Trước diễn biến tình hình Myanmar đã có những phản ứng khác nhau từ các tổ chức khu vực, quốc tế cũng như các nước lớn có vai trò, ảnh hưởng đối với quốc gia Đông Nam Á này. Liên hợp quốc (LHQ), Mỹ và các nước châu Âu lên án chỉ trích mạnh mẽ chính quyền quân đội, trong khi Trung Quốc thì ôn tồn hơn trong việc lên tiếng. Ngày 2/3, ASEAN có cuộc họp không chính thức tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho tình hình Myanmar.
Thế khó của LHQ và ASEAN
Nhận định về tình hình Myanmar hiện nay, trả lời VTC News, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược Bộ Quốc phòng, cho rằng có nhiều lý do để thế giới dành sự quan tâm cho cuộc đảo chính cũng như chính biến hiện nay ở Myanmar.
“Sau đảo chính hôm 1/2, thế giới rất quan tâm đến tình hình Myanmar. Trước hết là các nước ASEAN bởi Myanmar là thành viên của khối. Còn những nước như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) chú ý theo dõi do sự kiện này có liên quan đến yếu tố dân chủ, nhân quyền.
LHQ đã tổ chức cuộc họp tại Hội đồng Bảo an để nghe tiếng nói của các thành viên về tình hình Myanmar. Ngay trong phiên họp này, Đại sứ Myanmar lúc đó - ông Kyaw Moe Tun, kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phải có biện pháp mạnh mẽ để khôi phục nền dân chủ ở Myanmar. Mới đây, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lên án việc dùng bạo lực trấn áp biểu tình ở Myanmar”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cho hay.
Trong khi đó, trả lời VTC News, ông Tôn Sinh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, lại cho rằng các nước trong Hội đồng Bảo an LHQ có lợi ích riêng trong vấn đề Myanmar nên họ sẽ cân nhắc để có cách hành xử phù hợp.
“Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lên tiếng, cam kết tạo áp lực để chính quyền quân sự phải đổi, trao trả chính quyền cho lực lượng dân sự. Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã họp bàn, xem xét nghị quyết đề xuất Anh, trong đó nội dung lên án mạnh mẽ chính biến Myanmar, song bị Trung Quốc phủ quyết. Dù sau đó LHQ có ra được nghị quyết trong vấn đề Myanmar nhưng mang tính ôn hòa hơn nhiều, chỉ ở mức bày tỏ quan ngại”, Đại sứ Tôn Sinh Thành nói.
Theo Đại sứ Tôn Sinh Thành, Myanmar hiện có sự cạnh tranh rất lớn về ảnh hưởng giữa các nước lớn. Myanmar ở vị trí rất quan trọng, một trong những mắt xích của chiến lược ‘Vành đai, Con đường” mà Trung Quốc đang triển khai. Bắc Kinh đang có rất nhiều dự án ở quốc gia Đông Nam Á này. Do đó, Trung Quốc muốn duy trì ảnh hưởng ở Myanmar.
"Việc Hội đồng Bảo an không thông qua được một nghị quyết về những vấn đề như trường hợp ở Myanmar đã diễn ra nhiều lần trước đây. Các nước có sự cạnh tranh với nhau sẽ đưa ra các phản ứng tương tự để cản trở nhau. Các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra những quyết định như vậy chủ yếu để bảo vệ đồng minh của họ, phủ quyết những gì có hại cho tính toán lợi ích của nước đó”, ông Tôn Sinh Thành cho biết.
Đề cập đến vai trò của ASEAN, ông Tôn Sinh Thành nhận định, ASEAN cũng đang ở thế khó, phải cân nhắc, tính đến việc giữ quan hệ với các thành viên trong khối, cũng như đảm bảo nguyên tắc hoạt động chung của khối - không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
“Sau chính biến ở Myanmar, nước đóng vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN - Brunei, đã lên tiếng kêu gọi Myanmar theo đuổi ‘đối thoại, hòa giải và quay lại tình trạng bình thường’.
Các nước ASEAN cũng phải tính toán để giữ quan hệ với một thành viên trong ASEAN cũng như đảm bảo vai trò, nguyên tắc hoạt động không can thiệp vào công việc nước khác. Nếu cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN được tổ chức được xem là bước tiến bởi khi đó sẽ có sự trao đổi, chia sẻ thông tin.
