Chút lạc quan giữa nhiều rủi ro

Những công bố mới đây của các tổ chức quốc tế về thực trạng, triển vọng diễn biến tình hình của thị trường dầu lửa thế giới pha trộn giữa lạc quan và lo ngại.

 

Những công bố mới đây nhất của các tổ chức quốc tế về thực trạng và triển vọng diễn biến tình hình của thị trường dầu lửa thế giới pha trộn giữa lạc quan và lo ngại. Lạc quan vì đã có những biểu hiện cho thấy giá dầu lửa trên thị trường thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục được ổn định chứ không biến động và ổn định ở mặt bằng giá khá cao chứ không giảm. Lo ngại vì hiện vẫn còn có nhiều rủi ro đối với sự ổn định của giá dầu lửa trên thị trường thế giới.

Có bốn nhân tố thường tác động quyết định nhất tới biến động của giá dầu lửa trên thị trường thông qua cơ chế tác động của quy luật cung cầu. Nhân tố thứ nhất là biến động ở nhu cầu của nền kinh tế và của tiêu dùng cá nhân về dầu lửa. Nhân tố thứ hai là biến động trong tình hình chính trị an ninh chung trên thế giới và riêng ở những quốc gia và khu vực được coi là những trung tâm khai thác dầu lửa của thế giới. Nhân tố thứ ba là các nhà sản xuất dầu lửa hợp tác hay cạnh tranh nhau chặt chẽ hay quyết liệt đến mức độ nào. Và nhân tố thứ tư là đầu cơ về dầu lửa.

Có thể dự liệu là giá dầu lửa trên thị trường thế giới năm 2021 nhiều khả năng sẽ ổn định như hiện tại hoặc có tăng chứ không giảm. (ảnh minh họa: KT)Không chỉ có hiện tại mà đã từ nhiều năm nay rồi, trên thị trường dầu lửa thế giới đã tồn tại tình trạng cung vượt quá cầu khiến cho giá dầu lửa giảm. Các nước khai thác dầu lửa, đặc biệt các thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước khai thác nhiều dầu lửa nhưng không phải là thành viên của OPEC, tìm lối đi riêng và chung nhằm chặn đà suy giảm của giá dầu lửa trên thị trường thông qua biện pháp hạn chế khối lượng dầu lửa khai thác tung ra thị trường hàng ngày.

Năm 2020 là một năm không mấy tốt lành đối với nguồn thu nhập từ dầu lửa của các nước khai thác và xuất khẩu dầu lửa bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra tác động rất tiêu cực tới mọi nền kinh tế và cuộc sống của người dân ở mọi nơi trên thế giới. Cách ly và giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới quốc gia khiến cho hoạt động đi lại của người dân suy giảm rõ rệt và ngành du lịch bị tê liệt gần như hoàn toàn. Triển vọng tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới cho năm 2021 được dự báo chung có khả quan hơn, tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn ở chỗ dịch bệnh tái bùng phát thành nhiều làn sóng mới, việc cung ứng vaccine và tiến hành tiêm chủng vẫn gặp nhiều trắc trở, virus xuất hiện nhiều biến thể lạ và nhiều nơi lại phải áp dụng biện pháp cách ly và giãn cách xã hội. Trong bối cảnh tình hình như thế, nhu cầu về dầu lửa trên thế giới chưa thể tăng nhiều và nhanh.

Các nước thành viên OPEC và đối tác, được gọi là OPEC+, về cơ bản vẫn thực hiện thoả thuận hạn chế khối lượng dầu lửa khai thác tung ra thị trường hàng ngày, không tùy ý hay đơn phương gia tăng mức độ khai thác dầu lửa riêng mà vẫn có tham vấn với nhau. Thực tế này giúp cho giá dầu lửa trên thị trường thế giới được ổn định chứ không biến động và vẫn ở mức độ không thấp.

Ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh, tình hình chính trị an ninh, cụ thể là chiến tranh và xung đột, vẫn đầy bất trắc, nhưng về cơ bản ổn định hơn. Cả trên phương diện này cũng thấy là có thể lạc quan nhưng vẫn phải lo ngại bởi hoà bình, an ninh và ổn định vẫn xa vời, xung đột vũ trang vẫn luôn có thể gia tăng mức độ quyết liệt.

Nhìn chung có thể dự liệu là giá dầu lửa trên thị trường thế giới năm 2021 nhiều khả năng sẽ ổn định như hiện tại hoặc có tăng chứ không giảm./.

Hoàng Lan

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận