Giải pháp điều trị cho người mắc tật khúc xạ

Để biết bệnh nhân mắc tật khúc xạ phù hợp nhất với phương pháp phẫu thuật nào sẽ tùy thuộc vào mức độ bệnh như thế nào, độ dày giác mạc ra sao…

 

Tật khúc xạ bao gồm tật cận thị, viễn thị và loạn thị. Phẫu thuật khúc xạ là giải pháp được cho là hữu hiệu và triệt để trong điều trị tật khúc xạ. Tuy nhiên, chọn cho mình một phương pháp phù hợp nhất còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Điều kiện để phẫu thuật khúc xạ

Theo TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương, để điều trị tật khúc xạ có những phương pháp như: đeo kính: kính gọng hoặc kính tiếp xúc, là phương pháp dùng kính để điều chỉnh tật khúc xạ, giúp cải thiện thị lực. Phẫu thuật: là phương pháp điều trị hết tật khúc xạ (sau phẫu thuật bệnh nhân không cần đeo kính mà vẫn có thể nhìn rõ), gồm 2 phương pháp: dùng laser trên bề mặt giác mạc hoặc phẫu thuật đặt kính nội nhãn.

Một ca phẫu thuật tật khúc xạ của TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền tại BV Mắt Trung ương

Hiện nay, có nhiều người cho rằng “tật khúc xạ lo gì, sau này đủ tuổi sẽ phẫu thuật là xong”, nhưng trên thực tế lại không hề đơn giản vậy. Để phẫu thuật được tật khúc xạ, bệnh nhân cần đáp ứng những điều kiện cụ thể như: chỉ áp dụng cho những người trên 18 tuổi, khi độ khúc xạ đã ổn định, đồng thời chiều dày giác mạc cho phép, không có các bệnh lý giác mạc (bệnh giác mạc chóp, sẹo giác mạc...), không bị khô mắt…

Ngoài ra, bệnh nhân cần đảm bảo không mắc các bệnh lý toàn thân như tiểu đường, cao huyết áp… Đặc biệt phụ nữ không được chỉ định phẫu thuật điều trị tật khúc xạ trong thời gian mang thai và cho con bú. Nếu bệnh nhân đang dùng kính áp tròng ban ngày thường xuyên) cần phải bỏ kính ít nhất 2 tuần đến 1 tháng. Nếu bệnh nhân đang đeo kính áp tròng vào ban đêm (kính OrthoK) cần phải bỏ kính trong một thời gian đủ để giác mạc trở lại hình dạng như cũ.

 “Phẫu thuật khúc xạ là phương pháp chỉ mang lại hiệu quả tối ưu dành cho những người từ 18 tuổi trở lên, độ khúc xạ đã ổn định ít nhất trong 6 tháng và tùy thuộc vào mức độ tật khúc xạ như thế nào, độ dày giác mạc ra sao và khả năng chi trả của bệnh nhân. Từ đó có thể lựa chọn phương pháp nào phù hợp với bệnh nhân”, bác sĩ Thu Hiền cho hay.

Cần tư vấn  kỹ trước khi phẫu thuật

Để biết bệnh nhân phù hợp nhất với phương pháp phẫu thuật nào sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là các thông số như sau: Độ cận, viễn, loạn thị; chiều dày giác mạc, chất lượng giác mạc, công suất khúc xạ giác mạc, khám tầm soát các bệnh lý khác ở mắt… Do vậy, trước khi tiến hành phẫu thuật, người mắc tật khúc xạ cần kiểm tra tật khúc xạ bằng cách đến cơ sở y tế hoặc các bệnh viện mắt uy tín để xác định độ dày giác mạc có đáp ứng được yêu cầu của phẫu thuật hay không, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất với tình trạng mắt cũng như điều kiện kinh tế của bệnh nhân.

TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương.

“Điều trị phẫu thuật khúc xạ tùy thuộc vào mức độ tật khúc xạ, tình trạng giác mạc và nhu cầu và khả năng chi trả của bệnh nhân để quyết định lựa chọn phương pháp mổ phù hợp cho từng trường hợp cụ thể. Do vậy, việc khám mắt trước khi phẫu thuật là hết sức quan trọng”, TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền.

Bác sĩ Thu Hiền cho biết, các phương pháp phẫu thuật laser trên bề mặt giác mạc hiện nay gồm: ReLEx SMILE, Femtosecond Lasik, SmartSurfACE, Lasik. Trong đó, ReLEx SMILE và Femtosecond Lasik là phương pháp điều trị Laser an toàn, hiện đại và rất thân thiện dành cho bệnh nhân, kết hợp với kỹ thuật làm bền vững giác mạc CrossLinking. Phẫu thuật đặt kính nội nhãn gồm: Phakic ICL (đây là phẫu thuật đặt kính vào bên trong mắt của bệnh nhân mà vẫn giữ nguyên thủy tinh thể) và Phaco IOL (đây là phương pháp lấy thủy tinh thể và đặt thủy tinh thể nhân tạo), hai phẫu thuật này dành cho những bệnh nhân có độ cận thị, loạn thị cao mà giác mạc không đủ dày để cho phép phẫu thuật Laser.

“Mỗi phương pháp phẫu thuật khúc xạ điều trị cận thị đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng và dù điều trị bằng phương pháp nào cũng có thể bị tái cận nếu bệnh nhân không tuân thủ hướng dẫn chăm sóc sau phẫu thuật”, bác sĩ Thu Hiền lưu ý./.

Lưu Hường

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận