Xu hướng đảo ngược quyết sách của người tiền nhiệm
Chính sách đối ngoại của ông Joe Biden dự định sẽ tập trung vào việc đảo ngược di sản ngoại giao 4 năm của Tổng thống Trump. Một bài viết trên trang chiến dịch của ông Biden có tiêu đề là "Sự lãnh đạo của Mỹ" đã sử dụng những cụm từ như "khôi phục sự lãnh đạo nghiêm túc", "cải cách nền dân chủ và các liên minh của chúng ta", "sửa chữa những tổn thất", đồng thời dẫn ra các kế hoạch "đảo ngược", "xoay chiều" và "tái khẳng định" vị thế lãnh đạo của Mỹ trên thế giới so với vị thế hiện nay.
Rõ ràng, các kế hoạch của ông Biden sẽ xác định thời kỳ chính quyền Tổng thống Barack Obama như một điểm khởi đầu cho nhiều chính sách đối ngoại của Mỹ đối với từ Iran cho tới Triều Tiên, từ Trung Quốc cho tới Israel, bao gồm cả việc lựa chọn các nhân vật liên quan sẽ thực hiện các kế hoạch này. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lo ngại tư duy trên sẽ dẫn đến các chính sách thất bại hoặc lãng phí những cơ hội hứa hẹn mà ông Biden có thể kế thừa từ các chính sách của ông Trump.
Ông Biden sẽ không bao giờ muốn đưa một số chính sách lùi về thời điểm tháng 1/2017, thậm chí trong một vài trường hợp, ông thậm chí không muốn nghĩ tới kế hoạch này.
Những tổng thống kế nhiệm "luôn có ý định" đảo ngược hoặc khai tử các chính sách của người tiền nhiệm, Michael O'Hanlon, học giả cấp cao tại Viện Brookings nhận định. Ông cũng dẫn ra chính sách "ABC" (Anything But Clinton, nghĩa là bất cứ chính sách nào ngoại trừ các chính sách đã được Tổng thống Bill Clinton theo đuổi) của ông George W. Bush sau khi trở thành Tổng thống để minh chứng cho đánh giá trên.
Lựa chọn của “chính quyền Biden”
Những chính sách về Iran sẽ nằm trong những ưu tiên hàng đầu với ông Biden sau khi ứng viên đảng Dân chủ này cam kết rằng sẽ quay lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, vốn được coi là một thành tựu ngoại giao dưới thời chính quyền Tổng thống Obama và là một mục tiêu trung tâm của Tổng thống Trump nhằm khẳng định quyền lực. Nước Mỹ dưới thời ông Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt lên nước Cộng hòa Hồi giáo này. Động thái trên đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các đồng minh của Mỹ, những nước cũng là các bên tham gia thỏa thuận.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số điều khoản trong thỏa thuận được ký kết cách đây 5 năm nhằm hạn chế Iran phát triển đã sắp hết hạn vào cuối năm nay, trong khi các điều khoản khác sẽ hết hạn dần vào năm 2023 và 2025. Một số cố vấn nhận định rằng nếu chỉ đơn giản quay trở lại các điều khoản ban đầu của thỏa thuận, đây sẽ là hành động không mấy khôn ngoan của "chính quyền ông Biden" bởi ông và đội ngũ của mình đã bỏ lỡ cơ hội làm mới thỏa thuận khi tái gia nhập bằng cách bổ sung các điều khoản hạn chế tham vọng hạt nhân của Tehran.
Đối phó với Trung Quốc, ông Biden có thể sẽ ưu tiên quan hệ với các đồng minh, điều mà Tổng thống Trump đã không thực hiện trong những năm qua. Tuy nhiên, cựu Phó Tổng thống Mỹ, người từng dẫn đầu nhiều sáng kiến về chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Obama, cũng có những cơ hội để tận dụng chiến lược kiên quyết của chính quyền Tổng thống Trump với Bắc Kinh. Nếu kế thừa chính sách với Trung Quốc của ông Trump, ông Biden thực sự đã phá vỡ tầm nhìn thời Tổng thống Obama, vốn từng tin rằng việc đưa Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn với phương Tây sẽ kiểm soát được tham vọng của nước này.
"Thay vì chỉ dựa vào sức ép đơn phương, chúng tôi cho rằng chính quyền Biden sẽ thúc đẩy các nỗ lực đa phương nhằm chống lại Trung Quốc, trong khi vẫn tiếp tục duy trì các sức ép đơn phương ở một mức độ nào đó, chẳng hạn như kiểm soát việc xuất khẩu với Huawei", Matthew Bey, nhà phân tích cấp cao toàn cầu tại Stratfor - một công ty tình báo tư nhân nhận định.
