Tập trung vào vấn đề đối nội
Dù chưa phải là Thông điệp liên bang nhưng bài phát biểu của Tổng thống Biden trước Quốc hội hôm nay (29/4) được đánh giá là quan trọng, khi “gói ghém” lại những gì đã làm được trong hơn 3 tháng qua cũng như gợi mở các chiến lược, chính sách tiếp theo.
Đây là dịp để Tổng thống Biden vạch ra những ưu tiên lập pháp của mình và chia sẻ về những thành quả mà chính quyền của ông đã đạt được đến thời điểm này. Dự kiến, bài phát biểu của Tổng thống Biden sẽ tập trung vào các vấn đề đối nội.
Thứ nhất, ông Biden sẽ cập nhật về nỗ lực của Mỹ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 mà đến nay đã khiến hơn 570.000 người thiệt mạng và gần 33 triệu trường hợp mắc bệnh.
Thứ hai, Tổng thống Biden có thể sử dụng bài phát biểu để quảng bá cho đề xuất trị giá 2.300 tỷ USD của mình nhằm sửa chữa cơ sở hạ tầng (cầu, cống, đường bộ, đường sắt,…) đã bị xuống cấp của nước Mỹ, đồng thời khắc phục tình trạng bất bình đẳng trong xây dựng vốn có lịch sử gây bất lợi cho các khu dân cư có mức thu nhập thấp và các cộng đồng da màu.
Thứ ba, theo tiết lộ của Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, nội dung trọng tâm của bài phát biểu đó là Tổng thống Biden sẽ vạch ra Kế hoạch Gia đình Mỹ, tập trung vào cam kết của ông đối với việc chăm sóc trẻ em, giáo dục, nghỉ phép được trả lương và cách thức để thực hiện những ưu tiên đó.
Thứ tư, Tổng thống Biden nhiều khả năng phát biểu về cải cách lực lượng cảnh sát - một chủ đề đã được khơi dậy sau vụ giết hại người đàn ông da màu George Floyd ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota vào tháng 5 năm ngoái.
Ngoài ra, Tổng thống Biden có thể đề cập tới một số điểm nóng trên thế giới và các ưu tiên về chính sách đối ngoại, trong đó có kế hoạch rút quân khỏi chiến trường Afghanistan; đàm phán để tái gia nhập Thỏa thuận Hạt nhân Iran; thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu; hợp tác ứng phó với đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại nhiều nước trên thế giới; những căng thẳng và bất đồng trong quan hệ với Trung Quốc, Nga,…
Phép thử lớn vẫn ở phía trước
Có thể khẳng định rằng, sau 100 ngày đầu tiên, chính quyền Tổng thống Biden đã đạt được một số thành tựu quan trọng, cả về đối nội và đối ngoại, nổi bật hơn cả chính là cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, dư luận truyền thông và chuyên gia tại Mỹ cho rằng các phép thử lớn vẫn đang chờ đợi chính quyền Tổng thống Biden ở phía trước.
Đầu tiên, dù đạt được kết quả ngoài mong đợi về tiêm chủng, giảm mạnh số ca lây nhiễm mới và số người tử vong vì Covid-19 nhưng hai tiêu chí quan trọng liên quan tới đại dịch này vẫn còn tương đối cao, cùng với đó là sự xuất hiện các biến thể dễ lây nhiễm hơn. Bên cạnh đó, dịch bệnh đang diễn biến rất nghiêm trọng tại Ấn Độ, Argentina, Brazil, Nam Phi và nhiều nơi khác trên thế giới và những gì đang xảy ra tại Ấn Độ so với thời điểm đầu tháng 2 năm nay là lời cảnh tỉnh đối với nước Mỹ. Nếu lơ là, mất cảnh giác thì mọi thành quả chống dịch có thể bị đảo ngược trong một vài tuần, kéo theo đó là những hệ lụy lớn về kinh tế - xã hội.
Thứ hai, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD mà Nhà Trắng đang nỗ lực thúc đẩy Quốc hội thông qua và các dự luật kích thích kinh tế hiện còn ấp ủ có thể coi là bước đi đúng đắn để thúc đẩy nền kinh tế số một thế giới giai đoạn hậu Covid-19. Các gói kích thích kinh tế khổng lồ đó nếu được hiện thực hóa cũng sẽ khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng lên mức kỷ lục mới. Do vậy, chính quyền Tổng thống Biden sẽ gặp nhiều khó khăn để có thể thuyết phục các nghị sĩ bên phía đảng Cộng hòa đồng ý dốc hầu bao, trong bối cảnh đảng Dân chủ chỉ nắm thế đa số mong manh tại cả hai viện của Quốc hội. Quan trọng hơn cả, Nhà Trắng phải thuyết phục được giới nghị sĩ về tính thiết thực và hiệu quả thực tế của các kế hoạch đầu tư khổng lồ đó.
Thứ ba, chính quyền Tổng thống Biden cần có lộ trình và bước đi cụ thể để hàn gắn nước Mỹ, không chỉ là sự chia rẽ đảng phái, mà nghiêm trọng hơn là sự chia rẽ giữa các cộng đồng dân cư và tầng lớp xã hội ngày càng tăng, nhất là sau mùa tổng tuyển cử 2020 gây tranh cãi nhất trong lịch sử và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Nếu chính quyền Tổng thống Biden chứng tỏ quyết tâm và nỗ lực thực sự để cải cách thành công lực lượng cảnh sát, điều đó cũng sẽ góp phần giảm bớt những chia rẽ trong lòng nước Mỹ.
Thứ tư, việc tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo toàn cầu về chống biến đổi khí hậu vừa qua đã chứng tỏ quyết tâm tái can dự và dẫn dắt nỗ lực quốc tế của chính quyền Tổng thống Biden. Những cam kết mới và sớm mà lãnh đạo các nước trong đó có Mỹ đưa ra tại hội nghị là điều đáng khích lệ, tạo tiền đề cho nỗ lực hiện thực hóa Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tuy vậy, cam kết là chưa đủ, mà cần phải có các kế hoạch hành động và lộ trình thực hiện cụ thể. Quan trọng hơn là phải đảm báo tính nhất quán trong quá trình thực hiện, tránh để rơi vào tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”.
Thứ năm, chính quyền Tổng thống Biden thực hiện kế hoạch thoái lui khỏi chiến trường Afghanistan một cách thận trọng và hợp lý, nhằm tránh đẩy nước Mỹ và các đồng minh vào mối đe dọa an ninh mới, và tránh lập lại kịch bản từng xảy ra ở Iraq khi ông Biden còn là Phó Tổng thống dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Bởi lẽ, cộng đồng tình báo Mỹ mới đây đánh giá lực lượng Taliban vẫn mối đe dọa an ninh trực tiếp với Mỹ và đồng minh, không loại trừ nguy cơ Afghanistan lại trở thành “thiên đường” cho các lực lượng khủng bố trong tương lai.
Ngoài ra, dư luận Mỹ kỳ vọng chính quyền Tổng thống Biden đưa ra những cam kết rõ ràng và các bước đi thỏa đáng để phối hợp với đồng minh và đối tác giải quyết những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, Mỹ sẽ thúc đẩy hợp tác với hai “đối thủ” Trung Quốc và Nga trong các lĩnh vực có thể và có sự giao thoa về lợi ích. Ngược lại, Nhà Trắng phải có các chiến lược và kế hoạch nâng cao khả năng cạnh tranh, nhất là trước sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc, nhằm duy trì vị thế “độc tôn” của Mỹ trong các lĩnh vực trọng yếu./.
Phạm Huân/VOV-Washington