Trong trường hợp Myanmar tổ chức bầu cử, ASEAN có thể đóng vai trò quan sát viên, giám sát cuộc bầu cử, đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra công bằng, dân chủ. Năm 2010, chính quyền quân sự Myanmar chấp nhận cho đại diện của ASEAN vào nước này với trò quan sát viên cuộc bầu cử, chuyển giao từ chính quyền quân sự sang chính quyền dân sự”, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ phân tích.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Hồng Quân cũng cho rằng, ASEAN đang có những bước đi tích cực khi một số nước như Indonesia, Malaysia… kêu gọi tổ chức cuộc họp cấp Ngoại trưởng không chính thức nhằm trao đổi tình hình, tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Myanmar. Tuy nhiên, ASEAN hiện vấp phải nhiều trở ngại.
“Trở ngại thứ nhất, nếu cuộc họp diễn ra tại Myanmar với sự tham dự của Ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN thì coi như thừa nhận chính quyền quân sự đang cai quản đất nước Myanmar hiện nay là chính quyền hợp pháp. Thứ hai, truyền thống và nguyên tắc của ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ của từng nước. Do đó, việc thảo luận như thế nào cũng cần cân nhắc, thảo luận thêm.
Thứ ba, trong quan hệ với nước lớn như Mỹ và Trung Quốc, các nước ASEAN sẽ phải cân nhắc bởi hầu hết các nước có quan hệ hai nước này. Các nước phải cân nhắc trong việc đưa ra phát ngôn và hành động để làm sao không ảnh hưởng, mất lòng Washington và Bắc Kinh”, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Quốc phòng chia sẻ.
Hành xử trái ngược giữa Mỹ và Trung Quốc
Ngay sau đảo chính, Tổng thống Joe Biden lên án mạnh mẽ chính quyền quân sự Myanmar, yêu cầu khôi phục chính quyền dân sự được bầu theo ý nguyện người dân Myanmar. Đồng thời, Washington cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên loạt quan chức trong chính quyền quân sự Myanmar như áp lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh…
Trong khi đó, Trung Quốc phản ứng rất ôn tồn trước diễn biến tại Myanmar. Trung Quốc lên tiếng bác bỏ nhúng tay vào đảo chính Myanmar, khẳng định Bắc Kinh luôn mong muốn sự ổn định chính trị và xã hội ở Myanmar. Sau đó, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, nước này sẽ trao đổi với các nước ASEAN về tình hình Myanmar.
Theo Đại sứ Tôn Sinh Thành, xu hướng chung của đảng Dân chủ - hiện nắm quyền, là quan tâm đến vấn đề dân chủ, nhân quyền nên họ quan tâm đến tình hình Myanmar. Vì thế, chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra nhiều tuyên bố mạnh mẽ, cảnh báo những động thái mạnh mẽ hơn nếu tình hình Myanmar tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu.
“Mới đây, sau khi có vụ đàn áp khiến 18 người biểu tình thiệt mạng hôm 28/2, Mỹ đã đưa ra tuyên bố những người đàn áp người biểu tình phải chịu trách nhiệm. Washington có thể đưa ra biện pháp trừng phạt khác nhau, hạn chế đi lại với những cá nhân cầm đầu đảo chính, phong tỏa tài sản, cấm vận về kinh tế, cấm vận vũ khí…, thậm chí không chỉ Mỹ cấm bán vũ khí cho Myanmar mà có thể là tất cả các nước khác cũng cấm bán vũ khí cho nước này”, ông Tôn Sinh Thành phân tích.
Vị chuyên gia này nhận định, hiện Mỹ không muốn mất ảnh hưởng ở Myanmar. Chính quyền đảng Dân chủ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã nối lại được quan hệ với Myanmar, thúc đẩy được tiến trình dân chủ và duy trì ảnh hưởng. Đồng thời, qua việc giải quyết vấn đề Myanmar, Mỹ tăng cường được quan hệ với ASEAN. Thế nên, Mỹ cũng sẽ phải tính toán, cân nhắc trong việc đưa ra phản ứng trước tình hình Myanmar, không đẩy Myanmar vào tay các cường quốc khác, nhất là Trung Quốc.
Tuy nhiên, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cũng cho rằng, Mỹ có thể lên án, áp đặt các biện pháp trừng phạt song Washington sẽ tính đến vai trò ASEAN trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Myanmar hiện nay, cũng như ngăn không để Myanmar rơi vào tay Trung Quốc.
“Mỹ và các nước phương Tây sẽ phải cân nhắc trong việc tiếp tục gây sức ép đối với Myanmar. Tuy nhiên, các bước đi này sẽ có sự tính toán, bởi nếu ép Myanmar đến đường cùng, trong khi Trung Quốc giang rộng vòng tay chào đón và bảo vệ Myanmar thì khi đó nước này sẽ đi gần hơn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay chính quyền Myanmar - dù dân sự hay quân sự, cũng không thực sự tin tưởng Trung Quốc bởi họ cũng đã “ngấm đòn”. Chính phủ Myanmar trước đây cũng đã từng cáo buộc Bắc Kinh ủng hộ lực lượng nổi dậy sát biên giới với nước này”, Đại sứ Tôn Sinh Thành cho biết.
Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, Mỹ và Trung Quốc đang đối trọng với nhau, tranh giành ảnh hưởng ở Myanmar và khu vực. Việc Bắc Kinh bỏ phiếu bác nghị quyết Hội đồng Bảo an LHQ do phương Tây soạn thảo cũng cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng đối đầu với Washington, không phải nghe theo ý kiến của Mỹ và đồng minh.
“Đặc biệt, đây là đòn của Trung Quốc muốn thử thách, đo phản ứng của Mỹ dưới thời chính quyền Biden. Hơn nữa, Trung Quốc cũng muốn thông qua việc này gửi gắm đến các nước láng giềng ASEAN rằng, cách giải quyết của Bắc Kinh cuối cùng sẽ là hợp lý trong vấn đề Myanmar, không phải của phương Tây. Từ đó, ngầm lôi kéo các nước ủng hộ, đi theo Trung Quốc.
Trung Quốc có lợi ích rất lớn ở Myanmar. Hiện nay, có một số thành phần phiến quân ở Myanmar cũng dựa vào Trung Quốc để hoạt động, chống lại chính quyền Myanmar trước đây. Bắc Kinh cũng đang lôi kéo, vận động Myanmar tham gia tích cực hơn các dự án ‘Vành đai, Con đường’, song Myanmar tham gia chưa tích cực, lợi ích gắn kết với Bắc Kinh cũng ít đi. Mong muốn của Bắc Kinh là Myanmar phải gắn kết nhiều hơn, chặt chẽ hơn với Trung Quốc.”, chuyên gia quân sự Nguyễn Hồng Quân phân tích.
Đề cập đến khả năng có sự can dự bằng quân sự từ bên ngoài, nhất là từ phía Mỹ vào Myanmar, Đại sứ Tôn Sinh Thành cho rằng, điều này không hề dễ và khả năng này khó xảy ra. Bởi vì, xét trên thực tế từ những nơi mà Mỹ sử dụng vũ lực, quân sự để can dự chủ yếu là những địa bàn có ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược, an ninh quốc gia trực tiếp của Washington. Còn vấn đề dân chủ, nhân quyền như Mỹ đang nhấn mạnh ở Myanmar hiện nay thì chưa đến mức Washington đưa ra quyết định như vậy.
Đồng quan điểm, chuyên gia quân sự Nguyễn Hồng Quân nhận định, đã có những ý kiến cho rằng Mỹ sẽ sử dụng biện pháp mạnh tay như trước đây song điều này chưa thể xảy ra và đây cũng không phải là con đường duy nhất.
“Có những con đường khác như Washington sẽ tiếp tục dùng đấu tranh ngoại giao vì Tổng thống Joe Biden mới lên cầm quyền hơn một tháng, ông còn rất nhiều việc ưu tiên giải quyết về mặt đối nội. Về đối ngoại thì Myanmar chưa phải ưu tiên đến mức Mỹ phải sử dụng yếu tố quân sự. Mỹ sẽ tăng cường các sức ép đối với đồng minh - những nước Mỹ cho rằng đang có sự hậu thuẫn cho lực lượng gây ra đảo chính ở Myanmar.
Ưu tiên đối ngoại của Mỹ là tái khởi động các liên minh để đối phó với đối thủ chính trong khu vực là Trung Quốc. Nếu sa đà vào trong vấn đề Myanmar có thể những tham vọng lớn của Mỹ khó thực hiện, thậm chí rơi vào bẫy của đối phương. Do đó, Mỹ sẽ phải cân nhắc kỹ trong vấn đề này”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cho hay.
Nhận định về tình hình Myanmar thời gian tới, vị chuyên gia này cho rằng, trước hết Myanmar sẽ tổ chức bầu cử sớm. Thứ hai, sẽ có thỏa hiệp với chính quyền vừa bị lật đổ để có phương án dung hòa. Thứ ba, sẽ có biện pháp mạnh mẽ hơn, không đàm phán, không nhượng bộ, trong khi đó chính quyền quân sự nhận được sự ủng hộ của thế lực bên ngoài để tiếp tục thực hiện cải cách mạnh mẽ kinh tế, mạnh tay trấn áp, giữ vững quyền cai trị hiện nay.
KÔNG ANH/VTC.VN