Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố coi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra là đại dịch bệnh toàn cầu. Một năm sau đấy, trên thế giới đã có hơn 117 triệu người bị lây nhiễm và hơn 2,6 triệu người thiệt mạng bởi dịch bệnh.
Dịch bệnh này không những chỉ thách thức mà còn nguy hiểm như thế nào đối với nhân loại trên thế giới bộc lộ rất rõ ở hai điểm. Thứ nhất, trong thời gian một năm qua, mọi nơi trên thế giới đều gồng mình ứng phó dịch bệnh, đều phải dành ưu tiên chính sách hàng đầu cho việc ứng phó dịch bệnh và đều đã phải chấp nhận từ bỏ không ít những thành quả phát triển vốn đã được coi như thể đương nhiên rồi để ứng phó dịch bệnh mà dịch bệnh vẫn tiếp tục lây mạnh lan rộng và hoành hành dữ dội, số người trên thế giới bị lây nhiễm dịch bệnh và thiệt mạng vì dịch bệnh tiếp tục tăng. Thứ hai, các nơi trên thế giới hiện đều không dám chắc là khi nào thế giới mới đẩy lùi được dịch bệnh và đều đã phải chấp nhận cùng chung sống với dịch bệnh trong thời gian dài.
Trước thời điểm ngày 11/3/2020, dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc và đã lây lan ra rất nhiều nơi trên thế giới rồi. Nhìn lại một năm đại dịch bệnh toàn cầu, điều đầu tiên có thể dễ dàng nhận thấy là chưa có đại dịch bệnh nào xưa nay đồng thời cương toả gần như cả thế giới như dịch bệnh hiện tại. Chỉ còn có rất ít nơi trên thế giới hiện không bị dịch bệnh ảnh hưởng theo quả quyết của chính quyền các nơi ấy. Đấy phần lớn đều là những quốc gia nhỏ và trước đại dịch bệnh này cũng đã biệt lập nhiều với phần còn lại của thế giới do những nguyên do khách quan và chủ quan khác nhau. Xưa nay chưa từng có dịch bệnh nào thách thức và đe doạ đồng thời tất cả mọi nơi trên thế giới như đại dịch bệnh toàn cầu này. Hệ lụy của điều ấy là đại dịch bệnh chỉ có thể bị đẩy lùi hoàn toàn khi triệt tiêu được nó ở tất cả mọi nơi trên thế giới. Nói theo cách khác, các nơi muốn ứng phó thành công dịch bệnh thì phải kết hợp giữa đẩy lùi và khống chế dịch bệnh trong khuôn khổ phạm vi lãnh thổ của mình đồng thời với ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch bệnh từ bên ngoài vào. Muốn được như thế thì không thể không có hợp tác quốc tế cùng ứng phó dịch bệnh, không thể tìm cách độc quyền về vaccine phòng ngừa dịch bệnh mà phải chia sẻ nguồn cung ứng vaccine để có được mức độ đồng đều cần thiết trong việc cung ứng và sử dụng vaccine phòng ngừa dịch bệnh.
Xưa nay cũng chưa thấy có đại dịch bệnh nào bùng phát rồi tái phát thành những làn sóng nối tiếp nhau như đại dịch bệnh toàn cầu này. Chậm nhất cho tới khi WHO chính thức tuyên bố có đại dịch bệnh trên thế giới ngày 11/3 cách đây một năm, cả thế giới đều bị và phải thức tỉnh về mối đe dọa nguy hại bởi dịch bệnh và về trách nhiệm ứng phó dịch bệnh, đặc biệt đối với những nơi cho tới thời điểm ngày 11/3/2020 chưa bị dịch bệnh lây lan đến hoặc đã bị nhưng chủ quan hoặc chủ ý coi thường dịch bệnh. Thực tiễn một năm qua cho thấy những nơi không thức tỉnh kịp thời hoặc sao nhãng trách nhiệm này thì đều đã phải trả giá rất đắt, điển hình là Mỹ và EU.
Dịch bệnh làm xáo trộn chương trình nghị sự của chính quyền ở các nơi về đối nội cũng như đối ngoại. Nó làm cả thế giới thay đổi nhanh chóng và rất sâu sắc. Thế giới còn phải cùng chung sống với dịch bệnh trong thời gian tới mà không ai có thể dự liệu được đến khi nào dịch bệnh mới chấm dứt. Nhưng cả sau khi dịch bệnh này chấm dứt thì thế giới cũng không trở lại như trước, chính trị thế giới và quan hệ quốc tế đều đã trở nên rất khác. Việc có được vaccine phòng ngừa dịch bệnh và đặc biệt là những bài học từ thành công và thất bại của các nơi trong ứng phó dịch bệnh là cơ sở để thế giới có thể lạc quan tin tưởng rằng trong thời gian một năm tới, thế giới có thể tiến được xa hơn trên con đường đẩy lùi dịch bệnh./.
Hoàng Lan