NATO: Nhiều thách thức chưa có đối sách

NATO hiện bị đẩy vào tình thế khó xử với cả Mỹ lẫn Nga. Tình huống mới đòi hỏi NATO phải có đối sách mới.

 

Hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO diễn ra trong hai ngày 13 và 14/2/2019 dưới tác động của nhiều diễn biến mới về chính trị an ninh thế giới và ở châu Âu.

Không đầy 2 tuần trước đó, Mỹ và sau đấy là Nga đã chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp ước về tên lửa tầm trung (INF), Mỹ chuẩn bị thực hiện việc rút quân đội ra khỏi Syria và đã đàm phán trực tiếp với Taliban về khả năng Mỹ rút quân đội ra khỏi Afghanistan. Mỹ và EU tiếp tục làm găng với Nga trong vấn đề Ukraine, các thành viên NATO ở châu Âu rậm rịch tăng cường ngân sách quốc phòng, EU thúc đẩy những nỗ lực tăng cường hợp tác trên lĩnh vực quân sự và quốc phòng cũng như Hy Lạp và Macedonia đã dọn dẹp trở ngại đáng kể cuối cùng đối với việc NATO xem xét thu nạp Macedonia vào liên minh quân sự.

Những diễn biến mới này trong bối cảnh tình hình ấy làm cho hội nghị bộ trưởng quốc phòng đầu năm nay của các nước thành viên NATO được đặc biệt coi trọng và có ý nghĩa quan trọng mới. NATO bị đẩy đến trước những thách thức mới về an ninh mà vẫn chưa có được đối sách thích hợp, phải giải quyết đồng thời nhiều vấn đề mà vẫn chưa thấy có được ý tưởng giải pháp khả dĩ và thật sự chưa biết làm cách nào để có thể thoát được ra khỏi tình thế khó khăn và khó xử hiện tại.

Việc NATO khúc mắc quan hệ với Nga vốn không mới lạ. Nhưng thách thức mới đối với NATO liên quan đến Nga nằm trên hai phương diện. Thứ nhất là giữa Nga và Ukraine đã trở nên căng thẳng và đối địch quyết liệt hơn rất đáng kể so với trước đấy. NATO vốn hậu thuẫn chính thể hiện tại ở Ukraine nhưng cho tới nay gần như đã sử dụng hết mọi cách để gây áp lực và trừng phạt Nga. Vì thế, đối địch giữa Nga và Ukraine càng thêm quyết liệt và không khoan nhượng thì NATO càng thêm khó khăn và khó xử. Sau nhiều năm rồi mà NATO đến nay vẫn không gây dựng được vai trò đáng kể gì trong việc giải quyết vấn đề Ukraine và xử lý quan hệ giữa Nga với Ukraine.

Thứ hai, vì Mỹ rút khỏi hiệp ước INF nên Nga cũng rút khỏi hiệp ước này nên NATO không thể không thấy khả năng về chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Mỹ và Nga cũng như Nga tập trung tiềm lực hạt nhân nhằm vào NATO ở châu Âu. NATO cáo buộc Nga vi phạm INF nhưng không muốn Mỹ rút khỏi hiệp ước này và giờ không ngăn cản được Mỹ làm việc ấy. NATO hiện bị đẩy vào tình thế khó xử với cả Mỹ lẫn Nga. Tình huống mới đòi hỏi NATO phải có đối sách mới. Vấn đề chỉ là NATO bế tắc đối sách.

Chủ ý của chính quyền ông Donald Trump rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria và Afghanistan cũng như căng thẳng trở lại với Iran là thách thức an ninh lớn tiếp theo đối với NATO. Ở đây cũng ẩn hiện mâu thuẫn lợi ích giữa Mỹ và các thành viên khác trong NATO. Mỹ coi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria đã bị đánh bại nhưng NATO lại không chia sẻ quan điểm ấy.

Mỹ cho rằng đã đến lúc triệt thoái quân đội khỏi Syria và Afghanistan thì NATO lại coi quyết sách ấy quá vội vàng. Cho nên chuyện dung hoà lợi ích và thống nhất quan điểm để phối hợp hành động giữa Mỹ và NATO trong những vấn đề này hiện rất khó khăn và không thấy có triển vọng thành công được.

Cả việc hài hoà hoá những nỗ lực tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng cũng như hoạt động quân sự chung của EU với NATO cũng là chủ đề nội dung khó đạt được sự đồng thuận quan điểm trên chương trình nghị sự của hội nghị này của bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO.

Chỉ có về nội dung tăng mức ngân sách quốc phòng ở các nước thành viên để tranh thủ Mỹ trước hết và việc mở ra triển vọng, nếu có thể được thì khởi động quá trình tiếp nhận Macedonia làm thành viên mới là không khó khăn và phức tạp cũng như khó xử hay gây tranh luận nhiều gì giữa các thành viên NATO ở hội nghị này. Nhưng cả hai chủ đề nội dung này đều đâu có cấp thiết đối với NATO bằng các chủ đề nội dung trên kia. Xem ra, NATO vẫn chưa thể thoát được ra khỏi tình trạng lực bất tòng tâm lâu nay.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận