'Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng phân biệt đối xử với phụ nữ'

Phumzile Mlambo-Ngcuka, người đứng đầu UN Women hôm 15/3 cho rằng, đại dịch Covid-19 là 'cuộc khủng hoảng phân biệt đối xử' đối với phụ nữ và trẻ em gái.

 

Theo bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, người đứng đầu cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women), trong đại dịch, phụ nữ mất việc làm nhiều hơn nam giới, thường xuyên xảy ra nạn bạo lực gia đình và 47 triệu phụ nữ phải nhận mức lương dưới 1,9 USD/ngày.

Bà Mlambo-Ngcuka cho biết, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, trên thế giới có nhiều trẻ mồ côi hơn, tỷ lệ tảo hôn gia tăng, 59% phụ nữ cho biết phải dành nhiều thời gian hơn cho công việc gia đình.

Mlambo-Ngcuka, Giám đốc điều hành của UN Women cho biết, báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, tỷ lệ bạo lực tình dục cao nhất trong 12 tháng qua (chiếm 16%) là đối với phụ nữ trẻ từ 15-24 tuổi.

Báo cáo được nêu trong phiên họp của Ủy ban về Địa vị Phụ nữ nhấn mạnh rằng, “bạo lực đối với phụ nữ trong cuộc sống là một yếu tố cản trở họ tham gia chính trị và ảnh hưởng đến phụ nữ ở mọi lứa tuổi và cấp bậc, ở mọi nơi trên thế giới”.

Bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, người đứng đầu cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc. (Ảnh: AP)

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, mỗi tháng số vụ bạo lực đối với phụ nữ lại tăng lên, từ tình trạng lạm dụng tình dục đến tảo hôn.

“Thiệt hại sẽ không thể lường trước được và sẽ còn ảnh hưởng tới thế hệ tương lai trong nhiều thập kỷ”, ông Antonio Guterres nói.

Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, hậu quả từ đại dịch Covid-19 cho thấy “bất bình đẳng giới vẫn còn hằn sâu trong hệ thống chính trị, xã hội và kinh tế của thế giới”.

Trong năm 2020, ông Guterres cho biết, các nhà lãnh đạo nữ là một trong số những người đã giữ cho tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 ở mức thấp và nỗ lực đưa quốc gia của họ phục hồi sau đại dịch.  

Tuy nhiên, ông Guterres cho rằng, “nhìn trên toàn thế giới, chúng tôi thấy rằng tiếng nói của phụ nữ vẫn còn thiếu trong các cấp lãnh đạo cao nhất”.

Theo báo cáo mới nhất của Liên minh Nghị viện Thế giới được công bố vào tuần trước, chỉ 25% các nhà lập pháp trên thế giới là phụ nữ và chỉ có 22 quốc gia có người đứng đầu quốc gia hoặc chính phủ là phụ nữ.

Mặc dù những con số trên ít thay đổi, nhưng bà Mlambo-Ngcuka cho biết, có những thành tựu “đáng để tôn vinh và truyền cảm hứng cho chúng tôi”.

Bà Mlambo-Ngcuka chỉ ra rằng, tỷ lệ phụ nữ trong chính phủ ở Litva tăng từ 8% lên 43%, Rwanda dẫn đầu thế giới với tỷ lệ bộ trưởng là phụ nữ lớn nhất ở mức 54,8% và tỷ lệ nữ bộ trưởng ở Mỹ tăng từ 17% vào năm 2020 dưới thời cựu Tổng thống Trump lên 46% dưới thời Tổng thống Biden - “một mức tăng cao kỷ lục”.

Mặc dù có những phát triển tích cực, ông Guterres cho biết, nam giới đang chiếm ưu thế trong việc ra quyết định trong thời kỳ đại dịch.

“Một nghiên cứu trên 87 quốc gia cho thấy 85% lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 chủ yếu là nam giới”, người đứng đầu Liên hợp quốc nói.

Bà Mlambo-Ngcuka kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu tạo điều kiện đặc biệt cho phụ nữ trẻ bước vào hoạt động xã hội. “Chúng tôi nhìn thấy phụ nữ dẫn đầu các phong trào ngay cả khi đối mặt với đại dịch nguy hiểm chết người”, bà Mlambo-Ngcuka nói./.

CTV Mai Trang/VOV.VN (biên dịch)
Theo AP

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận