Cuộc đua sở hữu vaccine ngừa Covid-19: Các nước nghèo đang bị bỏ lại phía sau

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guteres cảnh báo, "chủ nghĩa dân tộc vaccine' đang phát huy hết tốc lực, đẩy các nước nghèo vào tình cảnh bị bỏ lại đằng sau.

 

Nhiều nước đã rầm rộ chuẩn bị công tác hậu cần hoặc đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19  sau khi vaccine của hãng Pfizer được Anh, Bahrain, Canada lần lượt đồng ý cấp phép cho sử dụng khẩn cấp. Một lần nữa, vấn đề tiếp cận bình đẳng vaccine được ra vì trên thực tế, các nước này đã nhanh tay đặt mua số lượng lớn, làm mất đi cơ hội tiếp cận vaccine của các nước nghèo. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guteres cảnh báo, "chủ nghĩa dân tộc vaccine” đang phát huy hết tốc lực, đẩy các nước nghèo vào tình cảnh bị bỏ lại đằng sau.

30.000 liều vaccine đầu tiên của hãng Pfizer sẽ sớm đến Canada, cho phép nước này bắt đầu chiến dịch tiêm chủng để chặn đứng làn sóng dịch lần thứ 2. Nhiều bang ở Mỹ cũng chuẩn bị các bộ dụng cụ như kim tiêm, khẩu trang, tấm che mặt, tủ đông bảo quản để phục vụ công tác tiêm chủng, ngay khi Ủy ban cố vấn của Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) bỏ phiếu thông qua khuyến nghị cấp phép cho sử dụng khẩn cấp vaccine của hãng Pfizer. FDA được dự báo sẽ đồng ý cấp phép lưu hành vaccine của hãng Pfizer/BioNTech trong vài ngày tới và việc phân phối vaccine và tiêm chủng sẽ bắt đầu ngay sau đó theo chương trình triển khai thần tốc của chính phủ liên bang.

ảnh minh họa: KT

Nhật Bản thông báo sẽ trang bị 10.500 tủ đông âm sâu để bảo quản vaccine của hãng Pfizer ở âm 75 độ C. Hàn Quốc cũng cho biết đã đặt mua số lượng vaccine đủ cho 44 triệu dân vào năm 2021 nhưng chưa vội vàng tiêm ngay mà chờ thêm thời gian để theo dõi các tác dụng phụ. Việc tiêm chủng trên diện rộng ở Hàn Quốc có khả năng sẽ bắt đầu vào nửa đầu năm 2021. Argentina đã ký thoả thuận với Quỹ Đầu tư quốc gia Nga để mua vaccine tiêm cho 300.000 người trong tháng 12 và tăng lên 10 triệu người trong tháng 1 và 2 /2021, với giá dưới 20 USD/2 mũi tiêm.

Trước sự triển khai mạnh mẽ ở các nước giàu, các tổ chức cứu trợ như Oxfam đưa ra thống kê cho biết, các nước giàu đã đảm bảo đủ vaccine phòng Covid -19 để bảo vệ toàn bộ dân số nước họ, với khối lượng đủ để tiêm gần 3 đợt.

Xem xét các hợp đồng mua vaccine trên toàn cầu, bà Anna Marriott, Giám đốc chính sách y tế của Oxfam chỉ ra rằng, cứ 10 người thì 9 người ở các nước nghèo sẽ không nhận được vaccine vào năm tới và có thể nhiều năm tiếp theo: “Chúng ta không có đủ nguồn cung vaccine và vấn đề đặt ra là các nước giàu đã đặt mua trước phần lớn số lượng vaccine có triển vọng. Không chỉ là cuộc đua giữa nước giàu và nước nghèo về việc sở hữu vaccine mà chúng ta cần yêu cầu các hãng dược chia sẻ bản quyền vaccine, chuyển giao công nghệ để có nhiều nhà sản xuất tham gia sản xuất đại trà để có vắc xin cho tẩt cả mọi người càng sớm càng tốt”

Đảm bảo bản quyền vaccine được chia sẻ rộng rãi là yêu cầu cấp bách nhất lúc này, được Oxfarm và các tổ chức như Ân xá quốc tế, tổ chức Tuyến đầu chống AIDS (Frontline AIDS), Công lý Toàn cầu Ngay bây giờ (Global Justice Now) kiến nghị với các chính phủ và ngành dược toàn cầu.

Trước đó Nam Phi và Ấn Độ đề xuất Hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới hủy bỏ bản quyền vaccine, xét nghiệm cũng như các phương thức điều trị Covid-19. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã nhận một bản kiến nghị với hơn 900.000 chữ ký kêu gọi bỏ bản quyền vắc xin và thuốc điều trị Covid-19, vì cho rằng kiến thức công nghệ phải được chia sẻ miễn phí và công khai, không thể cho phép có các hành vi trục lợi trong đại dịch. Nếu không có bản quyền, việc sản xuất vắc xin sẽ diễn ra nhanh hơn do có nhiều bên tham gia, thay vì chỉ một nhóm nhỏ các bên nắm giữ bản quyền.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi huy động 4,2 tỷ USD trong 2 tháng tới cho chương trình tiếp cận bình đẳng vaccine cuả WHO. Ông cảnh báo, “chủ nghĩa dân tộc vaccine” tiếp tục phát huy hết tốc lực, đẩy người nghèo vào cảnh chỉ biết đứng nhìn. "Mọi phương thức điều trị hay vaccine cần được coi như hàng hóa cộng đồng toàn cầu, có sẵn cho tất cả mọi người và có mặt ở khắp mọi nơi, đặc biệt ở châu Phi. Chúng ta cần sự phục hồi dựa vào sự bình đẳng xã hội và kinh tế, không thể để khoảng cách về năng lực ứng phó với các đại dịch như Covid-19", ông Antonio Guterres nói./.

Trần Nga/VOV1

Tổng hợp

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận