Hàng chục nghìn người Indonesia đã ký bản khuyến nghị trực tuyến kêu gọi Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) cấp nhãn cảnh báo người tiêu dùng về sự nguy hiểm của (Bisphenol A - BPA), một hợp chất hóa học thường được tìm thấy trong các bình nước nhựa 19 lít.
Trong vòng 1 tháng, đơn kiến nghị do Hiệp hội Nhà báo Ý thức về Sức khỏe và Sinh thái Indonesia đề xuất đã thu hút 50.000 người ký tên. Trong đơn kiến nghị nêu: “Chất BPA có trong các vỏ chai nhựa ảnh hưởng đến sức khỏe những người ở độ tuổi dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai”.
Ông Roso Daras, Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Ý thức về Sức khỏe và Sinh thái Indonesicho biết, dựa trên số lượng chữ ký trong kiến nghị, có thể thấy cộng đồng đã bắt đầu ý thức về sự nguy hiểm của BPA, chất độc hại có thể gây rối loạn nội tiết tố, sự phát triển của các cơ quan, hành vi và các vấn đề về ung thư.
Bên kiến nghị yêu cầu BPOM dán nhãn cảnh báo người tiêu dùng về những sản phẩm nước đóng chai, đặc biệt là những chai có mã nhựa số 7, là mã chứa BPA hòa tan được trong nước gây nguy hiểm cho người dùng.
Theo ông Roso, hiện nay, nhiều quốc gia đã cấm sử dụng các sản phẩm nhựa có chứa BPA. Năm 2018, Indonesia cũng đã cấm sử dụng bao bì có chứa BPA với mã nhựa số 7 trong đồ đựng thực phẩm cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến BPA vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, đặc biệt các bình chứa nước 19 lít vẫn được tái sử dụng và lưu hành rộng rãi trong cộng đồng./.
Hương Trà/VOV-Jakarta