Dự báo bắt đầu lạc quan

Tình hình kinh tế thế giới được dự báo lạc quan hơn về tăng trưởng trong năm 2021 và cho cả một vài năm sau nữa.

 

Sau khi tăng trưởng bị suy giảm rõ rệt trong năm 2020, tình hình kinh tế thế giới được dự báo lạc quan hơn về tăng trưởng trong năm 2021 và cho cả một vài năm sau nữa.

Tác động tiêu cực của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra và sự thiếu vắng của đầu tàu cũng như trụ cột cho tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới là hai nguyên nhân chính thường được viện dẫn ra để lý giải sự sa sút của tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới trong năm 2020. Nhân tố chính trị an ninh thế giới và khu vực tuy vẫn có ảnh hưởng nhưng cũng chỉ trong mức độ nhất định và không đóng vai trò quyết định tới chiều hướng diễn biễn tình hình này của tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới.

ảnh minh họa: KTNgay từ thời điểm cuối năm ngoái, các thể chế tài chính và ngân hàng, các tổ chức và cơ quan nghiên cứu quốc tế đều đã đưa ra dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới cho năm 2021. Bước sang năm 2021, mức độ dự báo ấy được điều chỉnh theo hướng còn khả quan hơn. Những nguyên do chính được đưa ra làm cơ sở cho dự báo lạc quan mới đều khá giống nhau. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, dịch bệnh tuy vẫn hoành hành dai dẳng trên thế giới và được dự báo sẽ còn tiếp tục như vậy cả sau năm 2021 nhưng có hai điều mới là vaccine phòng ngừa dịch bệnh đã được triển khai tiêm chủng ở rất nhiều nơi trên thế giới, được chính quyền mọi nơi rất coi trọng và sử dụng vaccine phòng ngừa dịch bệnh đã được nhìn nhận cũng như thực hiện là trụ cột trọng tâm mới của chiến lược ứng phó dịch bệnh ở mọi nơi, các nơi đều đã dần thích ứng với tình trạng phải chung sống lâu dài với dịch bệnh. Rất nhiều chính sách quốc gia liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp tới tăng trưởng kinh tế và thương mại đã được chính quyền các nơi điều chỉnh để thích ứng với bối cảnh tình hình mới.

Thứ hai là khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt được thành quả nhanh hơn và cơ bản hơn trong công cuộc ứng phó dịch bệnh và khôi phục tăng trưởng kinh tế, thương mại, qua đó giúp kinh tế và thương mại thế giới không những chỉ chặn đà suy giảm mà còn phục hồi và tăng trưởng trở lại. Các nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện tạo ra được động lực quyết định nhất cho tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới.

Nguyên do thứ ba khiến các thể chế và ngân hàng quốc tế, tổ chức và đơn vị nghiên cứu quốc tế lạc quan hơn khi dự báo về triển vọng tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới là chính quyền mới ở Mỹ đã đưa ra gói tài chính ứng phó dịch bệnh quy mô 1.900 tỷ USD và đang xúc tiến thông qua trong quốc hội chương trình tài chính dành cho phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở nước Mỹ với quy mô 2.000 tỷ USD. Những khoản tiền khổng lồ này sẽ giúp nước Mỹ không chỉ nhanh chóng thoát được ra khỏi cuộc khủng hoảng về dịch bệnh mà còn khôi phục tăng trưởng kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm.

Trong dự báo được công bố gần đây nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tin tưởng rằng kinh tế thế giới trong năm 2021 sẽ tăng trưởng 6,0%. IMF dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm 2021 trong khi kinh tế chung của EU tăng trưởng 4,4% và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 8,4%.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa ra dự báo thận trọng cho tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2021 với 5,6%, nhưng lại lạc quan hơn về Mỹ khi dự báo kinh tế Mỹ trong năm 2021 sẽ tăng trưởng 6,5%. OECD tin tưởng kinh tế Mỹ sẽ trở thành một đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới năm 2021.

Những rủi ro lớn có thể làm dự báo trên không trở thành hiện thực là diễn biến tiếp theo của dịch bệnh và thành bại của công cuộc ứng phó dịch bệnh ở mọi nơi trên thế giới. Bởi vậy, dự báo chắc chắn sẽ còn được điều chỉnh trong thời gian tới./.

Hoàng Lan

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận