Ngăn chặn biến chứng nguy hiểm từ bệnh tay chân miệng

Các chuyên gia cảnh báo TCM là bệnh có thể gây thành dịch lớn và có nhiều biến chứng nguy hiểm.

 

Thời tiết nắng nóng trên diện rộng khiến trẻ nhập viện do mắc tay chân miệng (TCM) tăng 5-6 lần cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia cảnh báo TCM là bệnh có thể gây thành dịch lớn và có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Cảnh báo gia tăng trẻ nhập viện do mắc TCM

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh TCM  là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi-rút đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Bệnh TCM là bệnh có thể gây thành dịch lớn, có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm.

ảnh minh họa: KT

Theo thống kê của Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Nhi Trung ương, tính từ đầu năm đến nay, BV đã tiếp nhận hơn 300 ca mắc TCM. Chỉ tính riêng 2 tháng 6 và 7, số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh này đã tăng 5-6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 30-50 bệnh nhân (BN). Các BN chủ yếu ở Hà Nội.

Còn tại BV Xanh Pôn (Hà Nội), thời gian gần đây có sự gia tăng đột biến bệnh nhi TCM nhập viện. Đặc biệt từ cuối tháng 6 đến nay, trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận 4-8 ca mức độ nặng nhập viện. Ths.Bs Nguyễn Thị Hồng Nhân, Trưởng khoa Nhi tiêu hóa, dinh dưỡng, truyền nhiễm cho biết, vi-rút này xuất hiện quanh năm nhưng từ tháng 3-4 đã ghi nhận ca mắc rải rác, và thường số ca mắc đỉnh điểm vào mùa hè (tháng 5-7) nhưng cũng có năm ghi nhận số ca mắc ồ ạt vào tháng 10-11.

Bệnh TCM chia ra 5 cấp độ. Với mức độ nhẹ (độ 1) sẽ được điều trị tại nhà. Khi ấy bác sĩ sẽ tư vấn cho cha mẹ cách nhận biết dấu hiệu cảnh báo mức độ nặng hơn. “Ở mức độ 2a trở lên trẻ thường sốt kéo dài trên 38 tiếng, sốt 39 độ trở lên hoặc có nhưng cơn giật mình liên tục, run chân tay và đi loạng choạng… cần được theo dõi mạch có nhanh hay không, có hội chứng não kéo theo hay không, hoặc có bất kỳ bất thường khác cần điều trị cao hơn. Nếu tần suất chuyển sang mức độ cao hơn chúng tôi phải chuyển trẻ sang khoa hồi sức cấp cứu để được xứ lý kịp thời”, Ths.Bs Nguyễn Thị Hồng Nhân cho hay.

Ths.Bs Nguyễn Thị Hồng Nhân.

“Khi trẻ bị TCM bắt buộc phải nghỉ học và cách ly ít nhất 10 ngày. Đây là bệnh dễ phòng, cha mẹ không quá lo ngại. Khi phát hiện con mắc TCM nên khám để được chẩn đoán và phân độ, từ đó có cách chăm sóc tốt hơn, giúp trẻ phục hồi nhanh”, Ths.Bs Nguyễn Thị Hồng Nhân.

Cháu trai H.Đ.G (4 tháng tuổi, ở Hà Đông) bị TCM nhưng chị Dung (mẹ cháu) không biết vì chỉ thấy nổi mẩn đỏ mỗi phần bụng, đùi và cứ nghĩ con ấm đầu là do tiêm phòng. Nhưng hôm sau những nốt này mọc lên nhanh, chị Dung vội cho con đến BV Xanh Pôn khám thì phải nhập viện luôn. “Dù cách ly rất tốt ở nhà nhưng tầng chung cư tôi đang ở có rất nhiều bé bị TCM nên thấy con sốt qua một ngày tôi cho con đi khám ngay. Cũng may con chưa bị biến chứng và ăn ngủ tốt”, chị Dung cho hay.

Tuy nhiên bé N.D.L (25 tháng tuổi, Hà Nội) được chuyển đến Trung tâm bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi Trung ương khi bệnh đã ở ngày thứ 4, da vùng đùi 2 bên của bé rải rác nhiều mụn nước đã khô. Xét nghiệm cho thấy bé L mắc TCM độ 2a.

Cách nhận biết và phòng tránh

TS.BS Nguyễn Văn Lâm cho biết, bệnh TCM tuy có diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng; Tổn thương ở da: rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…

Một bệnh nhi mắc tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (ảnh: KT)

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Trong trường hợp gia đình có trẻ mắc TCM cần đảm bảo: Thứ nhất là vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt); Thứ hai là rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà; Thứ ba là lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác; Thứ tư là cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Ths.Bs Nguyễn Thị Hồng Nhân cũng khuyến cáo, TCM hiện tại chưa có vắc-xin phòng bệnh mà chủ yếu là phòng chống chủ động. Vì là nhóm bệnh lây lan qua đường tiêu hóa nên để cắt ngang đường lây nhiễm thì việc vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể cho trẻ rất quan trọng vì vi-rút có thể bám vào các bề mặt đồ chơi, tay nắm cửa… “Bệnh TCM do nhiều nhóm vi-rút gây ra nên không có miễn dịch chéo và miễn dịch không bền vững. Những trẻ đã từng bị nhiễm TCM rồi vẫn có thể bị lại, cho nên cần cảnh giác và không nên lơ là. Ngoài ra, cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách uống nhiều nước, hoa quả, cha mẹ nên chọn cho trẻ những thức ăn dễ tiêu, pha màu bữa ăn theo ô vuông thức ăn của WHO. Khi có bất kỳ biểu hiện bất thường, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị kịp thời”, Ths.Bs Nguyễn Thị Hồng Nhân nhấn mạnh./.

Hương Giang

 

Bình luận

    Chưa có bình luận