Cuộc đối địch trong bóng tối

Cuộc đối đầu trong bóng tối rồi đây sẽ còn quyết liệt hơn, đa dạng hơn và thường xuyên hơn sau khi Mỹ và Iran có được sự hiểu biết mới nhau…

 

Ở một khu vực biển của Ấn Độ Dương và trên Vịnh Oman vừa có chuyện mới nhưng thật ra lại rất cũ bởi vốn đã nhiều lần xảy ra giữa các đối tác liên quan chính là Iran, Mỹ, Anh, Israel, NATO... Vẫn là chuyện tấn công và bắt giữ tàu bè. Vẫn là chuyện một bên cáo buộc và bên kia phủ nhận liên quan. Lại vẫn dọa dẫm trừng phạt. Lại vẫn khuấy động nguy cơ xung khắc và bất hòa còn có thể leo thang mức độ căng thẳng quyết liệt thành đụng độ vũ trang trực tiếp.

Trước tiên là vụ việc con tàu chở dầu Mercer Street bị thiết bị bay không người lái tấn công ở Ấn Độ Dương khiến hai thành viên trên con tàu thiệt mạng, trong đó có một người Rumani. Con tàu này thuộc sở hữu của một người Nhật Bản, do một công ty của Israel vận hành. Công ty này đóng trụ sở tại thủ đô London của nước Anh. Từ nhiều năm nay, cứ mỗi lần xảy ra chuyện như vậy và liên quan trực tiếp tới các bên này thì họ đều nhìn nhận Iran là thủ phạm. Hai ngày sau đó, ở ngoài khơi bờ biển Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất trong Vịnh Oman, con tàu vận tải Asphalt Princess được báo chí đưa tin là bị bắt cóc và ngay lập tức các đối tác nói trên cáo buộc Iran là thủ phạm. Phía Iran bác bỏ mọi cáo buộc kia và tuyên bố không liên quan gì đến cả hai vụ việc.

Một tàu chở dầu bị tấn công trên biển Ả-rập. (Ảnh: Jerusalem Post)

Bên cáo buộc không đưa ra được bằng chứng nào ngoài những cáo buộc. Bên bị cáo buộc cũng chỉ dùng các tuyên bố để bác bỏ cáo buộc. Lần nào cũng như thế và lần nào cũng hình thành một vùng xám mập mờ giữa hư và thực, giữa xác thực và ngụy tạo, giữa chi phối dư luận và che dấu sự thật.

Ở đây, thời điểm xảy ra những hành động chiến nhau trong bóng tối đóng vai trò rất quyết định. Điều đặc biệt trong bối cảnh tình hình hiện tại là Mỹ và Iran đang tiếp tục đàm phán gián tiếp về việc cùng trở lại thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA). Tân tổng thống Mỹ Joe Biden muốn Iran nhanh chóng đạt sự nhất trí cần thiết với Mỹ về việc này trong khi Iran có sự thay đổi tổng thống và chắc người mới này mới quyết định chuyện Mỹ và Iran có đạt được sự nhất trí kia hay không. Israel và một số đồng minh của Mỹ ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh hoàn toàn không muốn ông Biden đưa nước Mỹ tham gia trở lại JCPOA. Nước Anh là một trong những bên tham gia ký kết JCPOA và mong muốn Mỹ tham gia trở lại JCPOA để Iran không buông bỏ thỏa thuận này. Iran đã tuyên bố sẵn sàng duy trì hiệu lực đầy đủ của JCPOA nhưng phải ở vị thế ngang bằng với Mỹ. Từ đó có thể thấy phía Iran không có lợi ích gì trong việc chủ động gây chuyện làm cho việc trở lại JCPOA thêm khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, đặc biệt trong bối cảnh tổng thống đắc cử mới nhậm chức. Anh và Mỹ cũng không có lợi ích đặc biệt gì và nhất là hoàn toàn không cần thiết phải dựng thêm chuyện để gia tăng áp lực đối với Iran nhằm thúc ép Iran nhanh chóng thỏa hiệp với Mỹ để trở lại JCPOA. Nhưng cả hai lại đều có thể và chắc chắn tận dụng chuyện do ai đó gây nên để gia tăng áp lực đối với JCPOA.

Cho nên, khả năng thực tế nhất là có bên thứ ba nào đó muốn phá hoại tiến trình đàm phán hiện tại giữa Mỹ và Iran ở Thuỵ Sỹ về tương lai của JCPOA, khiêu khích để Iran sa vào cái bẫy của vòng xoáy ăn miếng trả miếng lẫn nhau giữa Iran và các bên liên quan khác, đẩy Mỹ và Iran vào tình thế không thể thỏa hiệp được với nhau về việc cùng trở lại JCPOA và tạo sự đã rồi bất lợi cho tân tổng thống Iran Ebrahim Raisi.

Cuộc đối đầu trong bóng tối rồi đây sẽ còn quyết liệt hơn, đa dạng hơn và thường xuyên hơn sau khi Mỹ và Iran có được sự hiểu biết mới về quan điểm, đường lối chính sách của nhau, bởi ở cả hai nơi thật ra đều có chính quyền mới và tổng thống mới./.

Hoàng Lan

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận