Cuộc đua sau vạch đích của vaccine Covid-19

Những thách thức trong sản xuất giữa vaccine truyền thống như loại mà Trung Quốc đang phát triển và các sản phẩm mRNA hiện đại sẽ có sự khác biệt lớn.

 

Khi các loại vaccine Covid-19 đang tiến gần tới “vạch đích” được cấp phép sử dụng, thì một thách thức mới sẽ đặt ra, đó là việc sản xuất và phân phối hàng trăm triệu liều vaccine trong thời gian sớm nhất có thể.

Các loại vaccine sử dụng công nghệ truyền thống như những loại mà Trung Quốc đang phát triển và các vaccine sử dụng công nghệ hiện đại như loại mRNA của Pfizer/BioNTech và Moderna có những thách thức khác nhau cần phải vượt qua.

Từ những thách thức trong chuỗi cung cấp

Các chuyên gia nói rằng các công nghệ được sử dụng trong các loại vaccine vector và vaccine bất hoạt – như loại mà CanSino của Trung Quốc và Oxford/AstraZeneca phát triển – có lợi thế trong ngắn hạn do các nguyên liệu thô sẽ không phải là vấn đề, chừng nào các cơ sở sản xuất vẫn còn hoạt động.

Trong khi đó, các loại vaccine mRNA tiên tiến sẽ phải đối mặt với những khó khăn ban đầu với nguyên liệu thô, nhưng nếu khắc phục được sẽ thuận lợi hơn trong khâu sản xuất hàng loạt về lâu dài.

Wang Junzhi, một lãnh đạo cấp phó phụ trách lực lượng phát triển vaccine của Trung Quốc đầu tháng 12 nói rằng, Trung Quốc có kế hoạch sản xuất 600 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 dạng bất hoạt từ cuối năm nay.

Hiện chưa rõ con số mà ông Wang đưa ra có phải do các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc tăng quy mô hay không vì trước đây cả Sinopharm và Sinovac mỗi hãng chỉ cam kết sản xuất 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.

Dù vậy hồi tháng 10, Zheng Zhongwei, người đứng đầu lực lượng phát triển vaccine của Trung Quốc nói rằng, năng lực sản xuất tất cả các loại vaccine Covid-19 của Trung Quốc có thể đạt tới 610 triệu liều/năm vào cuối năm 2020.

Jerome Kim, Giám đốc điều hành Viện vaccine quốc tế (IVI) nói rằng nguyên liệu thô của các loại vaccine sử dụng công nghệ truyền thống không phải là mối quan ngại vì chúng sử dụng các dòng tế bào phổ biến.

“Adenovirus rất dễ nuôi và chúng ta gần như sẽ không gặp phải những trở ngại trong chuỗi cung cấp như các loại vaccine mRNA cũng như khả năng mở rộng sản xuất các loại vaccine mới này vì chúng ta không có nhiều kinh nghiệm với nó”, ông nói.

Jin Dong-yan, một nhà nghiên cứu về virus tại Đại học Hong Kong nói rằng, Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm và cũng rất hiệu quả trong chuỗi cũng cấp cho các loại vacicne bất hoạt tính hiện có.

Theo ông, Trung Quốc không gặp phải vấn đề nào với dây chuyện thiết bị và họ cũng rất linh hoạt. Do việc sản xuất dược phẩm phần lớn do nhà nước kiểm soát, nên chính phủ có thể dễ dang huy động các lực lượng khác để ưu tiên cho việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19.

Những thách thức trong sản xuất giữa vaccine truyền thống như loại mà Trung Quốc đang phát triển và các sản phẩm mRNA hiện đại sẽ có sự khác biệt lớn. Ảnh: The Guardian.

Tới khó khăn trong sản xuất hàng loạt

Trung Quốc là một trong những nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, nhưng vẫn chỉ là một nhà cung cấp nhỏ trên thị trường quốc tế.

Việc tiêm chủng quy mô lớn ở Mỹ, Anh đã bắt đầu sau khi vaccine của Pfizer và BioNTech được cấp phép sử dụng khẩn cấp đầu tháng này. Tuy nhiên, Pfizer và BioNTech đã giảm quy mô sản xuất từ 100 triệu liều dự kiến trước đây xuống còn 50 triệu liều.

Người phát ngôn của Pfizer nói rằng việc cắt giảm này là do vấn đề ở chuỗi cung cấp, vì việc mở rộng năng lực sản xuất sẽ mất nhiều thời gian hơn dự tính. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất cũng bị trì hoãn một phần vì thời gian cấp phép cũng muộn hơn dự tính.

