Khu vực thị trường chung lớn nhất thế giới

Sự hình thành RCEP không chỉ là bằng chứng mà còn tạo động lực mới cho sự phát triển mạnh mẽ của thương mại tự do và toàn cầu hoá...

 

Sau 31 vòng đàm phán trải dài trong 8 năm, 10 nước thành viên ASEAN cùng với 3 quốc gia Đông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và 2 quốc gia ở xa là Australia và New Zealand đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hình thành khu vực mậu dịch tự do chung. Cho tới thời điểm hiện tại, RCEP là thị trường chung và khu vực mậu dịch tự do chung lớn nhất thế giới với 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm 30% GDP của cả thế giới và bao hàm Trung Quốc và Nhật Bản là hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 của thế giới.

Những dữ liệu nói trên đủ để cho thấy RCEP không chỉ đơn thuần là một sân chơi mới và riêng của 15 nước tham gia mà còn là tác nhân mới về chính trị, kinh tế và thương mại của thế giới. RCEP sẽ đóng vai trò rất quyết định tới cục diện các mối quan hệ về chính trị, an ninh, kinh tế và thương mại giữa các nước trong khu vực và giữa khu vực này với các đối tác bên ngoài. Với tầm vóc và trọng lực như thế, RCEP tạo tiền đề cho 15 bên tham gia cùng nhau tạo luật chơi trong các cuộc chơi về kinh tế đối ngoại và qua đó cả về chính trị an ninh trên thế giới. Từ đó có thể thấy RCEP sẽ có ảnh hưởng rất to lớn tới hoạt động hiệu quả và cuộc cải cách của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

RCEP không chỉ đơn thuần là sân chơi mới và riêng của các nước tham gia mà còn cả tác nhân mới về chính trị.

Các bên tham gia RCEP hiện không đồng đều về tiềm lực kinh tế, tài chính và thương mại, vì thế có ảnh hưởng khác nhau trong RCEP. Nhưng bản thân RCEP cũng lại khép các thành viên hùng mạnh hơn trên những phương diện kia vào các cam kết riêng và những nguyên tắc, cơ chế và tiêu chí chung của RCEP. Sự hình thành RCEP không chỉ là bằng chứng mà còn tạo động lực mới cho sự phát triển mạnh mẽ của thương mại tự do và toàn cầu hoá, của hợp tác và liên kết khu vực, của chủ nghĩa đa phương. Điều này đáng được đặc biệt lưu ý bởi trong gần 4 năm trở lại đây, chính quyền Mỹ chủ trương thực thi chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, phát động xung khắc thương mại và hạ thấp vai trò của WTO.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện có nhiều thoả thuận về khu vực mậu dịch tự do giữa các đối tác với nhau, trong đấy đặc biệt là Hiệp định về khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN và Trung Quốc (CAFTA) cũng như Hiệp định về Quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). RCEP vừa là sự bổ sung cho những thoả thuận song phương và đa phương ấy lại vừa có thể cùng với chúng tạo nên hiệu ứng và giá trị cộng hưởng. RCEP tạo ra cơ hội, môi trường và điều kiện thuận lợi mới cho 15 nước tham gia để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội và tăng cường kinh tế đối ngoại ở các quốc gia thành viên, nhưng cũng sẽ buộc các nơi này phải chuyển đổi mạnh mẽ và cơ bản về chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại và kinh tế đối ngoại.

Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra tiếp tục hoành hành dữ dội trên thế giới, ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế và thương mại thế giới cũng như tới việc giải quyết nhiều vấn đề chính trị xã hội cấp thiết ở mọi nơi trên thế giới, sự ra đời của RCEP phát đi thông điệp là không có cái gì có thể ngăn cản được xu thế chuyển biến ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là tự do hoá thương mại và toàn cầu hoá, hội nhập và liên kết khu vực.

RCEP giúp các bên tham gia có được vị thế cao hơn và nhiều lợi thế hơn trong việc sắp xếp lại và xử lý các mối quan hệ của họ với đối tác bên ngoài, đặc biệt với Mỹ và EU. Những nền kinh tế lớn cạnh tranh chiến lược với Mỹ và EU sẽ khai thác và tận dụng triệt để những lợi thế và vị thế mới này. RCEP sẽ buộc EU và Mỹ phải có những điều chỉnh chiến lược và chính sách thích hợp đối với khu vực nói chung và các đối tác trong khu vực nói riêng./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận