Bệnh to viễn cực tiến triển từ từ và thầm lặng nên khi được chẩn đoán và phát hiện thường người bệnh đã có dấu hiệu thay đổi về diện mạo, sức khỏe.
Bệnh tiến triển âm thầm
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh: Bệnh to viễn cực (hay còn gọi là to đầu chi) thường được gây ra bởi tuyến yên quá sản hormone tăng trưởng (GH). Quá nhiều GH gây ra quá sản xương và các mô mềm trong cơ thể. Trong hơn 95% các trường hợp sản xuất dư thừa là do một khối u lành tính, được gọi là u tuyến yên. Trong các loại u tuyến yên thường gặp thì GH chỉ chiếm khoảng 15%.
Triệu chứng ban đầu thường là bàn tay và bàn chân to ra; Cũng có thể có sự nở rộng của trán, hàm và mũi. Các triệu chứng khác có thể bao gồm đau khớp, da dày hơn, giọng nói trầm hơn, đau đầu và các vấn đề về thị lực, nội tiết tố. Nếu không được chữa trị, bệnh sẽ gây biến chứng nguy hiểm như: tiểu đường, ngưng thở khi ngủ, suy chức năng tuyến yên, huyết áp cao…
U tuyến yên này phát triển rất từ từ và lặng thầm cho nên người bệnh không thể nhận biết được. Đến khi có sự thay đổi về diện mạo, hình dáng như: cơ thể to, thô do quá phát dày và to ra của mô mềm và có khuôn mặt đặc biệt như trán dô, mũi to, môi dày, cằm bạnh ra; Lồng ngực hình thùng, xương ức nhô; Hoặc thay đổi về ngọn chi như: bàn tay bàn chân dày to hơn so với người thân trong gia đình, ngón chân ngón tay phình to ra làm người bệnh phải tăng cỡ nhẫn, giày, dép.
Những triệu chứng lâm sàng thường diễn biến âm thầm, từ từ và xảy ra trước khi chẩn đoán nhiều năm (trung bình 7 - 10 năm). Chính vì vậy khi phát hiện thường u to - Đây cũng là giai đoạn xuất hiện những dấu hiệu ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bệnh to viễn cực.
Cách đây 12 năm, bà L.T.T (60 tuổi, ở Hàm Yên, Tuyên Quang) được phát hiện có khối u tuyến yên nhưng bà không dám đụng dao kéo mà chỉ uống các loại thuốc đông tây y. Thấy thân hình cứ to dần, diện mạo thay đổi, da dày, giọng nói ồm, tay chân phù ngày càng nặng, cơ thể mệt mỏi, mất dần sức lao động… bà nghĩ bệnh của mình đã quá nặng, chỉ nằm chờ chết.
“Năm 31 tuổi tôi bị mất kinh, đi khám thì bác sĩ bảo tôi rối loạn kinh nguyệt và mãn kinh sớm. Trước đây tôi vẫn lên núi hái chè, nhưng từ ngày phát hiện khối u, sức khỏe sa sút dần, tôi mất sức lao động mấy năm rồi. Chồng tôi phải đi làm thuê để lấy tiền cho tôi chữa bệnh. Giờ đây, chân tôi như người liệt, đi lại khó khăn, gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh điều trị thì bác sĩ cho chuyển ngay đến Bệnh viện Việt Đức để mổ vì khối u to quá”, bà T vui mừng nói.
Cần phát hiện để điều trị sớm
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, người bệnh to viễn cực có khuôn mặt na ná nhau và có nhiều biểu hiện bệnh khác nhau. Có người bị đau xương khớp cứ nghĩ mình bị vôi hóa sớm; Có người vô kinh thì cứ nghĩ rối loạn kinh nguyệt… “Có bệnh nhân gặp chuyện khó nói về tình dục và hiếm muộn thì cứ đi khám và điều trị ở nam học nhưng chẳng có kết quả; Hoặc có bệnh nhân bị mất thị lực lại đến viện mắt để khám mà không biết đấy là do ảnh hưởng của khối u tuyến yên chèn ép vào các dây thần kinh. Đặc biệt, có bệnh nhân thời học sinh có khuôn mặt rất đẹp trai, nhưng khi trưởng thành thì khuôn mặt lại vuông, cằm bắt đầu bạnh ra, môi dày, mũi to, trán dô… Bệnh nhân này 40 tuổi được chẩn đoán bị bệnh to viễn cực là vì tai nạn xe máy, chấn thương đầu, phải chuyến đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Lúc này, bệnh nhân chụp chiếu mới phát hiện ra u não. Sau phẫu thuật, mỗi năm tái khám 1 lần, đến nay, bệnh nhân không phải dùng bất cứ một loại thuốc nào”, PGS.TS Đồng Văn Hệ nêu dẫn chứng.
“Một số trường hợp u não đặc biệt có những biểu hiện dễ nhận thấy như u tuyến yên tăng tiết nội tiết tố tăng trưởng (nội tiết tố GH) làm rối loạn sự phát triển. Chi của người bệnh to dần, ngón tay và ngón chân to, trán dô, mũi to, cằm bạnh, da thô... loại u này phát triển chậm, người bệnh không nhận thấy sự thay đổi đó”, PGS.TS Đồng Văn Hệ cảnh báo. |
PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết, người bệnh u tuyến yên có nhiều biểu hiện bệnh khác nhau, do vậy trước tiên người bệnh cần gặp bác sĩ để khám và tư vấn. Vì hình ảnh khối u to ra nhưng bệnh nhân vẫn ăn được, ngủ được và làm việc được, đôi khi chỉ có biểu hiện đau một chút, người bệnh chỉ uống thuốc giảm đau rồi làm việc tiếp. Cũng bởi tâm lý ngại đến bệnh viện vì sợ tốn tiền, mất thời gian, nên họ vẫn cố gắng làm việc mà không nghĩ rằng nếu bệnh để muộn sẽ thiệt hại nhiều đến tiền của và sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Do vậy, người dân có bất kỳ dấu hiệu bất thường về hình thể, diện mạo và sức khỏe, cần được khám để được phát hiện sớm bằng xét nghiệm nội tiết tuyến yên, chụp cộng hưởng từ não hoặc chụp cắt lớp não. Bởi cho dù bác sĩ có giỏi, có phương tiện hiện đại đến mấy thì vấn đề cốt lõi vẫn là bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm. Với khối u nhỏ thì kết quả phẫu thuật sẽ triệt để, ít tai biến.
“Tùy từng kích cỡ khối u chúng tôi áp dụng mổ nội soi hay mổ mở. Hiện nay, mỗi năm Bệnh viện Việt Đức mổ 400-500 ca khối u tuyến yên, trong đó bệnh to viễn cực chiếm 15%. Với khối u nhỏ thì tỷ lệ thành công trên 90% tử vong dưới 1%. Với khối u to, khả năng thành công chỉ 60-70% vì khi ấy phẫu thuật chỉ có thể giải quyết việc cắt dải chèn ép để khỏi chết người, tránh mù mắt, khỏi suy tuyến yên nặng…”, PGS.TS Đồng Văn Hệ lưu ý./.
Lưu Hường