Theo The Financial Times, chính phủ Mỹ đã đề xuất trợ giúp Pfizer trong việc đảm bảo các nguyên liệu thô cũng như dây chuyền thiết bị với hy vọng có thể đặt hàng thêm 100 triệu liều nữa ngoài 100 triệu liều đã đặt hàng hồi tháng 7.

Các nguồn tin được trích dẫn trong báo cáo cho biết trở ngại chính là việc cung cấp các hạt nano lipid (LNPs) - các bong bóng béo cung cấp mã di truyền của virus SARS-CoV-2 vào cơ thể. Một báo cáo riêng biệt của The Wall Street Journal cho biết Pfizer/BioNTech đã nhận thấy vấn đề về chất lượng trong việc cung cấp LNP trước đây.

Shyam Rele, cố vấn chính về các công nghệ khẩn cấp và các giải pháp y tế tại Công ty Mitre ở Mỹ, cho biết việc mở rộng quy mô sản xuất hơn nữa có thể là một thách thức.

“Trong ngắn hạn, 50-100 triệu liều vaccine là một mục tiêu có thể đạt được với các loại vaccine mRNA. Nhưng việc có 1 tỷ liều vaccine thì lại là một thách thức lớn, nhất là về khâu hậu cần liên quan tới chuỗi cung cấp, sự ổn định của sản phẩm và số lượng liều cần có để tạo được sự bảo vệ hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu vấn đề chuỗi cung cấp có thể giải quyết được, vòng quay sản xuất cho các loại vaccine mRNA sẽ nhanh hơn nhiều vì nó không liên quan tới việc nuôi các tế bào”, theo Zoltan Kis, nhà nghiên cứu tại trung tâm sản xuất vaccine tương lai của Đại học Imperial ở London.

“Một chu trình sản xuất các thành phần thuốc RNA sẽ mất khoảng 2 ngày để hoàn thành và thêm 1 chút thời gian để kiểm tra chất lượng, vì thế thời gian để hoàn tất chu trình sản xuất [vaccine] sẽ tùy thuộc vào cách thức và thời gian của các cuộc kiểm tra chất lượng này”, ông Zoltan Kis nói.

Tùy thuộc vào quy mô, số dây chuyền sản xuất, cách thức và thời gian của các cuộc kiểm tra chất lượng, việc sản xuất 50 triệu liều vaccine vào cuối lăn 2020 và 1,35 tỷ vào cuối năm 2021 là có thể thực hiện được.

Theo ông Zoltan Kis, các vaccine sử dụng các công nghệ khác sẽ mất nhiều thời gian hơn.

“Tế bào động vật có vú thường được nuôi ở quy mô 2.000 lít dung dịch trong lò phản ứng sinh học sản xuất, lớn hơn đáng kể so với quy mô cần thiết để sản xuất vaccine mRNA. Do nhu cầu phát triển tế bào với khối lượng lớn như vậy, một chu trình sản xuất có thể mất khoảng một tháng và có thể cần thêm thời gian để bất hoạt virus đối với các loại vaccine bất hoạt của Trung Quốc. Do đó, đối với các vaccine vectơ và vaccine bất hoạt, cần phải có các cơ sở quy mô lớn, và đây là một hạn chế”, ông Zoltan nói.

Để giải quyết những khó khăn này, Trung Quốc đã tích cực tăng cường dây chuyền sản xuất và sản xuất đã hoạt động mạnh kể từ khi nước này cấp phép sử dụng khẩn cấp 3 loại vaccine bất hoạt vào tháng 7 và tháng 8/2020.

Chuyên gia về vaccine Tao Lina ở Thượng Hải cho biết ông có được một ống tiêm vaccine Sinovac dán nhãn ngày sản xuất tháng 4/2020. “Có thể ngay từ đầu chúng tôi đã tự tin về vaccine của mình nên các cơ quan chức năng đã dự trữ từ đầu năm nay,” ông nói.

Chính phủ các nước thường đặt hàng và thu mua vaccine từ trước khi được cấp phép để chuẩn bị cho các đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng có thể xảy ra. Các công ty dược phẩm cũng có thể bắt đầu sản xuất ngay từ khi có đơn đặt hàng.

Trung Quốc đã tiến hành tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho hơn một triệu người và cũng đã bắt đầu xuất khẩu vaccine này sang Indonesia, Brazil và một số quốc gia ở Trung Đông, mặc dù dữ liệu về hiệu quả của chúng vẫn chưa được công bố./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo SCMP

 

Bình luận

    Chưa có bình luận