'Lửa giận' Iran sau cái chết của nhà khoa học Fakhrizadeh

Mohsen Fakhrizadeh - 'bộ não' trong chương trình hạt nhân bí mật của Iran bị ám sát báo hiệu vòng xoáy khủng hoảng, đối đầu mới giữa quốc gia này và các đối thủ

 

Đến thời điểm này, dư luận thế giới vẫn đang theo dõi sát sao động thái của Iran sau vụ nhà khoa học hạt nhân Fakhrizadeh bị ám sát, bởi nhiều khả năng Iran sẽ có động thái đáp trả sau khi tổ chức xong tang lễ cho nhà khoa học này. Được đánh giá là “bộ não” trong chương trình hạt nhân bí mật của Iran, sự ra đi của Mohsen Fakhrizadeh báo hiệu một vòng xoáy khủng hoảng và đối đầu mới giữa quốc gia này và các đối thủ.

Sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Iran và nhóm P5+1, Iran bắt đầu có những bước đi vi phạm các điều khoản của thỏa thuận, trong đó có tăng dự trữ uranium làm giàu cấp độ thấp vượt quá giới hạn cho phép. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tính đến đầu tháng 11/2020, Iran có kho dự trữ 2.442,9kg uranium làm giàu cấp độ thấp, cao gấp 12 lần so với mức cho phép là 202,8kg. Các hoạt động phát triển hạt nhân của Iran được cho là sẽ khó kiểm soát hơn sau vụ tấn công nhà khoa học Fakhrizadeh, khi Quốc hội nước này đã thông qua một dự luật khẩn cấp yêu cầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran sản xuất và dự trữ ít nhất 120kg urani làm giàu với độ tinh khiết 20% tại cở sở hạt nhân Fordo mỗi năm, đồng thời nâng mức làm giàu urani tại cơ sở Natanz.

Người biểu tình tụ tập phản đối vụ ám sát Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, ở Tehran, Iran, ngày 28/11/2020. (Ảnh: KT)

Mặc dù Iran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này là vì mục đích hòa bình, song Mỹ và các đồng minh trong khu vực vẫn luôn “ám ảnh” về viễn cảnh Iran phát triển hạt nhân để chế tạo vũ khí. Một Iran được trang bị vũ khí hạt nhân là mối đe dọa trực tiếp đối với các đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông, trong đóIsrael là quốc gia có nguy cơ cao nhất vì các nhà lãnh đạo Iran đã nhiều lần tuyên bố rằng Israel nên "bị xóa khỏi bản đồ". Trên thực tế, chính sách phát triển hạt nhân của Iran đã khiến các nước láng giềng gia tăng mua vũ khí, và một Iran trang bị vũ khí hạt nhân có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang.

Vụ tấn công giáng một đòn mạnh vào tinh thần, tâm lý và hoạt động của chế độ Iran do Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei đứng đầu, đặc biệt là đối với Lực lượng Vệ binh Cách mạng cùng những người chủ trì chương trình hạt nhân của đất nước. Hàng loạt nhân vật cao cấp của Iran, trong đó có cả Đại giáo chủ Ali Khamenei đã tuyên bố đầy giận dữ về việc sẽ tiến hành “đòn đáp trả thảm khốc” đối với những kẻ đứng sau vụ tấn công này - dù kẻ đó là ai.

Mặc dù chưa có tổ chức, cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ ám sát, nhưng Iran đã đưa ra những tuyên bố nhằm quy trách nhiệm cho Israel. Trong bức thư gửi Tổng thư ký LHQ Antonio Gueterres, Iran cho rằng có “dấu hiệu thực sự về trách nhiệm” của Israel trong vụ ám sát ông Mohsen Fakhrizadeh và Tehran bảo lưu quyền tự vệ. Suy đoán của Iran là có cơ sở, bởi đã có ít nhất 5 nhà khoa học hạt nhân cấp cao của Iran thiệt mạng hoặc bị thương nặng trong các cuộc tấn công được cho là có sự can dự của Israel trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2012, cho dù Israel luôn bác bỏ mọi liên quan.

Theo giới phân tích, hành động mà Iran có thể cân nhắc là nhằm vào các tàu chở dầu ở eo biển Hormuz hoặc các cơ sở khai thác dầu ở các chế độ quân chủ Sunni trên khắp vùng Vịnh - những việc mà Iran đã thực hiện hồi năm 2019 khi chính quyền Donald Trump tái áp đặt các biện pháp trừng phạt. Iran cũng có thể tấn công gián tiếp vào “sân sau” của Mỹ và Israel trong khu vực, sử dụng các lực lượng ủy thác như Hezbollah hoặc phiến quân Yemen để tấn công vào các cơ sở khai thác dầu của Saudi Arabia. Iran có thể lựa chọn một chiến thuật trả đũa mang tính biểu tượng, và “câu giờ” để chờ ông Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng và xác định đường hướng tiếp theo đối với Iran./.

Thúy Ngọc/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận