Người mới với thỏa thuận cũ ở Iran

Tân tổng thống Iran biểu lộ thái độ cứng rắn đối với Mỹ nhưng nhấn mạnh việc hai bên cùng trở lại thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran.

 

Không ngoài dự liệu chung của cả bên trong lẫn bên ngoài Iran, phần thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi ở đất nước này đã thuộc về ông Ebrahim Raisi. Người này được cho là có quan điểm bảo thủ và cứng rắn chứ không ôn hoà như tổng thống sắp mãn nhiệm Hassan Rouhani. Ông Raisi còn là ứng cử viên tổng thống được lãnh tụ tôn giáo tối cao của Iran Giáo chủ Ali Khamenei sủng ái nhất. Trong cuộc bầu cử tổng thống ở đất nước này cách đây 4 năm, ông Raisi đã thua ông Rouhani.

Ở lần bầu cử tổng thống này, ông Rouhani không thể tái ứng cử được nữa do đã cầm quyền hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp và Hội đồng giám sát tôn giáo Iran đã loại trừ ngay từ đầu tất cả những ứng cử viên tổng thống có triển vọng đe doạ sự đắc cử của ông Raisi. Ông Raisi giành về khoảng 60% phiếu bầu nên đắc cử tổng thống ở ngay vòng bầu cử đầu tiên nhưng vị đắng của chiến thắng này là không đầy một nửa số hơn 60 triệu cử tri ở Iran đi bỏ phiếu. Điều đó có nghĩa rằng chỉ có số ít cử tri bầu ông Raisi còn số đông thì không bầu hoặc không tham gia bầu cử do biết từ trước là ông Raisi sẽ đắc cử và do không hài lòng về những ứng cử viên tổng thống còn lại.

Ông Ebrahim Raisi tranh cử chức Tổng thống Iran với tư cách ứng viên độc lập. (Ảnh: AP)

Với việc ông Raisi trở thành tổng thống mới, phe bảo thủ và cứng rắn ở đất nước này được coi là thắng thế vì hiện đã kiểm soát cả quốc hội. Trên danh nghĩa thì như vậy, nhưng trong thực chất thì nội bộ phe cánh này đã bộc lộ bất đồng và rạn nứt. Iran hiện trong tình trạng kinh tế tăng trưởng khó khăn và phân rẽ trên chính trường cũng như trong nội bộ xã hội, vẫn bị giằng xé giữa trào lưu cải cách và bảo thủ.

Ngay sau khi đắc cử, ông Raisi đã biểu lộ quan điểm thái độ cứng rắn đối với Mỹ nhưng nhấn mạnh chủ ý đạt được với Mỹ kết quả trong cuộc đàm phán gián tiếp hiện tại ở Viên (Áo) về việc hai bên cùng trở lại thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA). Ông Raisi bác bỏ yêu cầu đòi hỏi của chính quyền trước đấy ở Mỹ về đưa cả chương trình tên lửa và chính sách đối ngoại của Iran vào nội dung đàm phán với Mỹ.

Cuộc đàm phán gián tiếp ở Viên và việc Iran và Ả rập Xê út xúc tiến quá trình bình thường hoá trở lại mối quan hệ song phương là hai điều đáng chú ý nhất về đối ngoại của Iran vào thời điểm ông Raisi đắc cử tổng thống ở Iran. Ông Raisi bác bỏ khả năng gặp gỡ trực tiếp tân tổng thống Mỹ Joe Biden vì biết rằng cuộc gặp như thế hiện hoàn toàn bất khả thi cả về đối nội lẫn đối ngoại. Phe bảo thủ và cứng rắn ở Iran sẽ không để cho ông Raisi gặp ông Biden. Quan hệ giữa Mỹ và Iran hiện tồi tệ và thù địch đến mức thời điểm hoàn toàn không thích hợp và điều kiện chưa chín muồi cho một cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ và Iran. Hơn nữa, bản thân ông Raisi bị Mỹ và EU đưa vào diện trừng phạt.

JCPOA là thoả thuận của người tiền nhiệm của ông Raisi. Nhưng vị tổng thống mới này và phe bảo thủ, cứng rắn ở Iran hiện lại rất cần nó. Chỉ khi duy trì được JCPOA thì Iran mới có thể thoát được ra khỏi mọi biện pháp chính sách trừng phạt của Mỹ, EU và LHQ. Chỉ có JCPOA mới có thể giúp ông Raisi và phe bảo thủ, cứng rắn ở Iran trang trải được nhu cầu về đối nội đối với bộ phận đông đảo cử tri đã không bỏ phiếu ủng hộ ông Raisi hoặc đã không tham gia bầu cử để phản đối việc các ứng cử viên tổng thống theo quan điểm ôn hoà, tức là tiếp nối quan điểm chính sách cầm quyền của ông Rouhani, bị gạt ra khỏi cuộc tranh cử tổng thống ngay từ đầu.

Vì ông Biden ở phía Mỹ cũng có nhu cầu duy trì JCPOA nên cho dù đàm phán còn kéo dài và khó khăn, Mỹ và Iran rồi đây sẽ đạt được thoả thuận nào đấy để cùng trở lại JCPOA. Nhưng mối quan hệ song phương này nhìn chung sẽ phức tạp và trắc trở hơn trước ở thời có người mới cầm quyền tại Iran./.

Hoàng Lan

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận