Châu Á nỗ lực phát triển vaccine Covid-19 nội địa: Giải pháp ổn định dài hạn

Việc phát triển vaccine nội địa giúp các nước có nguồn cung đối phó với dịch bệnh trong tương lai, là công cụ để gia tăng vị thế đối với các nước nghèo hơn.

 

Diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục phức tạp khi xuất hiện các biến chủng mới không những có độc tính cao hơn mà còn lây lan nhanh chóng, có khả năng kháng các loại vaccine hiện có. Thực tế này cho thấy nhu cầu về các loại vaccine mới để duy trì khả năng miễn dịch sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Ngoài Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đang nỗ lực chạy đua phát triển vaccine nội địa để đáp ứng nguồn cung trong nước cũng như tăng cường khả năng ngăn chặn dịch bệnh.

Nhiều nước châu Á nỗ lực phát triển vaccine Covid-19 nội địa để giải quyết bài toán thiếu hụt trước mắt cũng như đảm bảo giải pháp ổn định dài hạn. (Ảnh minh họa: FT)Tại Hàn Quốc, ít nhất 5 tập đoàn dược phẩm của nước này đang hợp tác phát triển vaccine nội địa. Giới chức Hàn Quốc cho biết, ít nhất 2 loại vaccine sắp được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và có thể đưa vào sử dụng ngay cuối năm hoặc đầu năm sau.

Giám đốc điều hành Tập đoàn EUBiologics, ông Choi Seuk-keun cho biết: “Chúng tôi có kế hoạch thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trong nửa cuối năm nay. Nếu thành công, cuối năm nay chúng tôi sẽ xin chấp thuận bổ sung và có thể bắt đầu phân phối ra thị trường vào đầu năm tới”.

Tại Nhật Bản, 4 tập đoàn dược phẩm lớn cũng đang thực hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 một số loại vaccine, bao gồm cả vaccine công nghệ mRNA và vaccine bất hoạt truyền thống. Dự kiến, đến giữa năm 2022, Nhật Bản sẽ có 1-2 loại vaccine nội địa.

Ấn Độ, một trong số các quốc gia có số người tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới cũng đang nỗ lực phát triển vaccine nội địa trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt trầm trọng khi chính phủ nước này yêu cầu tiêm chủng cho tất cả người lớn. Cho đến nay, Ấn Độ đã sử dụng khoảng 21 triệu liều vaccine nội địa Covaxin tự sản xuất. Mặc dù chưa được Tổ chức Y tế thế giới thông qua, giới chức Ấn Độ vẫn đặt mục tiêu cung cấp tới 80 triệu liều Covaxin mỗi tháng trong giai đoạn cuối năm nay.

Một số nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam cũng đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các loại vaccine nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước trước mắt. Giới chức Thái Lan cho biết, một  số loại vaccine mà nước này đang nghiên cứu sẽ theo hướng là liệu pháp tăng cường đối phó với các biến thể mới khi phần lớn người dân đã được tiêm chủng các loại vaccine thế hệ thứ nhất. Thái Lan cũng cho rằng mỗi khu vực nên có một số quốc gia có khả năng sản xuất vaccine nội địa để phòng chống đại dịch Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác.

Việc phát triển vaccine nội địa không chỉ giúp cho các nước có nguồn cung đối phó với dịch bệnh trong tương lai mà còn là công cụ để gia tăng vị thế cũng như ảnh hưởng đối với các nước nghèo hơn. Trong khi Hàn Quốc tuyên bố muốn trở thành trung tâm sản xuất vaccine cho khu vực và thế giới trong vài năm tới, Thái Lan cũng công khai ý định xuất khẩu vaccine nội địa sang các nước láng giềng như Campuchia hoặc Lào. Với diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn nhiều phức tạp, thời gian tới sức nóng trong cuộc chạy đua sản xuất và phân phối vaccine nội địa giữa các nước châu Á sẽ tiếp tục gia tăng./.

Vũ Hợp/VOV1
Tổng hợp

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận