi việc phá vỡ hợp đồng là một "cú đánh tồi tệ không thể chấp nhận được" mà Australia giáng xuống nước Pháp và sẽ để lại nhiều hậu quả.

Hợp đồng thế kỷ sụp đổ sẽ kéo theo nhiều hậu quả

Hợp đồng ký năm 2016 trị giá hơn 56 tỷ USD, theo đó Pháp sẽ chế tạo cho Australia 12 tàu ngầm tấn công, thay thế đội tàu ngầm thế hệ cũ lớp Collins của Australia. Tuy nhiên, hợp đồng này giờ đã tan thành mây khói.

Đại diện Tập đoàn Naval Group – nhà thầu chính của hợp đồng ông Paul Lefrancois cho biết tất cả nhân viên tập đoàn đều cảm thấy bị "sốc": "Cảm xúc bị sốc chế ngự ở các nhân viên của Tập đoàn Naval Group ở Cherbourg. Bởi họ đã liên quan rất nhiều đến hợp đồng này từ năm 2016 và có nhiều hợp đồng con liên quan sẽ bị kéo theo. Các nhân viên tập đoàn chưa từng tưởng tượng đến kịch bản xảy ra việc đơn phương hủy hợp đồng như thế này. Họ càng bị choáng váng khi thấy cách Australia đơn phương tuyên bố một cách đột ngột như thế".

Tập đoàn Naval Group cũng cho biết sẽ phải tính toán với Australia khoản bồi thường do hủy hợp đồng. Con số bồi thường chính xác chưa được công bố nhưng theo ước tính số tiền này có thể lên tới 400 triệu euro.

Pháp cảm thấy bị phản bội

Ngoài việc bị mất "hợp đồng thế kỷ", nước Pháp cảm thấy như bị phản bội và bị "đánh úp" từ nhiều phía.

Tuyên bố đơn phương của Thủ tướng Australia Scott Morrison thậm chí không nhắc gì tới nước Pháp chỉ nêu việc dừng hợp đồng chế tạo các tàu ngầm tấn công thế hệ mới. Và theo Canberra, đó không phải "một sự thay đổi ý kiến, mà chỉ là thay đổi nhu cầu". Trước đó, hợp đồng đã bị chậm trễ tiến độ nhưng kịch bản "hủy hợp đồng" là điều nước Pháp chưa bao giờ mường tượng tới.

Vào giữa tháng 6/2021, khi long trọng đón Thủ tướng Australia sang thăm, Tổng thống Pháp đã nhắc tới hợp đồng mua 12 tàu ngầm và gọi đây là một trụ cột trong quan hệ đối tác dựa trên cơ sở lòng tin giữa hai nước. Hai tuần trước, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Australia xác nhận lại thỏa thuận với các đối tác Pháp. Tất cả những lời cam kết hứa hẹn này đã trở thành quá khứ!

Cho dù một số chuyên gia bình luận cho rằng lời hứa hẹn của Mỹ giúp Australia phát triển các tàu ngầm mang động cơ hạt nhân là "khó có thể chối từ" khi sẽ giúp Australia có cơ hội vàng sở hữu sức mạnh chiến lược mới, sự thất vọng tràn trề là điều không thể tránh khỏi đối với nước Pháp.

Đoán trước phản ứng của Pháp, trong lễ công bố thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân cho Australia, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Pháp vẫn là "đối tác quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương". Mỹ cũng xoa dịu Pháp bằng thông tin đã báo trước cho Paris khả năng ký thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân cho Australia. Nhưng nước Pháp đã phủ nhận điều này. Anh thì lên tiếng phủ nhận trách nhiệm của thỏa thuận AUKUS với lý do mà Pháp không thể nào chấp nhận, rằng bản thân hợp đồng Pháp-Australia đã có nguy cơ bị hủy bỏ từ trước đó.

Với tất cả những gì vừa diễn ra, nguy cơ rạn nứt quan hệ đồng minh giữa Pháp và Australia là điều rất ít người nghi ngờ. Tuy nhiên, dư luận Pháp còn đặt ra câu hỏi lớn hơn, đó là với quá nhiều bài học trong quá khứ và hiện tại, liệu đã đến lúc Pháp phải nghiêm túc nhìn nhận lại rất nhiều khía cạnh của mối quan hệ đồng minh với Mỹ và Anh trong tương lai hay không./.

Quang Dũng/VOV-Paris

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận