Dấu ấn 100 ngày của Biden và những cạm bẫy chính trị còn ở phía trước

100 ngày của ông Biden dường như đã có nhiều thuận lợi cả trong chính sách đối ngoại và đối nội nhưng những thách thức mà ông phải đối mặt cũng không ít.

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phát biểu trước Quốc hội ngày 28/4 nhân kỷ niệm 100 ngày ông nhậm chức. Ở tuổi 78, ông là người cao tuổi nhất đảm nhiệm vị trí này.

Đối mặt với đại dịch Covid-19 chết chóc bùng phát trên thế giới, một nền kinh tế suy thoái và sự chia rẽ sâu sắc trong chính trường Mỹ suốt 4 năm ông Donald Trump làm Tổng thống, ông Biden đã có một "ngọn núi lớn" phải vượt qua.

Tuy nhiên, trong 3 tháng qua, nhà lãnh đạo Mỹ đã khiến nhiều người bất ngờ với những chiến lược, lập trường đàm phán cứng rắn và những tham vọng lớn được thực hiện trên quy mô lớn.

Sự thể hiện của ông Biden đã khiến Tổng thống Mỹ nhận được 59% tỷ lệ ủng hộ trong cuộc khảo sát gần đây nhất của Pew, cao hơn bất kỳ tỷ lệ nào ông Trump từng nhận được.

Những nước cờ lớn

Tổng thống Biden đã cam kết sẽ "hàn gắn" nước Mỹ và với việc chương trình vaccine Covid-19 vào tuần trước hoàn thành 200 triệu mũi tiêm, nhà lãnh đạo này đang giữ đúng lới hứa của mình.

Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ với gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD được thông qua ở Quốc hội hồi tháng 3 đã giúp hồi phục phần nào từng "ngõ ngách" của nền kinh tế bị đại dịch Covid-19 tàn phá nặng nề. Một cú tăng trưởng vượt bậc hậu đại dịch là điều được kỳ vọng rộng rãi.

Hiện nay, ông Biden đang thúc đẩy Kế hoạch Việc làm cho người dân Mỹ trị giá 2.000 tỷ USD nhằm sửa chữa các cơ sở hạ tầng của Mỹ từ cầu đường cho tới internet băng thông rộng và phát triển ô tô điện.

Tiếp theo, một bước đi lớn nữa của ông Biden là Kế hoạch Các gia đình Mỹ trị giá ít nhất 1.000 tỷ USD sẽ tập trung vào việc chăm sóc trẻ em và giáo dục.

Mặc dù đảng Cộng hòa không tán thành với ông Biden trong một số vấn đề song các cuộc khảo sát cho thấy những cử tri của họ vẫn dành sự ủng hộ cho Tổng thống Mỹ. Điều này cho phép ông Biden có triển vọng thuận lợi để thực hiện các cam kết của mình với sự ủng hộ từ lưỡng đảng.

Cuộc chơi toàn cầu

Không chỉ thay đổi nước Mỹ, ông Biden còn muốn thay đổi vận mệnh của hành tinh này. Ngay khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã đưa nước Mỹ trở lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu mà ông Trump rút khỏi năm 2018. Tuần trước, nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí đã tiến xa hơn khi triệu tập một Hội nghị Thượng đỉnh gồm lãnh đạo của 40 quốc gia, nơi mà ông thông báo sẽ tăng gấp đôi các mục tiêu của Mỹ trong việc cắt giảm khí nhà kính.

Trong chính sách đối ngoại, nhà lãnh đạo này cũng nhanh chóng hành động. Các đồng minh của Mỹ đều cảm thấy an tâm và được đảm bảo hơn trước thông điệp "Nước Mỹ trở lại" của ông Biden. Những đối thủ và kẻ thù của Mỹ cũng đang được đánh giá lại khi Trung Quốc và Nga được phân loại vào mối quan hệ bạn - thù với cạnh tranh vẫn chiếm vị trí chi phối, ngoại trừ những vấn đề chiến lược mà hợp tác đóng vai trò quan trọng.

Chứng minh khả năng hành động quyết đoán và không ngại rủi ro, ông Biden được cho là đã bác bỏ những kiến nghị của các tướng lĩnh hàng đầu Lầu Năm Góc để đưa ra thời hạn cụ thể là ngày 11/9 cho việc rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan.

Ngày 23/4, Tổng thống Biden đã chính thức lên tiếng công nhận vụ đế chế Ottoman sát hại hơn 1,5 triệu người Armenia năm 1915 là tội ác “diệt chủng”, bất chấp việc động thái này sẽ chọc giận Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: EPA

Cạm bẫy chính trị

100 ngày của ông Biden dường như đã có nhiều thuận lợi cả trong chính sách đối ngoại và đối nội nhưng những thách thức mà ông phải đối mặt cũng không ít và thậm chí sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.

Đảng Cộng hòa cho tới nay đều có chung quan điểm trong việc phản đối những ý tưởng lớn của ông Biden. Điều đó khiến cho nhà lãnh đạo này phải dựa vào thế đa số mong mạnh trong lưỡng viện, điều mà có thể bị thay đổi trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm tới.

Việc thúc đẩy chương trình tiêm vaccine và thông qua Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ có lẽ vẫn là những vấn đề "dễ thở" so với các thách thức sắp tới.

Cạm bẫy chính trị của ông Biden sẽ bắt đầu với tình hình mất kiểm soát ở biên giới với Mexico, nơi mà những tuyên bố của ông Biden về việc khiến quy trinh nhập cư trở nên nhân đạo hơn đang xung đột với thực tế hỗn loạn ở đây.

Các thành viên đảng Cộng hòa đang tìm cách thay đổi cục diện trong cuộc bầu cử giữa kỳ trong khi nền tảng cử tri cánh tả của ông Biden đang bất mãn với những gì mà họ coi là sự "lật lọng" của Tổng thống trong lời hứa tranh cử khi cho phép nhiều người tị nạn hơn đến nước Mỹ.

Ngoài ra, các vấn đề như kiểm soát súng, chăm sóc y tế, cải tổ lực lượng cảnh sát - các vấn đề làm đau đầu những người tiền nhiệm của ông Biden trong những năm qua, cũng đang khiến ông phải "đau đầu".

Ở nước ngoài, những thách thức từ Trung Quốc, Iran, Triều Tiên và Nga chỉ mới bắt đầu. Ông Biden đã đem đến phần nào sự bình yên cho nước Mỹ trong 100 ngày đầu tiên. Tuy nhiên, hẳn là nhà lãnh đạo Mỹ đang hy vọng rằng đó không phải là sự bình lặng trước cơn bão./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo: Straits Times

 

Bình luận

    Chưa có bình luận