Nội soi - cơ hội cho người viêm tuyến nước bọt mang tai

BV Răng hàm mặt Trung ương là một trong những đơn vị đầu tiên ở Việt Nam áp dụng thành công phương pháp nội soi điều trị viêm tuyến nước bọt mang tai.

 

“Viêm tuyến nước bọt mang tai tái phát nhiều lần nếu phải phẫu thuật sẽ có những rủi ro không mong muốn. Can thiệp nội soi không những điều trị dứt điểm mà còn bảo tồn được tuyến nước bọt” - bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung, khoa Phẫu thuật và tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương nhấn mạnh như thế khi trả lời phỏng vấn Báo Tiếng nói Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung, khoa Phẫu thuật và Tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương. Thưa bác sĩ, bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai mạn tính được hiểu như thế nào? Dấu hiệu nào cảnh báo bệnh này?

Viêm tuyến mang tai (TMT) mạn tính là bệnh lý lành tính. Bệnh thường liên quan tới sự giảm tiết nước bọt của tuyến gây tắc ống tuyến nước bọt. Tắc ống tuyến thường có cơ chế do tự thân, có thể do sỏi hình thành trong ống tuyến. Bệnh lành tính nhưng tái đi tái lại và các cơn viêm cấp ngày càng nhiều, sẽ gây đau đớn cho bệnh nhân (BN), ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của người bệnh.
Người bệnh bị sưng đau vùng mang tai, má không rõ nguyên nhân, sử dụng thuốc kháng sinh sẽ giảm đau, giảm sưng, sau 1 thời gian sẽ bị lặp lại quá trình sưng đau như vậy và thời gian lặp lại ngày càng ngắn. Sau nhiều lần bị viêm đau như vậy, vùng mang tai hình thành cục xơ cứng có thể sờ thấy kể cả khi không sưng đau.

Nếu viêm tuyến nước bọt không chữa trị triệt để, sẽ gây biến chứng nguy hiểm gì?

Từ trước tới nay viêm TMT sử dụng kháng sinh điều trị toàn thân. Nhưng nhiều BN thường mua thuốc tự điều trị tại nhà nên tình trạng tái phát viêm ngày càng tăng, gây đau nhức khó chịu, tới lúc đó sẽ có chỉ định phẫu thuật cắt TMT. Có nhiều trường hợp bị tắc do sỏi, có thể gây ra biến chứng áp xe TMT. Biến chứng có thể diễn biến nặng lên nhanh chóng, có thể dẫn tới nhiễm trùng lớn vùng hàm mặt, gây ảnh hưởng tới tính mạng.

Việc cắt TMT khi viêm có rủi ro cao, đặc biệt là rủi ro liệt mặt do các dây thần kinh vận động vùng mặt đi qua tuyến nước bọt mang tai. Ngoài ra sau phẫu thuật BN để lại đường sẹo dài và khuyết lõm tổ chức vùng má, gây biến dạng khuôn mặt. Cũng có những kỹ thuật bơm rửa TMT cơ học, tuy nhiên thường không mang lại hiệu quả do không xâm nhập được vào sâu trong TMT.

Kỹ thuật nội soi được biết đến từ khi nào, thưa bác sĩ?

Kỹ thuật nội soi đã được nghiên cứu nhiều trên thế giới trong những năm gần đây và phát triển mạnh tại Đài Loan. Năm 2018, chuyên gia Đài Loan đã sang hướng dẫn đào tạo và chuyển giao công nghệ tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương. Từ đó tới nay chúng tôi thực hiện kỹ thuật nội soi thường quy trong điều trị viêm TMT mạn tính, trung bình có trên dưới 10 BN/tuần.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung và cộng sự thực hiện ca nội soi viêm tuyến nước bọt mang tai tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương.

BV Răng hàm mặt Trung ương là một trong những đơn vị đầu tiên ở Việt Nam áp dụng thành công phương pháp nội soi điều trị TMT, đến nay đã có kết quả như thế nào, thưa bác sĩ?

Nội soi TMT là phương pháp xâm nhập trực tiếp vào trong lòng tuyến dưới hướng dẫn của camera gắn ở đầu ống nội soi (kích thước 0,4mm). Qua màn hình sẽ thấy rất rõ các vấn đề của lòng ống tuyến như có sỏi, có nhiều cặn bám, hay chít hẹp do màng nhầy nước bọt cô đọng. Có thể dễ dàng can thiệp làm sạch ống tuyến, nong rộng lòng ống tuyến tạo điều kiện cho nước bọt thoát ra.

Vì tuyến mang tai có ống tiết nước bọt trong miệng rất nhỏ và nhiều đường gấp khúc, khi đưa thuốc qua ống nội soi sẽ giúp chúng tôi đưa thuốc vào sâu hẳn trong lòng tuyến. Chúng tôi vừa kiểm soát đường đi, vừa giải quyết vấn đề bên trong TMT mà vẫn bảo tồn được. Thủ thuật diễn ra khoảng 20 - 30 phút. BN cảm thấy dễ chịu, thoải mái ngay sau lần thực hiện đầu tiên.

Cũng do đường ống trong lòng miệng có nhiều nhánh gấp khúc, cho nên để đưa thuốc vào tận sâu bên trong, BN cần can thiệp 1 vài lần. Trường hợp nặng nhất được nội soi khi khối viêm bị xơ cứng cả 2 bên rất rõ. Sau 5 lần can thiệp, đến nay đã hoàn toàn bình phục. Cách đây 2 tháng, BN phản hồi lại là rất hài lòng khi không còn đau hay gặp bất kỳ khó chịu gì.

Còn với bệnh nhi, và một số trường hợp khác bác sĩ có gì cần lưu ý?

Có rất nhiều trẻ em mặc bệnh viêm TMT cấp tính, tái phát nhiều lần. Đa số trẻ mắc bệnh này rất dễ nhầm lẫn với bệnh quai bị. Do vậy, khi thấy trẻ có triệu chứng như trên mà bị tái đi tái lại cần đưa trẻ điều trị đúng chuyên khoa. Đến nay, điều trị cho cháu bé cũng chỉ là cho kháng sinh toàn thân, và phác đồ điều trị trên thế giới cũng chỉ dùng phương pháp xâm nhập trực tiếp vào lòng tuyến như thế này thì mới điều trị được triệt để. BV Răng hàm mặt Trung ương chúng tôi cũng đã tiến hành áp dụng điều trị cho các cháu bé nhỏ nhất là 4 tuổi. Đến nay số lượng chưa nhiều, chỉ trên dưới 10 cháu, và đạt được kết quả rất khả quan.

Với những người cao tuổi, huyết áp cao, nhiều bệnh lý nền... không thể gây mê phẫu thuật. Nội soi điều trị viêm TMT thực sự là giải pháp tốt nhất để điều trị căn bệnh này.

Người bệnh thấy triệu chứng đau vùng má, mang tai tái đi tái lại thì nên đi khám để điều trị đúng và kịp thời.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Hương Giang thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận