Vì sao Israel tấn công vào hệ thống đường hầm của Hamas ở Dải Gaza?

Kể từ khi bắt đầu các cuộc giao tranh, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tập trung phần lớn vào hệ thống đường hầm mà phong trào Hamas xây dựng dưới lòng đất.

 

Kể từ khi bắt đầu các cuộc giao tranh, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tập trung phần lớn vào hệ thống đường hầm mà phong trào Hamas xây dựng dưới lòng đất ở Dải Gaza.

Theo IDF, các cuộc không kích tuần trước đã đánh trúng hơn 150 mục tiêu dưới lòng đất ở phía Bắc Dải Gaza, tập trung chủ yếu ở Beit Lahuya.

“Trong những ngày qua, chúng tôi đã nhằm vào các mục tiêu dưới lòng đất. Hamas nghĩ rằng họ có thể ẩn náu ở đó. Nhưng đó là nơi họ không thể ẩn náu. Các quan chức Hamas cấp cao nghĩ rằng họ có thể chạy trốn và thoát nạn, nhưng họ không thể”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên hố hôm 14/5.

Bên trong đường hầm. (Ảnh : KT)Israel cho rằng các đường hầm dưới lòng đất mà các nhóm vũ trang Palestine xây dựng thường đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột ở Gaza.

Israel gọi hệ thống đường hầm này là “Metro của Gaza”. Phần lớn hệ thống được xây dựng sau những bài học mà Hamas rút ra từ Chiến dịch Cast Lead năm 2009. Trong chiến dịch đó, Hamas đã thiệt hại nặng nề trước sự vượt trội trên không cũng như khả năng tình báo trên mặt đất của Israel. Kể từ đó, phần lớn các hoạt động của Hamas đã chuyển xuống hệ thống đường hầm, đặc biệt là khi xảy ra các tình huống khẩn cấp.

Không giống như những rocket, yếu tố có bằng chứng rõ ràng về sự tồn tại của chúng sau khi được bắn đi, sẽ rất khó để xác minh chi tiết về các hệ thống dưới lòng đất cũng như vỏ bọc sử dụng của các đường hầm này.

Tuy nhiên, chính các lãnh đạo Hamas đã xác nhận về sự tồn tại của hệ thống đường hầm dưới lòng đất trong các cuộc phỏng vấn với các nhà báo phương Tây. Họ mô tả các đường hầm này là một sự “đổi mới”, đồng thời khẳng định phần lớn hệ thống là mang tính chất phòng vệ, Cho dù Israel phá hủy các đường hầm này, Hamas vẫn còn rất nhiều hệ thống đường hầm khác.

Quân đội Israel đã đưa các phóng viên tới các đường hầm mà nước này phát hiện, cho thấy chúng có cấu trúc phức tạp với các bức tường bê tông, hệ thống điện và xe vận chuyển.

Không giống như các đường hầm đã bị đánh trúng trước đây, giới chức Israel cho biết, các đường hầm bị không kích cuối tuần trước phục vụ mục đích sử dụng bên trong Dải Gaza, chứ không phải để di chuyển ra, vào dải đất này.

Các đường hầm ban đầu ở Gaza xuất hiện sau khi Israel phong tỏa dải đất này để đáp trả việc phong trào Hamas nắm quyền kiểm soát tại đây. Ban đầu, các đường hầm được sử dụng để buôn lậu hàng hóa vào Dải Gaza chứ không phải vì mục đích quân sự.

Tuy nhiên hệ thống đường hầm sớm được sử dụng vào các mục đích khác nhau. Năm 2006, Hamas từng sử dụng một đường hầm để bắt cóc binh sỹ Israel Gilad Shalit. Shalit bị giam giữ 5 năm, sau đó được trao trả theo thỏa thuận trao đổi tù binh năm 2011.

Trong cuộc chiến Gaza năm 2014, Hamas đăng tải các đoạn video cho thấy các tay súng bịt mặt, mang vũ khí tự động và súng phóng lựu bò lên từ một đường hầm dưới mặt đất. Giới chức Israel cũng xác nhận các binh sỹ nước này bị phục kích theo kiểu như vậy.

Khoảng 30 đường hầm bị phá hủy trong cuộc xung đột năm 2014. Khi đó, giới chức Israel nói rằng Hamas đã xây dựng hơn 1.300 đường hầm kể từ năm 2007 với chi phí khoảng 1,25 tỷ USD chuyển đổi từ nguồn quỹ được phân bổ cho cơ sở hạ tầng công cộng ở Gaza.

Thủ tướng Netanayhu đã bày tỏ lo ngại rằng, các đường hầm có thể được sử dụng không chỉ để bắt cóc các binh sỹ mà còn cả dân thường Israel.

Trong một văn bản gần đây, Rami Abu Zubaydah của Viện nghiên cứu Ai Cập nói rằng, lãnh đạo Hamas từng tiết lộ với báo chí phương Tây hệ thống đường hầm được sử dụng vào mục đích chiến lược, trong đó có cả các đường hầm sử dụng cho mục đích chiến đấu, làm nơi tập trung của các quan chức cấp cao, hoặc để chứa rocket và vũ khí. Cũng có những đường hầm nhỏ hơn để phục vụ giao thông nhanh chóng.

Có vẻ như trong những năm qua, IDF đã thành công trong việc khám phá bí mật cốt lõi và vẽ bản đồ hệ thống đường hầm cũng như hệ thống trung tâm chỉ huy dưới lòng đất của Hamas.

Israel cũng sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để đánh vào các đường hầm ở Gaza, trong đó có cả không kích cũng như xây dựng một bức tường dưới lòng đất - hoàn thành vào tháng 3 vừa qua sau nhiều năm xây dựng. Giới chức từ chối công khai thông tin bức tường này sâu chừng nào.

Phát biểu bên lề cuộc họp Ủy ban Mỹ-Israel tại Washington năm 2018, một quan chức phụ trách tác chiến lòng đất của Israel nói rằng nước này có các công nghệ mới tinh vi để phát hiện đường hầm nhưng từ chối nêu chi tiết.

Các cuộc tấn công vào hệ thống đường hầm ở Gaza chủ yếu diễn ra vào đêm 13 rạng sáng 14/5 ở phía Bắc Dải Gaza. Có các đánh giá khác nhau về số người thiệt mạng trong các cuộc tấn công này. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là Hamas đã bị tước mất một tài sản quan trọng: sự tự tin vào khả năng hoạt động dưới lòng đất, nơi các lãnh đạo của phong trào này cảm thấy họ “miễn nhiễm” với các cuộc tấn công của Israel./. 

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo Washington Post, Haaretz

 

Bình luận

    Chưa có bình luận