Vi phẫu tái tạo các khuyết hổng cho người bệnh ung thư hàm mặt

Vi phẫu tái tạo các khuyết hổng cho người bệnh ung thư hàm mặt là bước tiến vượt bậc, giúp người bệnh có cuộc sống dần trở về bình thường.

 

Ung thư hàm mặt luôn là thách thức trong điều trị. Việc áp dụng kỹ thuật tạo hình vi phẫu là bước tiến vượt bậc, đã trả lại cho người bệnh các chức năng và cuộc sống dần trở về bình thường.

Phẫu thuật là chỉ định số 1

Hiện nay ung thư vùng hàm mặt có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu báo cáo của bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung, khoa Phẫu thuật và Tạo hình Hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, số bệnh nhân (BN) ung thư đến khám và điều trị trị tại BV này trong 5 năm qua là 628/11.738 BN (chiếm 5,3% trên tổng số BN tới khám và điều trị).

Bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung đang khám và tư vấn cho người bệnh ung thư hàm mặt.

Bác sĩ Hồng Nhung cho biết, hiện nay phẫu thuật điều trị ung thư hàm mặt là chỉ định số 1. Tuy nhiên, vẫn còn một số BN dùng phương pháp uống thuốc, bôi, đắp và thậm chí đến những cơ sở y tế không đủ khả năng phẫu thuật, BN được chỉ định xạ trị, hóa trị… Khi đến BV đã ở giai đoạn muộn, khối u phát triển lớn, phá hủy nhiều vùng tổ chức, di căn xa… không thể phẫu thuật được nữa.

“Ung thư vùng hàm đa phần là ung thư biểu mô. Việc xạ trị, hóa trị hầu như không đáp ứng mà để lại tác dụng phụ rất lớn. Có những BN sau xạ trị liều cao bị hoại tử cả xương hàm, lưỡi và phần mềm xung quanh. Nhìn BN đau đớn vì viêm, tự ti vì mùi hoại tử hôi thối, khuôn mặt biến dạng nặng nề và suy kiệt đến chết mà không thể cứu chữa. Thật đáng tiếc!", bác sĩ Hồng Nhung bộc bạch.

Theo bác sĩ Hồng Nhung, gần 10 năm trở lại đây, tất cả phác đồ điều trị ung thư vùng hàm mặt trên thế giới đều cắt rộng tối đa vùng có khối u, vét hạch phòng chống di căn cho BN. Tuy nhiên, việc phẫu thuật này không những sẽ để lại khuyết hổng vùng mặt rất lớn mà còn ảnh hưởng đến chức năng ăn uống, nói, thở và thẩm mỹ. Để trả lại cho người bệnh các chức năng ấy, các phẫu thuật viên BV Răng Hàm Mặt Trung ương đã áp dụng thường quy kỹ thuật vi phẫu để tái tạo các khuyết hổng, giúp BN dần trở lại cuộc sống bình thường.

Một ca tạo hình vi phẫu cho bệnh nhân ung thư hàm mặt được bác sĩ Hồng Nhung và cộng sự thực hiện tại khoa Phẫu thuật và Tạo hình Hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương.

Với trường hợp phải cắt bỏ một phần hay cả lưỡi, phẫu thuật viên phải dùng vạt da ở tay hoặc ở đùi, nối mạch máu để tái tạo. Còn muốn tái tạo sàn miệng hay xương hàm dưới, xương hàm trên… lại phải dùng xương mác đưa lên vùng nhận. Đây là một trong những kỹ thuật khó, đòi hỏi sự điêu luyện, tỉ mỉ và sự dẻo dai của phẫu thuật viên. Bởi mỗi ca phẫu thuật thường kéo dài từ 12-18 tiếng đồng hồ.

“Khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ phải sử dụng kính hiển vi có độ phóng đại 8-25 lần để phẫu tích và nối những mạch máu nhỏ dưới 1mm. Đây là một thách thức rất lớn, bởi khi đưa tổ chức từ chỗ khác đến vùng nhận chỉ một sơ suất nhỏ sẽ có những rủi ro rất cao, đòi hỏi phẫu thuật viên phải khéo léo và có sức bền. Sau phẫu thuật, tùy từng loại ung thư, chúng tôi sẽ tiếp tục gửi BN đến BV108 cùng theo dõi sát sao trong nhiều năm để điều trị bổ trợ hóa trị, xạ trị khi cần thiết. Có BN sau phẫu thuật đã tốt nghiệp đại học, đi làm; có BN lập gia đình và sinh con. Nhiều BN sau 5 năm không có dấu hiệu tái phát. Thậm chí, họ không cần sử dụng xạ trị hay hóa trị”, bác sĩ Hồng Nhung chia sẻ.

Sự sống kỳ diệu khi áp dụng tạo hình vi phẫu

Gặp BN Phạm Đức Sinh (59 tuổi ở Lạc Thủy, Hòa Bình), ít ai biết ông đã từng thực hiện vi phẫu điều trị ung thư lợi hàm. Ông Sinh cho biết, cách đây 8 năm, ông thấy đau bên hàm trái mỗi khi nhai. Ông đi khám rất nhiều nơi và uống thuốc mãi không khỏi. Suốt 2 năm cứ chịu nỗi đau âm ỉ, đến khi không ăn không nói được, nuốt đau, sưng lệch mặt, ông đến BV103 (Hà Nội) khám thì các bác sĩ giới thiệu đến khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương. “Khi phát hiện mình bị ung thư giai đoạn 3, tôi và gia đình lo lắng lắm. Cứ nghĩ đây là hạn tuổi 53 nên tôi bi quan, không dám mổ. Nhưng khi các bác sĩ bảo “nếu không mổ nhanh khối u sẽ ăn vào hàm” nên tôi quyết thử vận may. Tôi là 1 trong 8 BN vi phẫu giai đoạn nặng mà bác sĩ dùng vạt ghép ở cánh tay trái để tái tạo một bên má và 1 bên hàm. 2 năm đầu sau mổ, giọng nói của tôi không được rõ. Nhưng sau đó, tôi hát karaoke và ăn nhai rất tốt, mọi sinh hoạt như người bình thường”, ông Sinh vui mừng nói.

Tạo hình vi phẫu luôn là kỹ thuật khó thực hiện đòi hỏi sự chuẩn xác, khéo léo và bền bỉ của mỗi kỹ thuật viên.

“Với ung thư hàm mặt chưa có di căn xa, việc phẫu thuật cắt rộng tối đa vùng có khối u có thể chữa khỏi bệnh đến 98%. Trường hợp ung thư ở giai đoạn 2, 3 sau khi được cắt bỏ và tái tạo vùng khuyết hổng, tùy trường hợp sẽ được điều trị bổ trợ thích hợp, giúp BN dần trở về cuộc sống bình thường và không bị tái phát”, bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung.

Còn BN Nguyễn Thị Lan (75 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội) cách đây 2 năm phát hiện ung thư lưỡi giai đoạn 2. Con gái bà - chị Hà Thị Xuân Mai cho biết, thấy mẹ có 1 chấm đỏ ở lưỡi, chị cứ nghĩ mẹ bị nhiệt miệng. Như mọi lần, chị nấu bột sắn cho mẹ ăn nhưng mãi không khỏi. Chị Mai đưa mẹ đi khám thì được kết luận là nấm lưỡi và giới thiệu đến BV Da liễu Trung ương điều trị. Tại đây, các bác sĩ cho làm xét nghiệm và sinh thiết thì phát hiện ung thư lưỡi. “Khi biết mẹ bị ung thư lưỡi, tôi rất suy sụp. Tôi càng hoang mang khi người thì khuyên không nên mổ vì mẹ đã cao tuổi, người thì bảo đưa mẹ sang Singapore… Khi được giới thiệu sang BV Răng Hàm Mặt Trung ương, nghe bác sĩ Hồng Nhung giải thích “BN sẽ cắt đi 2/3 lưỡi, 1/2 hàm rồi lấy da từ cánh tay để tái tạo”, tôi càng sợ vì việc ăn uống sẽ như thế nào… Mẹ tôi cũng run đến mức vào phòng mổ huyết áp tăng vọt lên hơn 200, phải 10 ngày sau mới được mổ. Ca mổ kéo dài 9 tiếng. May mắn đến nay, mẹ tôi ăn uống bình thường mà chỉ số mỡ máu và huyết áp như thanh niên, cũng không phải dùng hóa chất”, chị Mai cho biết.

Trên thế giới, tạo hình vi phẫu luôn là kỹ thuật khó thực hiện đòi hỏi sự chuẩn xác, khéo léo và bền bỉ của mỗi kỹ thuật viên. Đây cũng là cơ hội đem lại sự sống kỳ diệu cho BN ung thư nếu chưa có di căn xa. Người bệnh nên khám bệnh định kỳ để được phát hiện và điều trị đúng./.

Lưu Hường

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận