Những điều cần lưu ý với chủng SARS-CoV-2

GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, chủng virus đợt này là một biến thể của SARS-CoV-2 đợt trước. Đây là một cảnh báo rất đáng lo ngại.

 

Làn sóng tái bùng phát Covid-19 tại Việt Nam mà các chuyên gia cảnh báo virus gây bệnh có sự biến đổi khiến người dân không khỏi lo lắng.

Tốc độ lây lan nhanh của chủng virus mới

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia gần đây, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã cảnh báo: Đợt dịch Covid-19 lần này, virus gây bệnh có sự biến đổi làm cho tốc độ lây lan nhanh hơn rất nhiều so với trước đây. Trung bình 1 bệnh nhân lây cho từ 5 - 6 người khác và ở một số nơi lần đầu tiên ghi nhận trường hợp F2 bị dương tính chiếm gần 60%.

Các nhân viên xét nghiệm làm việc xuyên đêm tại CDC Đà Nẵng.

Việc đối phó với Covid-19 tại tâm dịch Đà Nẵng căng thẳng và phức tạp hơn những đợt dịch trước đây. Qua phân tích các yếu tố dịch tễ của các chuyên gia cho thấy sự lây lan, bùng phát từ ổ dịch lớn nhất là Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng nhanh hơn rất nhiều so với ổ dịch trước đây tại Bệnh viện Bạch Mai. Cũng qua giải trình tự gene của chủng virus mới tại Đà Nẵng và Hà Nội cho thấy có sự biến đổi làm cho tốc độ lây nhiễm nhanh hơn rất nhiều. Nếu như ở đợt dịch trước, trung bình 1 bệnh nhân Covid-19 lây cho 1,8 - 2,2 người khác thì nay với chủng virus mới này, 1 ca bệnh đã lây cho từ 5 - 6 người khác.

Qua những ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam… các chuyên gia dịch tễ nhận định, phân tích đánh giá về mẫu gene, chủng virus SARS-CoV-2 gây bệnh ở những bệnh nhân mới là chủng virus mới, có khả năng lây lan nhanh gấp nhiều lần, khác hẳn 5 chủng đã ghi nhận ở Việt Nam trước đây.

“Số lượng bệnh nhân sẽ còn tăng lên và đến đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới. Chúng ta không thể chủ quan mặc dù công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch đã được thực hiện hết sức quyết liệt. Tuy nhiên qua phân tích sự lây nhiễm của virus, ngành y tế khuyến cáo trong 10 ngày tới người dân cần hết sức cẩn thận và thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh; việc truy vết, điều trị bệnh nhân nặng và các khuyến cáo đến với người dân tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại TP. Đà Nẵng vẫn phải được thực hiện một cách quyết liệt”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Tuấn Dũng)

Quan trọng vẫn là phòng bệnh

GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nhấn mạnh, chủng virus đợt này là một biến thể của SARS-CoV-2 đợt trước. Đây là một cảnh báo rất đáng lo ngại.

Thứ nhất, như quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã cảnh báo đây là chủng mới, biến thể nhanh, độc lực mạnh và lây lan rất nhanh. Và trên thực tế chúng ta đã thấy điều đó. Ngay ca đầu tiên xuất hiện ở Đà Nẵng thì đã có trên dưới 1.000 người có liên quan và ca sau cũng thế. Đến nay, con số đó lên đến hàng chục vạn người, và đã có gần 8 ca tử vong. Con số bị nhiễm đợt này cũng rất nhiều, so với đợt bùng phát trước đây.

Thứ hai, là đợt này lây lan cho bệnh nhân ngay tại các bệnh viện rất nhiều - đa số họ đều có bệnh nền nặng, vì vậy khi nhiễm SARS-CoV-2 thì tình trạng chuyển xấu rất lớn.

Thứ ba, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi tạo ra các biến thể mới. Do biến thể liên tục, lại lây lan mạnh dẫn đến hậu quả là số ca mắc sẽ gia tăng gấp nhiều lần.

“Để chống lại những mối đe dọa từ bên ngoài, các loại virus, thì cơ thể chúng ta sẽ huy động các tế bào để tìm và diệt thủ phạm gây nguy hiểm. Khi có đủ kháng thể, cơ thể sẽ tránh được nguy cơ nhiễm lại cùng loại virus đó, gọi là sự miễn dịch. Nhưng nghiên cứu chỉ ra khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 không phải là điều luôn tồn tại và có thể mất đi sau một thời gian không lâu, giống như khả năng miễn dịch của cơ thể người với virus cúm. Do vậy, phòng bệnh quan trọng hơn chống bệnh”, GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí.

GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí.

GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: “Sự biến chủng của virus là hết sức tự nhiên, bởi đó là bản chất của các loại virus nói chung.Trên thế giới, SARS-CoV-2 liên tục sản sinh biến thể mới kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, đã có hàng trăm chủng trên thế giới. Ở Việt Nam đã phát hiện chủ yếu là 6 chủng. Do vậy, để tránh nguy cơ lây lan cộng đồng, ngoài các biện pháp quyết liệt như khoanh vùng, phong tỏa, cách ly, truy vết, xét nghiệm, điều trị, thì người dân vùng nguy cơ cao về dịch bệnh cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo của Bộ Y tế như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, thực hiện giãn cách xã hội là những biện pháp hữu hiệu nhất”.

GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí cũng cho biết vừa qua Chính phủ quyết định chỉ đạo rất kịp thời việc kích hoạt để truy tìm dấu vết. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt hơn nữa còn phụ thuộc rất lớn vào sự thành thật khai báo và ý thức của mỗi công dân. Dù chúng ta đã có kinh nghiệm rất tốt về phòng chống Covid-19, nhưng do đợt này là chủng mới nên bây giờ cũng còn hơi sớm để nói tác động của nó tới mức nào, kể cả việc điều trị… Vì vậy, lúc này ý thức của mọi người, của nhân dân và cộng đồng phải nâng cao hơn nữa. Việc cần nhớ là phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh. Cụ thể là rửa tay, đeo khẩu trang, hạn chế gặp gỡ, tụ tập đông người và thực hiện giãn cách xã hội; đẩy mạnh truyền thông giáo dục để ngăn chặn người thâm nhập qua biên giới, đường du lịch và tụ tập đông người không đeo khẩu trang…

“Người dân không được hoang mang, nhưng cũng không chủ quan,  mà phải chủ động, xác định là kiên trì phòng chống đại dịch Covid-19”, GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí khuyến cáo./.

Hương Giang

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận