Việt Nam sẽ tiếp cận và cung ứng sớm vắc-xin Covid-19

GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ y tế đã khẳng định như thế tại Hội thảo giới thiệu vắc-xin phòng chống Covid-19 tại Việt Nam vừa diễn ra ngày 30/9.

 

Ngày 30/9, Bộ Y tế cùng với tổ chức PATH và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức Hội thảo giới thiệu vắc-xin phòng chống Covid-19 tại Việt Nam với sự tham gia của các nhà lãnh đạo và đại diện từ các Bộ, ngành liên quan của chính phủ, các cơ quan quản lý quốc gia, các viện quốc gia và chương trình tiêm chủng, các cơ quan liên quan trong nước và quốc tế để thảo luận, chia sẻ về việc chuẩn bị sử dụng vắc-xin phòng chống Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam. Hội thảo có sự tham dự của Ngài Dominic Raab, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Bằng việc triển khai sớm các biện pháp can thiệp hiệu quả với chi phí thấp, công cuộc phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã nhận được sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Theo đó, Việt Nam đã duy trì được số ca mắc và tử vong do Covid-19 ở mức thấp. Việt Nam cũng đang song song xây dựng các chính sách và quy định để hỗ trợ việc tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc-xin được thực hiện nhanh chóng ngay khi có vắc-xin Covid-19.

Toàn cảnh Hội nghị.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức PATH và hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Vương quốc Anh, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo triển khai sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam vào tháng 7 nhằm thống nhất về chủ trương, nguyên tắc và kế hoạch triển khai các hoạt động nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký sử dụng vắc-xin COVID-19 trong tình trạng y tế khẩn cấp.

“Do tình huống đặc biệt mà chúng ta đang phải đối mặt với Covid-19, điều đặc biệt quan trọng là các nhà sản xuất vắc-xin và cơ quan quản lý hiểu và đồng thuận với các cơ chế, chính sách và quy định phù hợp để hướng tới việc phát triển vắc-xin Covid-19 trong thời gian sớm nhất mà vẫn đảm bảo tính an toàn và hiệu quả” ông Vũ Minh Hương, Cố vấn Kỹ thuật Khu vực, Trung tâm Sáng kiến và Tiếp cận Vắc-xin, tổ chức PATH cho biết.

Phát biểu tại Hội thảo, Ngài Raab nhấn mạnh: “Việc hợp tác giữa các nhà khoa học của Anh và Việt Nam sẽ bảo vệ công dân của hai nước, đồng thời ngăn chặn làn sóng thứ hai của dịch bệnh trên toàn cầu đang đe dọa đến tất cả chúng ta. Vương quốc Anh đang nỗ lực góp phần vào công cuộc đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới”. Vương Quốc Anh đã cam kết hỗ trợ 50 triệu bảng để hỗ trợ các nước ASEAN ứng phó với Covid-19. Khoản đóng góp này bao gồm cả 6,3 triệu bảng mới được cam kết để củng cố hệ thống y tế và phục hồi kinh tế trong khu vực ASEAN. Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Anh tại TP. Hồ Chí Minh duy trì và phát triển mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Năm nay, hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược và sẽ tiếp tục hợp tác trong nhiều lĩnh vực bao gồm lĩnh vực y tế.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bô trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các nhà sản xuất, các cơ quan nghiên cứu và các quốc gia đang ưu tiên và nỗ lực hết mình “chạy đua” trong việc nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh Covid-19 để có thể cung ứng sớm nhất cho thị trường, góp phần trong công cuộc ngăn chặn, khống chế, kiểm soát dịch bệnh và đưa cuộc sống trở về bình thường. Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến ngày 24/9/2020, có 187 loại vắc-xin Covid-19 đang triển khai nghiên cứu trên toàn thế giới, trong đó có 38 vắc-xin đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng (9 vắc-xin thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III; 3 vắc-xin trong giai đoạn II; 26 loại đang triển khai hoặc chuẩn bị triển khai giai đoạn I), 149 loại đang trong quá trình nghiên cứu tiền lâm sàng.

“Nhân dịp này, thay mặt Bộ Y tế, tôi xin chúc mừng Vương quốc Anh, các bạn đã đạt được bước tiến dài trong việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19. Chúng tôi rất vui mừng khi biết rằng vắc-xin do các bạn sản xuất đang trong quá trình hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và gần đến “vạch đích” đảm bảo cung ứng cho thị trường quốc tế. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Anh với quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ, lâu dài trong những năm qua có thể trao đổi và đạt được thỏa thuận trong việc cung ứng vắc-xin”, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Về phía Việt Nam, nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của việc sử dụng vắc-xin trong phòng, chống Covid-19, Bộ Y tế cũng đã chủ động triển khai các hoạt động về nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước cũng như tăng cường tiếp cận các vắc-xin trên thế giới, cụ thể: Việt Nam là một trong 92 quốc gia tham gia chương trình “Giải pháp tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu” (COVAX Facility) và được GAVI COVAX AMC cam kết hỗ trợ.

“Với mục tiêu cung ứng 2 tỷ liều vắc-xin vào cho các quốc gia vào cuối năm 2021 cho khoảng 20% dân số của các quốc gia thành viên của COVAX Facility, Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận và được cung ứng sớm các vắc-xin trong danh mục của COVAX AMC”, GS.TS Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Là một trong 42 quốc gia có thể sản xuất vắc-xin trên thế giới, hiện nay, Việt Nam cũng đang thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vắc-xin để có vắc-xin “made in Viet Nam” cho người Việt Nam. Bộ Y tế đã chỉ đạo các nhà sản xuất trong nước tăng cường các hoạt động nghiên cứu sản xuất vắc-xin. 04 nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam là Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) và Công ty TNHH MTV Vắc-xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN đang nỗ lực, tập trung các nguồn lực nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19, dự kiến trong năm 2021 sẽ có ít nhất một nhà sản xuất tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II, III tại Việt Nam.

Ngoài 2 nguồn cung ứng vắc-xin có thể có (COVAX Facility) và nguồn vắc-xin sản xuất trong nước nêu trên, Việt Nam cũng tích cực tìm kiếm các nguồn vắc-xin khác thông qua tiếp cận, trao đổi trực tiếp với các nhà sản xuất nước ngoài. Bệnh cạnh đó, Bộ Y tế cũng chuẩn bị các căn cứ pháp lý để thúc đẩy các thủ tục thử nghiệm, cấp phép đăng ký lưu hành đối với vắc-xin Covid-19. Ngoài ra, để đảm bảo kịp thời đưa vào sử dụng vắc-xin Covid-19, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vắc-xin Covid-19 trong đó Việt Nam mong muốn có thể sử dụng vắc-xin Covid-19 cho toàn bộ người dân Việt Nam./.

PV

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận