Tuần đầu gây dựng dấu ấn

Ngày cầm quyền đầu tiên, ông Biden đã ký ban hành 17 sắc lệnh hành pháp - nhiều hơn tất cả những người tiền nhiệm trong ngày cầm quyền đầu tiên của họ.

 

Trong tuần cầm quyền đầu tiên, tân tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ ý chứng tỏ là thực hiện cam kết tranh cử và sự khác biệt so với người tiền nhiệm. Ông Biden xem ra quyết tâm không bỏ phí thời gian và thậm chí còn tận dụng thời điểm để gây dựng dấu ấn cầm quyền của mình. Ngay trong ngày cầm quyền đầu tiên, ông Biden đã ký ban hành 17 sắc lệnh hành pháp - nhiều hơn tất cả những người tiền nhiệm trong ngày cầm quyền đầu tiên của họ. Và cả trong những ngày tiếp sau nữa, công cụ cầm quyền chính của ông Biden vẫn là quyết định hành pháp. Điều này vốn không có gì lạ bởi hiến pháp Mỹ trao cho tổng thống đương nhiệm quyền hành pháp rất rộng và sử dụng sắc lệnh hành pháp của tổng thống là cách thức cầm quyền dễ dàng nhất đối với tổng thống đương nhiệm do không cần đến sự phê chuẩn của quốc hội như bắt buộc đối với các bộ luật.

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Biden kêu gọi các đảng phái chính trị và dân chúng đoàn kết thống nhất và chấm dứt phân rẽ, thù địch trên chính trường và trong nội bộ xã hội. Sau sự việc xảy ra ngày 6/1 vừa qua ở toà nhà trụ sở quốc hội Mỹ tại thủ đô Washington, phe Đảng Cộng hoà trong quốc hội đã có dấu hiệu chuyển biến thái độ theo hướng thiện chí hợp tác với ông Biden và với phía Đảng Dân chủ hơn trước. Nhưng cầm quyền bằng luật cần nhiều thời gian trong khi ông Biden có nhu cầu hành động gấp. Hơn nữa, chỉ cần dùng quyết định hành pháp của tổng thống, ông Biden có thể lật ngược ngay những quyết định hành pháp của người tiền nhiệm.

Những quyết sách đầu tiên của ông Biden về đối nội là tập trung cho việc đối phó với dịch bệnh Covid-19. (Ảnh: KT)Ông Biden chủ ý gây dựng cảm nhận trong công chúng ở Mỹ là người mới khác biệt cơ bản so với người cũ trên cương vị tổng thống Mỹ. Những quyết sách đầu tiên của ông Biden về đối nội là tập trung cho việc đối phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Trên phương diện này, ông Biden đã đưa ra chiến lược mới, quy định mới và mục tiêu mới. Hiệu ứng ban đầu rất tích cực khi đại đa số dân Mỹ ủng hộ quyết tâm và chiến lược của tân tổng thống đối phó dịch bệnh. Một số những quyết định khác nữa của ông Biden nhằm lật ngược các quyết sách cầm quyền nổi bật của người tiền nhiệm là đưa nước Mỹ tham gia trở lại Hiệp ước Paris của LHQ về bảo vệ khí hậu trái đất và Tổ chức Y tế thế giới, là ngừng xây dựng bức tường ngăn chia biên giới giữa Mỹ và Mexico, ngừng việc cấm công dân một số nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, tiếp tục cấm chứ không cho phép công dân từ nhiều nước khác, trong đó đặc biệt có công dân từ các nước thành viên EU tham gia Hiệp ước Schengen, nhập cảnh vào Mỹ cũng như ngừng xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu lửa từ Canada qua những vùng bảo tồn thiên nhiên ở Mỹ. Về đối ngoại, đáng chú ý là việc ông Biden điện đàm với thủ tướng Canada, tổng thống Mexico, thủ tướng Anh, tổng thống Pháp, thủ tướng Đức và tổng thống Nga - theo đúng thứ tự này. Với tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Biden thoả thuận gia hạn hiệu lực thêm 5 năm cho hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân New Start. Với Nga, ông Biden và cộng sự vẫn có thái độ gay gắt trong một số chuyện, nhưng nhìn chung mức độ cứng rắn không bằng thái độ đối với Trung Quốc.

Qua những động thái của ông Biden trong tuần cầm quyền đầu tiên này có thể thấy người mới chủ ý gây dựng dấu ấn cầm quyền riêng từ đối nội rồi sau mới đến đối ngoại, ưu tiên hàng đầu cho đối nội và quyết tâm tạo chuyển biến cơ bản và rõ nét về đối nội, trong khi cố gắng giữ yên bình về đối ngoại và chỉ xử lý chuyện đối ngoại khi buộc phải xử lý. Cũng có thể thấy được định hướng đối ngoại của ông Biden là láng giềng rồi đến đồng minh, vừa hợp tác vừa đối phó Nga, trong khi tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc như thời người tiền nhiệm./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận