Nga có vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới:

  • 12/08/2020 10:00:00
  • Hoàng Phạm - Quỳnh Trâm
  • Sống khỏe
  • 0

Việc Nga trở thành nước đầu tiên có vaccine ngừa Covid-19 được dư luận thế giới quan tâm.

 

Nga phản bác sự ngờ vực

Việc Nga trở thành nước đầu tiên có vaccine ngừa Covid-19 được dư luận thế giới quan tâm, bởi một loại vaccine như vậy không chỉ hứa hẹn chấm dứt đại dịch toàn cầu mà còn mở ra con đường khôi phục nền kinh tế.

Sau gần nửa năm chiến đấu với dịch Covid-19, một tia hy vọng thực sự đã xuất hiện khi Nga tuyên bố đăng ký vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên. Tuy nhiên, thông tin này lại không được báo chí phương Tây đón nhận một cách tích cực, thậm chí còn bị hoài nghi về tính an toàn và hiệu quả.

Nhiều người cho rằng, vaccine ngừa Covid-19 của Nga thiếu các dữ liệu công khai liên quan tới việc thử nghiệm trên người và việc thử nghiệm cũng ở quy mô nhỏ với 76 người, chưa tính các thành viên của Viện Nghiên cứu Gamaleya, những người đã nghiên cứu loại vaccine này. Các thành viên của Viện Gamaleya tin tưởng vào tính hiệu quả của vaccine Sputnik V và đã tình nguyện tiêm loại vaccine này.

Sự nghi ngờ của một số chuyên gia được truyền thông phương Tây dẫn lời làm dấy lên câu hỏi trong giới y khoa - những người đang rất tích cực tham gia vào việc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 và có hy vọng cao vào vaccine ngừa bệnh.

Sergei Tsarenko, Phó trưởng khoa gây mê và hồi sức tại bệnh viện thành phố Moscow 52 cho biết, hiện nay, các y bác sỹ đang tìm mọi cách để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, nhưng chủ yếu tập trung vào các ca bệnh nặng. Trong trường hợp này, vaccine ngừa bệnh là một biện pháp an toàn và đáng tin cậy để tránh tình trạng tử vong do dịch bệnh, tránh sức ép cho các bệnh viện, và việc loại vaccine Covid-19 do Viện Nghiên cứu Gamaleya phát triển là đáng tin cậy.

“Cho tới nay, sự kháng bệnh chỉ có thể hình thành ở những người đã từng mắc bệnh và đã phục hồi. Nhưng giờ đã có một lựa chọn an toàn hơn -  đó là chủng ngừa. Có một loại vaccine an toàn và hiệu quả do các chuyên gia của Viện Gamaleya tạo ra. Trong cộng đồng vi trùng học, viện Gamaleya được ví như “Mercedes” trong ngành công nghiệp ô tô vậy”, ông Tsarenko nói.

Vaccine Sputnik V có 2 thành phần kết hợp với nhau có thể xây dựng hệ miễn dịch trong dài hạn nhằm chống lại virus SARS-CoV-2. Đợt thử nghiệm lâm sàng vaccine bắt đầu hôm 18/6. Tất cả những người tham gia đều phát triển hệ miễn dịch với nhóm thứ nhất được xuất viện hôm 15/7 và nhóm thứ 2 xuất viện hôm 20/7.

Theo ông Tsarenko, câu hỏi hiện nay không phải là Sputnik V có an toàn và hiệu quả không mà là vì sao nó lại được truyền thông phương tây đón nhận một cách tiêu cực như vậy. Ông cũng đặt câu hỏi là ai đang bảo trợ cho các “chuyên gia độc lập” mà các báo trích dẫn với sự nghi ngờ đối với vaccine của Nga. Ông Tsarenko cho rằng, sự ngờ vực đó sẽ là rào cản đối với tất cả các bác sĩ tham gia trực tiếp vào việc điều trị các bệnh nhân Covid-19 và những người mong mỏi vào điều sẽ giúp chấm dứt đại dịch toàn cầu càng sớm càng tốt.

Ảnh: RDIFChuyên gia Việt Nam nhận định thế nào?

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Nhiệt đới lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa tìm ra thuốc kháng virus SARS-COV-2 và việc tìm ra vaccine được coi là chìa khoá để ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Dù khoa học công nghệ hiện nay phát triển, rút ngắn nhiều công đoạn trong quá trình phát triển vaccine, nhưng con người vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được quá trình này. Hiện có hàng trăm ứng cử viên tham gia chạy đua nghiên cứu vaccine COVID-19 với hàng chục loại bắt đầu thử trên người.

Đến nay vẫn chưa có kết quả công bố nào thực sự thuyết phục về hiệu quả và tính an toàn của vaccine COVID-19 để có thể khuyến nghị cộng đồng sử dụng. Ông Thái cho rằng, vaccine của Nga cũng tương tự như vậy.

Theo bác sĩ Thái, một vaccine muốn lưu hành trên thị trường và được các nước công nhận sử dụng, nhà sản xuất vaccine phải chứng minh được tính hiệu quả cũng như tính an toàn của vaccine.

Còn chuyên gia dịch tễ học và di truyền loãng xương - giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - nghiên cứu viên chính tại viện Garvan, Úc cho biết hiện có hơn 150 nhóm trên thế giới nghiên cứu tìm vaccine COVID-19. Nhưng đến đầu tháng 8/2020 thì chỉ có 8 “ứng viên” được thử nghiệm lâm sàng trên người.

8 ứng viên đó là mRNA-1273 của Moderna (Mỹ), Inovio (Mỹ), ChAdOx1 nCoV-19 của ĐH Oxford (Anh), ĐH Queensland (Úc), Ad5-nCoV của Trung Quốc, và của các tập đoàn Johnson & Johnson, Sanofi, và Pfizer.

Vaccine COVID-19 không thể phát triển nhanh bởi bất cứ vaccine nào cũng giống như thuốc đều phải trải qua 4 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, vaccine được tiêm cho một số ít người khoẻ mạnh và một số bệnh nhân. Mục đích là xem xét có phản ứng phụ hay không, và xác định liều lượng thích hợp.

Giai đoạn 2, vaccine được tiêm cho hàng trăm người bị nhiễm. Mục đích của giai đoạn này là đánh giá hiệu quả và an toàn của vaccine.

Giai đoạn 3, đây là giai đoạn quan trọng nhất, và có hàng ngàn người tham gia. Một số người sẽ được tiêm vaccine, một số được tiêm giả dược hay một loại thuốc hiện hành. Mỗi người phải được theo dõi vài tháng, có khi vài năm.

Nghiên cứu giai đoạn này có thể kéo dài từ 1 - 5 năm. Dữ liệu từ giai đoạn này là chứng cớ khoa học để FDA phê chuẩn hay bác bỏ vaccine.

Giai đoạn 4, sau khi vaccine đã được phê chuẩn và bán ra thị trường, công ty vẫn phải theo dõi hiệu quả của vaccine để ghi nhận các biến chứng và phản ứng phụ.

Một vaccine từ khi nghiên cứu, thử nghiệm, công bố và đưa ra thị trường thì phải tốn 10-15 năm, hay ngắn nhất cũng là 4 năm. Dịch COVID-19 dù có nới lỏng quy định và vaccine sẽ đến bệnh nhanh hơn thì cũng phải 2 năm.

Theo vị chuyên gia, ngay cả khi vaccine vào đến giai đoạn 3 của thử nghiệm, vẫn có nguy cơ thất bại. Vì vậy rất khó có thể có vaccine trong năm 2020.

Hoàng Phạm - Quỳnh Trâm

 

Bình luận

    Chưa có bình luận