“Bữa tiệc đồng minh”
Hội nghị trực tuyến đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken với các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) vào tháng trước diễn ra trong không khí vui vẻ và hòa thuận tới nỗi một số nhà ngoại giao châu Âu đã gọi đây là "bữa tiệc đồng minh".
Tuy nhiên, 2 đặc phái viên cấp cao tham dự sự kiện này lại cho biết, các ngoại trưởng ở Brussels không hề có sự phản ứng trực tiếp nào sau khi ông Biden nói rằng: "Chúng ta phải cùng nhau chống lại Trung Quốc và thể hiện sức mạnh đoàn kết".
Sự im lặng này của EU một phần là do các nước châu Âu vẫn chưa sẵn sàng cam kết bất kỳ điều gì tới khi Washington công bố một chính sách đầy đủ hơn với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Các ngoại trưởng châu Âu cũng thận trọng bởi EU đang tìm kiếm một sự cân bằng chiến lược trong quan hệ với Bắc Kinh và Washington nhằm đảm bảo châu Âu không quá thân thiết với một trong hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn có thể bị cho là xa rời bên còn lại.
EU cũng hy vọng có đủ sự độc lập, không phụ thuộc cả Washington và Bắc Kinh để có thể "tự lực cánh sinh" qua việc thúc đẩy quan hệ với các quốc gia ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, các quan chức EU cho hay.
Trong một lộ trình mới của EU, khối này hy vọng sẽ nhất trí một kế hoạch vào tháng tới với sự hiện diện lớn hơn và mạnh mẽ hơn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng như trong các vấn đề về hỗ trợ phát triển, thương mại và ngoại giao.
Một đặc phái viên EU tại châu Á nhận định: "Chúng tôi đang thận trọng đi con đường thứ ba giữa Washington và Bắc Kinh".
Một quan chức khác của EU tại châu Á thì thể hiện mối lo ngại rằng, Mỹ có "lập trường cứng rắn với Trung Quốc, đó không phải chính sách của chúng tôi".
EU thận trọng trước bài toán “chọn phe”
Cuộc họp trực tuyến vào tháng trước là một phần trong nỗ lực dưới thời Tổng thống Biden nhằm tái xây dựng liên minh từng bị cựu Tổng thống Trump phớt lờ, người vốn có mối quan hệ căng thẳng với cả châu Âu và Trung Quốc.
Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, Nhà Trắng sẽ liên lạc hàng ngày với các chính phủ châu Âu về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong "một nỗ lực bền vững với mức độ hợp tác cao về một số lĩnh vực".
Một dấu hiệu cho thấy sự phản ứng của Mỹ với Trung Quốc có tác động nhất định là việc Đức tính đưa 1 tàu khu trục tới châu Á và Biển Đông vào tháng 8 tới nhằm thách thức những yêu sách phi lý của Trung Quốc trong khu vực.
EU cũng có kế hoạch trừng phạt 4 quan chức và 1 thực thể của Trung Quốc qua việc cấm đi lại và đóng băng tài sản vào ngày 22/3, liên quan đến vấn đề người Duy Ngô Nhĩ.
Trong một động thái mạnh mẽ hơn của EU, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì một Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến với các nước ở Trung và Đông Âu vào tháng trước, 6 nước thành viên EU gồm Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania và Slovenia đã cử các bộ trưởng thay vì nguyên thủ quốc gia tham dự.
Tuy nhiên, hiện Brussels vẫn còn thiếu tin tưởng về cách thức Washington đối phó với Bắc Kinh, thậm chí cả khi EU ngày càng cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Hong Kong (Trung Quốc) và nguồn gốc đại dịch Covid-19.
Mỹ cho rằng việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội có thể đe dọa tới phương Tây và Washington hiện đang tìm cách làm suy yếu nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei, vốn bị nước này coi là một mối đe dọa an ninh quốc gia.
Liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu cũng đã bắt đầu tập trung vào Trung Quốc nhưng tới nay, chính quyền Tổng thống Biden vẫn đang trong quá trình xem xét lại chính sách.
"Chúng tôi yêu cầu được biết chiến lược của họ với Trung Quốc và họ nói rằng họ vẫn chưa có", một quan chức EU tại châu Á cho hay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng trước đã nhấn mạnh rằng, việc châu Âu đoàn kết chống lại Trung Quốc sẽ tạo ra "khả năng cao nhất" dẫn tới một cuộc xung đột.
Lựa chọn của EU
EU hiện đang cần những thỏa thuận thương mại mới và coi Ấn Độ - Thái Bình Dương là một khu vực có tiềm năng lớn.
EU có thỏa thuận thương mại với Nhật Bản và đang đàm phán một thỏa thuận với Australia. Các nhà ngoại giao cho biết, một số quốc gia ở Ấn Độ - Thái Bình Dương muốn EU trở nên chủ động hơn trong khu vực này nhằm duy trì thương mại mở và tự do, cũng như đảm bảo họ sẽ không bị bỏ lại khi phải lựa chọn rõ ràng giữa Bắc Kinh và Washington.
Pháp cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh như Australia và Ấn Độ trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương công bố vào năm 2018. Kế đến là Hà Lan với chiến lược riêng tại khu vực này và sự mở rộng các "chỉ dẫn" của Đức.
Chiến lược chung của EU, nếu được nhất trí, sẽ bao gồm việc đưa nhiều chuyên gia quân sự EU hơn tới thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao ở châu Á, huấn luyện các lực lượng bảo vệ bờ biển và cử nhiều quân nhân của EU hơn tới làm việc tại các tàu Australia tuần tra ở Ấn Độ Dương, các nhà ngoại giao cho hay.
Hiện vẫn chưa rõ Đức, vốn có quan hệ làm ăn thân thiết với Trung Quốc, có cam kết vào bất kỳ chiến lược mới nào hay không. Các quan chức chính phủ Đức cho biết EU không thể xa rời Bắc Kinh mặc dù các nước này gọi Trung Quốc là "kẻ thù có hệ thống" vào năm 2019.
Dù vậy, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian sẽ tới Ấn Độ vào tháng 4 để phát triển chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của EU trong khi các nước trong khối này cũng có kế hoạch tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh với Ấn Độ trong năm nay.
Pháp có 1,8 triệu công dân, 4.000 binh lính cùng các tàu chiến và tàu tuần tra ở các vùng lãnh thổ thuộc Thái Bình Dương.
"Ấn Độ - Thái Bình Dương là nền tảng cho con đường địa chính trị của EU. Không gì khác có thể thay thể", một nhà ngoại giao Pháp nhận định./.
Theo VOV.VN