“Một ngày đen tối trong lịch sử nước Mỹ” hay “vụ tấn công chưa từng có tiền lệ” là những điều dư luận đang nói về nước Mỹ khi những người biểu tình xông vào trụ sở Quốc hội Mỹ nhằm tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống. Sự kiện vốn được người dân Mỹ chờ đợi để hóa giải những chia rẽ và căng thẳng nhiều tháng qua lại trở thành một “sự kiện đáng xấu hổ” của nước Mỹ.
Những hình ảnh người biểu tình đột nhập Quốc hội Mỹ, cảnh sát rút súng ngay bên trong Hạ viện; Nghị sĩ phải đeo mặt nạ phòng độc chạy tìm nơi ẩn náu đang gây sốc nước Mỹ và cả thế giới. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phải thốt lên “ngày hôm nay đáng lẽ phải là ngày đi vào lịch sử Mỹ nhưng bây giờ nó trở thành một bức tranh đất nước đáng xấu hổ trước thế giới”.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra ba trợ lý hàng đầu của Tổng thống Trump, bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien và cấp phó của ông đang cân nhắc từ chức. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Matthews cũng xin từ chức. Chính giới Mỹ cũng ngay lập tức lên tiếng về những diễn biến tại nước Mỹ. Tổng thống đắc cử Biden gọi vụ biểu tình tại Quốc hội Mỹ là "một cuộc nổi dậy" chứ không phải biểu tình, đe dọa tới sự an toàn của các quan chức được bầu chọn.
“Tôi xin nói rất rõ ràng, những cảnh hỗn loạn ở Quốc hội không phản ánh một nước Mỹ thực sự, không đại diện cho người dân Mỹ. Những gì chúng ta đang thấy là một số lượng nhỏ những kẻ cực đoan, đang gây sự hỗn loạn và phải sớm kết thúc ngay bây giờ”, ông Biden nói.
Hàng loạt các cựu Tổng thống Mỹ từ Dân chủ đến Cộng hòa đều lên tiếng về vụ việc. “Đó là cảnh tượng kinh khủng và đau lòng", cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush khẳng định. Trong khi đó, cựu Tổng thống Bill Clinton cho biết đã chứng kiến "vụ tấn công chưa từng có tiền lệ nhằm vào Quốc hội, hiến pháp và nước Mỹ". Ông Bill Clinton nhấn mạnh cần phải thực hiện việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
Sau khi được đảm bảo an toàn, Quốc hội Mỹ đêm qua đã nhóm họp trở lại để kiểm phiếu đại cử tri và xác định người thắng cử. Phó Tổng thống Mỹ đồng thời là Chủ tịch Thượng viện Mike Pence kêu gọi các nghị sĩ quay trở lại quốc hội sau nhiều giờ trì hoãn, đồng thời khẳng định bạo lực sẽ không bao giờ mang lại kết quả. Ông nói: “Hôm nay là một ngày đen tối trong lịch sử của Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên nhờ những nỗ lực của cảnh sát, cơ quan thực thi pháp luật, bạo loạn đã được dập tắt. Quốc hội đã được bảo vệ và công việc sẽ được tiếp tục”.
Trong một động thái khá bất ngờ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Kentucky Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ tuyên bố phản đối các nỗ lực nhằm thách thức kết quả kiểm phiếu đại cử tri. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo hàng đầu của đảng Cộng hòa tuyên bố công khai chống lại kế hoạch được Tổng thống Donald Trump thúc đẩy nhằm đảo ngược kết quả chiến thắng của ông Joe Biden. Ông cho biết: “Chúng ta sẽ hoàn thành quy trình theo tiền lệ, luật pháp và Hiến pháp. Chúng ta sẽ chứng nhận người chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Các hành vi phạm tội sẽ không bao giờ chiến thắng trong Quốc hội Mỹ”.
Những kết quả xác nhận đầu tiên trong phiên họp chung đã được công bố với việc Thượng viện Mỹ bác bỏ phản đối đầu tiên tại bang Arizona. Theo quy định của phiên họp chung tại Quốc hội Mỹ, bất kỳ ý kiến phản đối nào cần phải được ít nhất một thành viên của Hạ viện Mỹ và một thành viên của Thượng viện Mỹ đệ trình bằng văn bản để xem xét. Mỗi ý kiến phản đối sẽ được thảo luận hai giờ tại hai viện quốc hội và có thể kéo dài một ngày.
Những tranh cãi, căng thẳng ngay trong quá trình tranh cử và đi bỏ phiếu cũng như cuộc chiến pháp lý mà Tổng thống Donald Trump phát động sau ngày bầu cử 3/11 nhằm đảo ngược kết quả bầu cử đang khoét sâu sự chia rẽ, bất đồng trên chính trường và xã hội Mỹ. Hàn gắn và đoàn kết nước Mỹ để đối phó với thách thức, trước hết là đại dịch Covid-19, trở thành trọng trách nặng nề của vị Tổng thống thứ 46 sẽ nhậm chức ngày 20/1 tới./.
Phạm Hà/VOV1