Nguy cơ thừa cholesterol

Khi lượng cholesterol tăng cao sẽ gây lắng đọng ở thành mạch, khiến mạch máu bị xơ vữa và thu hẹp dần, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

 

Cholesterol là thành phần quan trọng giúp cân bằng hormon trong cơ thể và sản xuất vitamin. Tuy nhiên, nếu chỉ số này ở mức cao, sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Biến chứng nguy hiểm khi thừa cholesterol

PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc giacho biết, cholesterol là chất béo được sản xuất từ tế bào gan và một phần từ thức ăn có nguồn gốc động vật. Cholesterol là thành phần quan trọng của lipid máu, có vai trò quan trọng trong cấu tạo màng tế bào, cân bằng hormone cơ thể và sản xuất vitamin. Cholesterol trong cơ thể gồm 2 loại chính là cholesterol xấu (LDL) và cholesterol tốt (HDL). Ngoài ra, một thành phần khác của lipid máu cũng rất quan trọng là triglyceride.

HLD được xem là cholesterol tốt bởi chúng vận chuyển cholesterol từ máu về gan, đồng thời đưa cholesterol ra khỏi mảng xơ vữa thành mạch, giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như các biến cố tim mạch khác.Còn LDL dẫn đến sự gia tăng chất béo ở động mạch. Nếu hàm lượng LDL cao trong máu, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

“Khi lượng cholesterol toàn phần, LDL và triglyceride tăng cao sẽ gây lắng đọng ở thành mạch, lâu ngày trở thành các mảng xơ vữa khiến mạch máu bị xơ vữa và thu hẹp dần. Sự tuần hoàn máu qua thành mạch bị cản trở và có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu. Đó là nguyên nhân chính gia tăng các biến chứng như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ”, PGS.TS Lê Bạch Mai nhấn mạnh.

Khi lượng cholesterol sẽ làm gia tăng các biến chứng như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ. (Ảnh minh họa: L.H))

Theo chuyên gia tim mạch, TS.BS Vũ Ngọc Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện ĐHQG Hà Nội, thừa cholesterol gây ra các bệnh lý về tim mạch, là một trong các nhóm bệnh không lây nhiễm (BKLN). BKLN là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, là một trong những thách thức chủ yếu trong thế kỷ 21. Trong kết quả điều tra quốc gianăm 2015 về yếu tố nguy cơ BKLN, tỷ lệ người Việt Nam rơi vào tình trạng thừa cholesterol ở mức đáng báo động và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Trong năm 2016, có 548.800 ca tử vong, trong đó tử vong do BKLN chiếm 77%. Cứ 10 người chết thì 7 người do BKLN mà tập trung chủ yếu ở bệnh: tim mạch (đa phần do lượng người mắc cholesterol cao); cứ 10 người trưởng thành thì 3 người có chỉ số cholesterol cao vượt ngưỡng; hơn 50% phụ nữ trong độ tuổi 50-69 có cholesterol cao, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính.

“Tăng cholesterol và bệnh mạch vành thường xảy ra đối với người lớn tuổi nhưng gần đây chúng tôi đã gặp những trường hợp 8-10 tuổi phải đặt stent do bệnh lý xơ vữa mạch vành”, bác sĩ Trung dẫn chứng.

Phòng ngừa và điều trị thừa cholesterol

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, tỷ lệ người thừa cholesterol ở Việt Nam cao, chủ yếu xuất phát từ lối sống ít vận động, đặc biệt là thói quen ăn uống, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, yếu tố di truyền và việc nhìn nhận tầm quan trọng của vấn đề này còn chưa đúng cách. Bên cạnh đó, vấn đề toàn cầu hóa và đô thị hóa, sự thay đổi môi trường như là những tác nhân làm tăng lối sống không lành mạnh, như hút thuốc lá, lạm dụng uống rượu, bia, ăn uống không hợp lý, ít vận động thể lực và chính những yếu tố nguy cơ này làm phát triển các BKLN, trong đó có thừa cholesterol.

“Nguyên nhân gây thừa cholesterol là do ăn thực phẩm chứa nhiều cholesterol như thức ăn phủ tạng động vật, các sản phẩm chế biến từ thịt động vật như giò chả, xúc xích và mỡ động vật như thịt bò, mỡ bò, thịt lợn, mỡ lợn, thịt cừu, thịt gia cầm béo (vịt, ngỗng nuôi công nghiệp)… Thói quen uống rượu bia và các thức uống có gas cũng làm tăng cholesterol xấu và triglyceride. Ngoài ra, lối sống không khoa học như lười tập thể dục và ít tham gia các hoạt động thể chất, béo phì, tiểu đường, yếu tố di truyền, hút thuốc, tuổi cao… cũng làm tăng khả năng thừa cholesterol”, PGS Mai khuyến cáo.

TS.BS Vũ Ngọc Trung cũng lưu ý, nếu được chẩn đoán tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể, trước tiên cần thay đổi chế độ ăn uống và điều chỉnh lối sống như tăng vận động, giảm cân. Sau một vài tháng nếu việc thay đổi này không đưa chỉ số cholesterol về ngưỡng mục tiêu thì cần phải sử dụng thêm các thuốc điều trị rối loạn lipid máu.

“Một số người quan niệm, khi cholesterol cao, được bác sĩ kê đơn thuốc thì sẽ an tâm. Tuy nhiên, để giảm được cholesterol trong máu còn cần phải kết hợp nhiều biện pháp. Trên thế giới đã tổng kết, khi áp dụng 5 biện pháp sau đây sẽ giảm được 80% tình trạng thừa cholesterol, đó là: Thực hiện lối sống khoa học và lành mạnh; tăng cườngrèn luyện thân thể như đi bộ, đạp xe, bơi lội; kiểm soát stress; hạn chế ăn uống các thực phẩm chứa nhiều cholesterol; bổ sung chất béo có lợi (nhóm chất béo không bão hòa) vào chế độ ăn uống. Trong đó, nhóm chất béo không bão hòa như omega 3-6-9 được tìm thấy nhiều trong cá hồi, cá trích và các loại dầu thực vật như dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương... Đặc biệt, dưỡng chất Gamma-Oryzanol & Phytosterol có trong một số loại dầu ăn và gạo lứt đã được khoa học chứng minh có tác dụng trong việc giảm hấp thụ cholesterol xấu từ thực phẩm”, bác sĩ Vũ Ngọc Trung lưu ý./.

Người có tình trạng thừa cholesterol nên ăn một số thực phẩm tốt cho cơ thể như: rau quả tươi, các loại ngũ cốc chế biến thô (bánh mì đen, gạo thô…), sữa không béo, thịt nạc hoặc thịt gia cầm không da. Nên ăn các loại cá ít nhất 2 lần/tuần, các loại dầu thực vật như dầu gạo lứt, dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu đậu nành.

Lưu Hường

 

Bình luận

    Chưa có bình luận