Các nhà nghiên cứu y học Australia đang lo ngại về khả năng các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng có nguy cơ mắc bệnh Parkinson sau 5 năm. Nhận định ban đầu này được các chuyên gia y tế đưa ra sau khi phát hiện bệnh nhân Covid-19 có một số biểu hiện tương tự của các triệu chứng ban đầu ở những người mắc Parkinson.
Các nhà khoa học Australia đang tiến hành các nghiên cứu để tìm hiểu về khả năng bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Trong nghiên cứu gần đây, các chuyên gia y tế nhận thấy rằng virus SARS-CoV-2 có thể xâm nhập các tế bào não, gây ra các triệu chứng như mất khứu giác, thiếu oxy lên não và sau đó có thể gây thoái hóa hệ thần kinh của các bệnh nhân Covid-19.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học thần kinh và sức khỏe tâm thần Florey, có trụ sở tại thành phố Melbourne, Australia, trong giai đoạn đầu của bệnh Parkinson, khoảng 90% bệnh nhân bị mất khứu giác, tương tự triệu chứng của các bệnh nhân Covid-19 hiện nay.
Giáo sư Kevin Barnham của Viện Florey cho rằng, bệnh Parkinson phát triển khá chậm và người mắc Covid-19 có thể phát bệnh này sau ít nhất 5 năm. Vì vậy số người mắc Parkinson có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040 do những hậu quả tiềm ẩn của Covid-19 và căn bệnh này sẽ ngấm ngầm ảnh hưởng đến 80.000 người dân Australia. Giáo sư Barnham cũng cho biết, dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã để lại hậu quả với các bệnh liên quan đến thần kinh và số bệnh nhân mắc Parkinson sau khi dịch bệnh kết thúc đã tăng từ 2-3 lần.
Hiện nhóm nghiên cứu của giáo sư Barnham đang thúc đẩy một chương trình tầm soát Parkinson quốc gia nhằm phát hiện sớm các trường hợp có các triệu chứng của bệnh này như mất khứu giác, lo lắng và trầm cảm. Theo giáo sư Barnham, chương trình này sẽ cần 5-10 triệu AUD, một con số khá nhỏ so với mức chi phí 10 tỷ AUD để điều trị bệnh Parkinson mỗi năm. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh Parkinson có thể sẽ phát triển chậm, thậm chí có thể được ngăn chặn./.
Hữu Tiến/VOV-Australia