Lưu ý chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà

Việc bù nước điện giải giai đoạn đầu của sốt xuất huyết rất quan trọng, nó ảnh hưởng rất lớn tới kết quả điều trị cũng như tiên lượng của bệnh.

 

Khi bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu thì việc chăm sóc người bệnh tại nhà đúng cách sẽ giảm nguy cơ biến chứng và hạn chế những bất lợi của bệnh.

Không để dịch chồng dịch

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố và thường tăng cao vào các tháng mùa mưa. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 65.046 trường hợp mắc SXH, 7 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2019 số ca mắc giảm 65,6%, số ca tử vong giảm 32 trường hợp. Tuy nhiên theo diễn biến chu kỳ dịch hàng năm, thời điểm hiện tại đang là mùa mưa số mắc có xu hướng gia tăng.

Theo TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, SXH là căn bệnh truyền nhiễm lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn Aedes Aegypti. Hiện vẫn chưa có vắc-xin dự phòng và thuốc điều trị bệnh đặc hiệu. Do vậy người dân không nên chủ quan, lơ là, đặc biệt trong giai đoạn hết giãn cách xã hội, việc tập trung đông người là điều kiện thuận lợi để dịch chồng dịch.

Bệnh SXH thường xảy ra qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, nguy hiểm và phục hồi. Ở giai đoạn đầu của SXH (khoảng 3 ngày), thường người bệnh có triệu chứng sốt cao, có thể điều trị ở nhà. Và cũng là mục đích nhằm tránh nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện, nhất là trong mùa dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường. Nhưng từ 3-7 ngày tiếp theo, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Đây chính là giai đoạn nguy hiểm, người bệnh cần đến cơ sở y tế theo dõi và điều trị đề phòng những biến chứng xảy ra. Ở giai đoạn phục hồi (sau ngày thứ 7), lúc này người bệnh đã tạo ra kháng thể đào thải virus.

TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh thăm khám và tư vấn cho người bênh.

Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân (BN) thường sốt cao, dẫn đến mất nước, vì vậy người bệnh cần được nghỉ ngơi ở môi trường thoáng mát hoặc phòng điều hòa và theo dõi sát sao để hạ sốt và bù nước đúng cách. Khi BN sốt 38,5 độ thì người nhà cho BN uống parcetamol đúng chỉ định để hạ sốt kết hợp các biện pháp cơ học như nới lỏng quần áo, mặc quần áo thoáng mát, dùng nước ấm lau các vị trí như bẹn, nách, các nếp gấp và lau toàn bộ cơ thể, nước bốc hơi sẽ giúp cơ thể tỏa nhiệt nhanh.

“Liều lượng paracetamol nên sử dụng là 10-15mg/kg thể trọng/lần và không quá 4 lần trong 1 ngày. Vì khi mắc SXH, virus “đánh” vào gan, nếu dùng paracetamol quá liều sẽ gây tổn thương gan trầm trọng. Tuy nhiên với trường hợp sốt cao quá thì có thể dùng thêm thuốc an thần có nguồn gốc từ thực vật, nhưng tuyệt đối không được sử dụng Aspirin hoặc Ibuprofen để hạ sốt”, TS Nguyễn Đăng Mạnh lưu ý.

Cần khám để được bác sĩ tư vấn kịp thi

TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh cho biết, với SXH, người bệnh thường sốt cao 3-4 ngày đầu kèm đau mỏi khắp người nên không muốn ăn uống. Nếu không biết cách bù nước có thể xảy ra biến chứng ở giai đoạn nguy hiểm như giảm tiểu cầu, máu cô do tăng tính thấm thành mạch, gây thoát huyết tương. Nếu bị thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc. Đồng thời có dấu hiệu xuất huyết như: xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng, xuất huyết ồ ạt do giảm tiểu cầu. Nếu không được theo dõi, bù dịch, truyền khối tiểu cầu có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Vì vậy, người bệnh cần ăn những thức ăn dễ tiêu và quan trọng nhất là bù nước. Ngoài sữa, nước canh, nước cháo, mỗi ngày BN cần bổ sung nước tối thiểu 3-3,5 lít. Đầu tiên là oresol, sau đó là nước cam, nước chanh, nước dừa… Những loại nước này có tác dụng bù nước điện giải và vitamin tăng cường sức đề kháng, giúp bảo vệ thành mạch và làm tình trạng bệnh sớm được cải thiện hơn.

“Oresol phải pha đúng liều lượng, vì pha không đúng sẽ gây rối loạn các chức năng và rất nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Chẳng hạn, nếu pha đặc quá sẽ thừa kali, natri gây rối loạn tim mạch nặng nề, teo não, phù não, hôn mê”, TS Mạnh khuyến cáo.

TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh cũng cho biết, bù nước điện giải giai đoạn đầu rất quan trọng, nó ảnh hưởng rất lớn tới kết quả điều trị cũng như tiên lượng của bệnh. Nếu bù dịch tốt, BN sẽ tránh được mất nước, giảm được biến chứng của bệnh và làm hạn chế những bất lợi ở giai đoạn nguy hiểm của bệnh. Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn đầu của SXH, còn giai đoạn nguy hiểm tiếp theo thì BN cần lưu ý để bác sĩ theo dõi chặt chẽ hơn. Do vậy, BN cần được khám để bác sĩ chỉ định có nên theo dõi tiếp ở nhà hay phải nhập viện. Đặc biệt, ở ngày thứ 5, 6, 7 là chuyển sang giai đoạn tái hấp thu dịch vào mạch máu. Nếu bù nước quá nhiều sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không được tự ý truyền dịch tại nhà./.

Lưu Hường

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận