Thế giằng co trong quan hệ Mỹ - Nga

Theo giới quan sát, Mỹ tỏ ra cứng rắn nhưng sẽ chỉ 'giơ cao đánh khẽ' nhằm 'dằn mặt' Nga.

 

Mỹ cùng các đồng minh châu Âu vừa phối hợp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới vụ thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny bị bắt giữ đồng thời cho rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu cho một cuộc đánh giá lại toàn diện chính sách đối ngoại với Nga dưới thời Joe Biden. Tuy nhiên, theo giới quan sát, Mỹ tỏ ra cứng rắn nhưng sẽ chỉ “giơ cao đánh khẽ” nhằm “dằn mặt” Nga.

 Trừng phạt - công cụ quen thuộc của chính quyền Mỹ trong hơn thập niên qua nhằm phản ứng trước những hành động của Nga được cho là vi phạm các chuẩn mực của Washington. Với chính quyền mới của ông Joe Biden điều này cũng không phải ngoại lệ. Trong một động thái được xem là cuộc đối đầu trực diện nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden, Bộ Tài chính Mỹ ngày 2/3 đã tuyên bố áp lệnh trừng phạt với 7 quan chức cấp cao của Nga sau kết luận của tình báo nước này rằng Moskva đứng sau vụ “đầu độc” Alexei Navalny - một chính trị gia đối lập ở Nga. Theo lệnh trừng phạt của Mỹ, những người này sẽ bị hạn chế thị thực đến Mỹ, tất cả tài sản ở Mỹ đều bị đóng băng và người dân Mỹ bị cấm giao dịch với họ.

ảnh minh họa: KTĐòn trừng phạt của Washington diễn ra ngay sau khi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua những biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức thực thi pháp luật và tư pháp cấp cao Nga, liên quan đến việc bắt giam Navalny. Đây rõ ràng là biểu hiện của sự phối hợp hành động giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu trong việc đối phó Nga, đúng như những tuyên bố lúc đắc cử của ông Joe Biden.

 Điều đáng nói là đòn trừng phạt mới nhất này có lẽ chỉ là bước đi khởi đầu cho những căng thẳng mới giữa Washington và Moskva khi Mỹ tuyên bố sẽ mở một cuộc đánh giá toàn diện về chính sách Nga - Mỹ, trong đó có vấn đề Mỹ cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào các cơ quan chính phủ Mỹ cuối năm ngoái, hay cáo buộc Nga hỗ trợ tiền cho các lực lượng khủng bố Taliban tấn công lực lượng Mỹ ở Afghanistan…

Phía Nga gọi các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là “một cuộc tấn công thù địch chống Nga” và kêu gọi Washington “đừng đùa với lửa” bởi sẽ có những hành động đáp trả tương xứng. Với những tuyên bố như vậy, viễn cảnh về cuộc đối đầu “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Nga dường như không còn xa vời.

Hành động cấm vận, trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga đã được dự đoán từ khi ông Biden chưa chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Tuy nhiên, có một số điểm đáng chú ý sau động thái mới nhất này.

Thứ nhất, chính quyền Biden muốn thể hiện quan điểm không đảo ngược chính sách đối đầu Nga của các chính quyền tiền nhiệm. Trong những năm qua, mối quan hệ Nga - Mỹ luôn luôn ở trạng thái đối đầu, mặc dù ở những cấp độ và mức độ khác nhau. Tâm lý chống Nga, coi Moskva là đối thủ tiềm tàng đối với an ninh và tầm ảnh hưởng của Washington là quan điểm của những người Dân chủ lẫn Cộng hòa ở Mỹ. Vậy nên ông Biden không có lý do gì để “cài đặt lại” mối quan hệ với Nga theo hướng nồng ấm hơn.

Thứ hai, trong nhiều hồ sơ Mỹ đang cáo buộc Nga, việc lựa chọn vụ nhà chính trị đối lập Nga Alexey Navalny như một cái cớ để “ra tay” dằn mặt Nga dường như là một thông điệp của chính quyền Mỹ rằng, ông Biden đặc biệt “để ý” các hồ sơ về nhân quyền. Điều này khác biệt với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump khi nhiều lần từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến vụ Navalny.

Thứ ba, với động thái mới nhất, Mỹ đang cố gắng thể hiện sự thống nhất trên cùng một mặt trận với các đồng minh châu Âu trong cuộc đối đầu với Nga. Tuy nhiên cũng có thể thấy rõ rằng, dù tỏ ra quyết liệt song Mỹ sẽ không “làm găng” và đẩy mối quan hệ với Nga đi đến mức khó kiểm soát.  Có thể thấy, gói trừng phạt lần này không nhắm vào Tổng thống Nga Putin hay các trợ thủ đắc lực của ông tại Điện Kremlin. Điều này cũng giống như phản ứng hồi tuần trước khi Tổng thống Biden ngăn cản các lệnh trừng phạt trực tiếp đối với Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia dù có báo cáo của CIA cho thấy ông “có liên quan đến chiến dịch giết hại nhà báo Jamal Khashoggi” năm 2018.

Điều này có thể lý giải, bởi chính quyền Mỹ hiện tại không muốn cắt đứt các cuộc đối thoại với Nga. Quan điểm của ông Biden là một mặt muốn xử lý những vấn đề phía Mỹ cho là Nga đã vi phạm chuẩn mực nhưng mặt khác vẫn muốn hợp tác với Moskva để cùng Mỹ giải quyết các vấn đề quốc tế, chẳng hạn như hạt nhân Iran, Triều Tiên, kiểm soát vũ khí hạt nhân, chống biến đổi khí hậu...

Vậy nên có thể nói, mối quan hệ Nga - Mỹ thời gian tới sẽ khó được “cài đặt lại” nhưng cũng không đến mức leo thang mất kiểm soát. Cách tiếp cận linh hoạt, đa chiều mà chính quyền Mỹ đang theo đuổi sẽ định hình mối quan hệ này trong thế giằng co và kiềm chế lẫn nhau./.

Thanh Huyền

 

Bình luận

    Chưa có bình luận