Tập đoàn viễn thông Huawei đã trở thành một mục tiêu trung tâm của Tổng thống Trump trong chính sách kiềm chế Trung Quốc. Phát biểu tại Viện Reagan ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh, những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm khuyến khích các đồng minh dừng sử dụng các thiết bị của Huawei trong hệ thống 5G là một trong những thành quả ngoại giao của chính quyền Tổng thống Trump.
"Mặc dù có thể cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ hạ nhiệt nhưng ở một mức độ nào đó, Mỹ vẫn duy trì các biện pháp thuế quan với Trung Quốc cũng như cuộc chiến công nghệ đang diễn ra", chuyên gia Bey cho hay.
Nhiều chuyên gia tin rằng tình hình biến động ở nước láng giềng của Trung Quốc là Triều Tiên sẽ khiến ông Biden có những chính sách gần gũi với chính sách của ông Trump.
Tổng thống Trump thường khẳng định rằng mối quan hệ cá nhân của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là tiền đề cho 3 Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên mặc dù các cuộc gặp này đạt được rất ít tiến triển trong quá trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Trong khi ông Biden khẳng định ông sẽ không dành thời gian với những nhà lãnh đạo như ông Kim Jong Un thì Tổng thống Obama, người mà ông Biden từng sát cánh 8 năm, đã khẳng định rằng nước Mỹ sẵn sàng bắt tay với những người chìa tay hợp tác khi ông nhậm chức cách đây 12 năm.
"Chính Tổng thống Barack Obama đã thừa nhận với Tổng thống đắc cử Donald Trump năm 2016 khi họ gặp nhau tại Nhà Trắng rằng chính sách với Triều Tiên của ông đã thất bại. Nói cách khác, nếu chấm dứt các sáng kiến của ông Trump và quay lại thực hiện những gì ông Obama từng làm thì không chỉ không thuyết phục mà còn dường như đi ngược lại chính những lợi ích của nước Mỹ dưới thời chính quyền Obama".
Chuyên gia O'Hanlon cho rằng một hướng tiếp cận thực tế hơn cho chính quyền ông Biden sẽ là nối lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên nhằm xác minh rằng Bình Nhưỡng sẽ không sản xuất vũ khí hạt nhân chiến lược mới chứ không phải loại bỏ kho vũ khí hiện tại của nước này và đổi lại, Triều Tiên sẽ được nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế. Khai thác mối quan hệ ngoại giao cá nhân với ông Kim có thể giúp ông Biden hoàn thành một kiểu thỏa thuận như vậy.
Tiếp xúc với phía Triều Tiên có thể là ưu tiên cấp bách nhất hiện nay của chính quyền ông Biden giữa bối cảnh nước này có thể trở thành mối đe dọa với ông Biden nếu Bình Nhưỡng thử một loại vũ khí chiến lược mới vào chính Ngày Nhậm chức của ông.
"Việc này (Triều Tiên thử tên lửa-ND) đã trở thành một kiểu hành động truyền thống", chuyên gia Markus Garlauskas làm việc tại Hội đồng Đại Tây Dương cho hay. Một vụ thử vũ khí như vậy sẽ là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ tiếp tục các động thái tương tự. Do đó, ngăn cản điều này xảy ra có ý nghĩa quan trọng với các chính quyền kế nhiệm của Mỹ.
Di sản của Trump – thách thức và cơ hội của Biden
Điều ý nghĩa nhất với ông Biden là Tổng thống Trump đã chứng minh cho thế giới một lập trường rõ ràng, đó là các nước không nên coi việc trở thành đối tác với Mỹ là điều đương nhiên. Quan điểm này vừa là một thách thức vừa là một cơ hội cho chính quyền ông Biden, Jon Alterman, một chuyên gia trong Ủy ban Quan hệ Đối ngoại nhận định.
"Các đối tác sẽ tích cực hợp tác với Mỹ hơn và thận trọng hơn khi thử thách sự kiên nhẫn của Mỹ. Cùng với đó, họ cũng lo ngại sẽ bị Mỹ bỏ rơi và vì thế sẽ có thái độ hòa giải hơn với các kẻ thù của chúng ta", Alterman, hiện là Phó Chủ tịch tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế đánh giá.
Thực tế này sẽ có ảnh hưởng đáng kể nếu "chính quyền ông Biden" tiếp tục các thành tựu và mục tiêu về chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump, từ sự ủng hộ các cuộc trao đổi giải quyết tranh chấp biên giới giữa Israel và Lebanon cho tới ngày càng nhiều quốc gia Arab chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel và vấn đề rút quân khỏi Afghanistan.
Theo ông Alterman, thực tế này được phản ánh sâu sắc nhất tại châu Á, nơi các đồng minh lâu đời của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại họ sẽ bị bỏ lại trong nỗ lực đối phó với các tham vọng khu vực của Trung Quốc.
"Việc này cũng sẽ phủ bóng lên châu Âu và Trung Đông, những nơi mà cả Nga và Trung Quốc đều có các chiến lược của họ"./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo: US News