Biến động chính trị ở Myanmar

Ngay sau khi hạ bệ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, giới quân sự ở Myanmar đã thay thế hàng loạt thành viên chính phủ.

 

Ngày 1/2 vừa qua, giới quân sự ở Myanmar đã bất ngờ quản thúc ban lãnh đạo của đảng cầm quyền Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu.

Bà Aung San Suu Kyi được coi là người nắm thực quyền ở Myanmar kể từ sau cuộc tổng tuyển cử năm 2015. Cả tổng thống đương nhiệm Win Myint (Đảng NLD) cũng bị quản thúc. Giới quân sự tuyên bố nhiếp chính và ban bố tình trạng khẩn cấp trên khắp đất nước cho thời gian 1 năm, hứa hẹn sau đấy sẽ tổ chức tổng tuyển cử mới. Bà Aung San Suu Kyi kêu gọi người dân ở Myanmar phản đối và chống lại biến cố mà phía đảng NLD coi là đảo chính quân sự này. Ngay sau khi hạ bệ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, giới quân sự ở Myanmar đã thay thế hàng loạt thành viên chính phủ.

Thế giới bên ngoài Myanmar bị bất ngờ bởi diễn biến mới này. Ngay trước khi lên nắm quyền, giới quân sự ở Myanmar còn bác bỏ mọi lo ngại công khai của một số đại sứ quán nước ngoài ở Myanmar về khả năng xảy ra đảo chính quân sự. Coi sự việc mới này chỉ là cải tổ nội các như Trung Quốc hay đảo chính quân sự như Mỹ và EU là câu hỏi hiện không có câu trả lời thống nhất từ phía các đối tác bên ngoài của Myanmar. Tùy thuộc vào việc trả lời câu hỏi này như thế nào mà các đối tác bên ngoài của Myanmar xác định phản ứng chính thức đối với giới quân sự Myanmar.

Một người biểu tình Myanmar cầm hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi trước một cơ quan Liên Hợp Quốc tại Bangkok. (Ảnh: Reuters)

Lý do được giới quân sự Myanmar đưa ra để biện minh cho việc truất quyền chính quyền dân sự và lại trực tiếp nhiếp chính có liên quan đến những cáo buộc về gian lận bầu cử và không bình thường trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra trong ngày 8/11 năm ngoái ở Myanmar. Tại cuộc tổng tuyển cử thứ hai này kể từ khi nền dân chủ được khôi phục ở Myanmar, đảng NLD giành được 83% phiếu bầu - thắng cử vang dội còn hơn cả ở lần bầu cử quốc hội trước đấy vào năm 2015. Giới quân sự viện dẫn Điều 417 và Điều 418 của Hiến pháp Myanmar để ban bố tình trạng khẩn cấp trên khắp đất nước, cáo buộc chính phủ và Ủy ban bầu cử không xử lý được những cáo buộc về gian lận và bất bình thường trong bầu cử quốc hội vừa qua.

Từ sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2015, ở Myanmar có chính quyền dân sự. Trên danh nghĩa chính thức, việc thành lập chính quyền dân sự sau cuộc tổng tuyển cử này chấm dứt thời kỳ dài giới quân sự cầm quyền. Trên thực tế và trong thực chất, giới quân sự vẫn duy trì và nắm giữ quyền hành quyết định thông qua ít nhất 25% số ghế trong quốc hội, thông qua đảng phái chính trị do giới quân sự thành lập và thông qua trực tiếp nắm những bộ quan trọng nhất về an ninh trong chính phủ Myanmar. Cũng chính vì thế mà ngay từ đầu của quá trình dân chủ hoá ở Myanmar, vấn đề quyết định đối với tương lai của nền dân chủ ở đất nước này là xử lý mối quan hệ quyền lực giữa chính quyền dân sự và giới quân sự. Chuyện hiện tại xảy ra ở Myanmar cho thấy phía chính quyền dân sự trong thời gian vừa qua đã không xử lý ổn thoả và khôn khéo vấn đề này.

Thời kỳ chính quyền dân sự vừa qua ở Myanmar tuy ngắn ngủi nhưng cũng đã làm thay đổi rất cơ bản đất nước này về chính trị, xã hội cũng như đối ngoại. Thế giới, châu lục và khu vực cũng đã chuyển biến rất mạnh mẽ và sâu sắc. Vì thế, giới quân sự Myanmar cho dù lại nhảy ra nắm quyền với mưu tính hay lợi ích gì thì cũng sẽ không thể thiết lập thời kỳ chính quyền quân sự lâu dài như thủa trước mà chỉ tạm thời để vận hành lại mô hình "nền dân chủ có kỷ cương". Mỹ và EU đã tuyên bố sẽ trừng phạt giới quân sự Myanmar nếu không khôi phục chính quyền dân sự và thả những người bị quản thúc. Đất nước này lại ở trước thời kỳ bất định về chính trị xã hội nội bộ và phức tạp về đối ngoại./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận