Covid-19: Các chuyên gia cảnh báo tâm lý 'e ngại vaccine'

Các chuyên gia cảnh báo, chính những nhóm người chưa được tiêm chủng, cũng có thể trở thành nguồn lây nhiễm của những biến thể mới.

 

Tiêm vaccine hiện vẫn được xem là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản thân và những người xung quanh, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Thế nhưng đó đây, vẫn xuất hiện tâm lý e ngại khi cho rằng có người đã tiêm vaccine mà vẫn có thể nhiễm virus hay thậm chí là sợ “ốm” sau khi tiêm. Các chuyên gia y tế cảnh báo, chính những nhóm người chưa được tiêm chủng, cho dù là ở những quốc gia kém phát triển ở châu Phi đến những quốc gia phát triển hàng đầu như Mỹ, cũng có thể trở thành nguồn lây nhiễm của những biến thể mới.

Tại Mỹ, dù tới nay 1/3 dân số nước này đã được chủng ngừa Covid-19 đầy đủ, song một xu hướng đáng lo ngại đang xuất hiện khi một số người từ chối tiêm mũi thứ 2. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), có khoảng 8% số những người được tiêm mũi đầu tiên đã bỏ lỡ mũi tiêm thứ hai. Có rất nhiều lý do giải thích cho tình trạng này, song trong đó chủ yếu là: nhiều người tin rằng, một mũi tiêm vaccine Covid -19 cũng đã đủ để bảo vệ khỏi mắc bệnh hoặc tử vong do Covid-19; sợ bị ốm khi tiêm mũi thứ hai; bận công việc, khó khăn trong việc lên lịch tiêm hay thậm chí là quá mệt mỏi vì Covid-19.

Ảnh minh họa: AP

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci cảnh báo: “Tương tự như tình hình ở Anh, biến thể Delta hiện là mối đe dọa lớn nhất ở Mỹ, cũng như đối với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của chúng ta. Tuy nhiên, vaccine cũng đang cho thấy hiệu quả chống lại biến thể Delta. Chúng ta có các công cụ, vậy thì tại sao không tận dụng chúng và dập tắt sự bùng phát của dịch bệnh”.

Là một trong số những khu vực có tỷ lệ các ca mắc mới cao nhất thế giới, song Đông Nam Á cũng đang chứng kiến một số lượng không nhỏ người dân e ngại và thậm chí là chống vaccine. Thăm dò của Công ty Suan Dusit cho thấy, 1/3 người dân Thái Lan nghi ngờ hoặc từ chối tiêm chủng và một tỷ lệ gần tương đương 1/5 ở Indonesia do dự khi quyết định tiêm vaccine. Theo Tổng thư ký phụ trách truyền thông toàn cầu của Liên hợp quốc Mellisa Fleming, một trong những nguyên nhân chính là thông tin sai lệch về vaccine hay phóng đại những mối nguy cơ của việc tiêm phòng. Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với những chính phủ mong muốn 80% dân số của mình được bảo vệ chống lại dịch bệnh gây chết người này.

Nhiều quốc gia từ Ấn Độ đến Anh, Pháp hay Mỹ đều đang phải đối mặt với nguy cơ một cuộc chiến kéo dài do sự xuất hiện của nhiều biến thể có khả năng lây truyền cao hơn, chậm trễ trong việc tiêm chủng do thiếu nguồn cung hay hiện nay là tâm lý e ngại vaccine. Các chuyên gia kinh tế thì cảnh báo, nếu không có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng, các quốc gia dù là lớn hay nhỏ đều sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp nhận dòng khách du lịch quốc tế, vốn có vai trò quan trong không chỉ đối với ngành du lịch và khách sạn mà còn đối với kinh doanh và đầu tư quốc tế.

Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhấn mạnh: “Chúng tôi thấy rằng trong thời gian tới, tiêm chủng cho thế giới là cách hiệu quả nhất để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Nói cách khác, chính sách vaccine là chính sách kinh tế”.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiêm chủng ngừa đầy đủ không chỉ xây dựng khả năng miễn dịch cho cộng đồng mà còn tăng cường khả năng bảo vệ người tiêm không mắc bệnh và không gặp biến chứng nghiêm trọng do Covid-19./.

Thu Hoài/VOV1

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận