Tìm lại cuộc sống cho người bệnh 'siêu gù'

Với trường hợp 'siêu gù', khó khăn, thách thức nhất của phẫu thuật là làm sao nắn chỉnh biến dạng gù tối đa nhất mà không để gây liệt 2 chi dưới.

 

Gù cột sống không những ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống mà còn nguy hiểm tới các chức năng khác nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh gù

Bệnh viêm cột sống dính khớp là bệnh lý viêm mạn tính kéo dài đặc trưng bởi tình trạng đau và cứng cột sống tiến triển. Nguyên nhân của bệnh chưa được biết rõ hoàn toàn. TS.BS Phan Trọng Hậu, Chủ nhiệm khoa Chấn thương, Chỉnh hình cột sống, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV108) cho biết, có hai đặc điểm chính là hiện tượng viêm và xơ hóa, calci hóa các dây chằng, bao khớp (đặc biệt tại vị trí cột sống), các điểm bám gân. Gù cột sống là một trong những biến chứng nặng nề của bệnh, làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của người bệnh như: gù cột sống nặng làm ảnh hưởng thẩm mỹ và hạn chế chức năng hô hấp, đau thắt lưng do mất vững cột sống.

Hình ảnh hưởng phẫu thuẫn nắn chỉnh cột sống của bệnh nhân L.Đ.Q (44 tuổi, ở TP. Bắc Ninh).

Anh L.Đ.Q (44 tuổi, ở TP. Bắc Ninh) là trường hợp “siêu gù”, mức độ biến dạng nặng nhất từ trước đến nay, đã được nắn chỉnh thành công tại khoa Chấn thương Chỉnh hình cột sống, Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV108) vào đầu tháng 4/2020.

Cách đây 23 năm, khi bệnh nhân L.Đ.Q 21 tuổi bị viêm cột sống dính khớp, cột sống bị biến dạng, dẫn đến gù gập người bệnh nhân không thể nằm ngửa được suốt 10 năm nay. 3 năm gần đây, bệnh nhân luôn đi lại trong tư thế cúi gằm mặt xuống đất, tầm nhìn chỉ từ bàn chân trở lại. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân giảm xuống nghiêm trọng, thân hình nặng 37kg mà chỉ đi được vài bước phải dừng lại thở. Điều này khiến bệnh nhân luôn tự ti và mặc cảm về hình thể, không lập gia đình được.

Qua thăm khám ở BV108 để điều trị, sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng và chụp Xquang, bệnh nhân được chẩn đoán gù toàn bộ cột sống do viêm cột sống dính khớp; góc gù toàn bộ cột sống T7L4 112 độ, khoảng cách từ đường dây rọi C7 đến đốt sống 25cm. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng gù cột sống.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân cao hơn 34cm.

“Với trường hợp gù nặng như thế này, khó khăn, thách thức nhất của ca phẫu thuật là làm sao nắn chỉnh biến dạng gù tối đa nhất mà không để gây liệt 2 chi dưới”, TS Phan Trọng Hậu, chia sẻ.

Nắn chỉnh thành công ca biến dạng “siêu gù”

Với sự phối hợp ăn ý của kíp phẫu thuật, do TS.BS Phan Trọng Hậu, Chủ nhiệm khoa Chấn thương, Chỉnh hình cột sống đứng đầu, bệnh nhân được nắn chỉnh biến dạng gù bằng cách phẫu thuật cắt V xương 2 thân đốt L4, L1 và cố định cột sống T8-S1, thay đổi tư thế bàn mổ và nẹp ép giữa các vít. Sau gần 9 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công với mục đích đặt ra mà trước khi phẫu thuật là nắn chỉnh cột sống, cải thiện chức năng hô hấp, cải thiện tầm nhìn của người bệnh để có thể đi lại được dễ dàng.

“Khi tiến hành cắt sửa nhiều như vậy thì nguy cơ gây tổn thương thần kinh cũng như độ khó khăn về cố định trong phẫu thuật sẽ lớn hơn rất nhiều. Rất mừng, sau phẫu thuật 2 tuần, có nhiều diễn biến thuận lợi, bệnh nhân đã dần hồi phục và tập đi lại tốt, không liệt”, TS.BS Phan Trọng Hậu bày tỏ.

Bằng kinh nghiệm phẫu thuật hơn 20 năm của các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình cột sống, BV108, bệnh nhân thoát khỏi cảnh gù suốt nhiều năm qua, giúp anh Q cao hơn 34cm so với trước mổ. Dáng ngồi, đứng, đi lại và tầm nhìn cải thiện rõ rệt. Sau mổ, thân mình được giãn ra, BN cũng có thể nằm ngửa, bụng không còn đè vào phổi nữa.

“Tôi rất mừng vì sức khỏe được cải thiện rõ rệt, tầm nhìn rõ hơn trước nhiều và cảm thấy dễ chịu hơn khi đi lại 1 đoạn dài chứ không khó thở như trước nữa”, anh Q vui mừng nói.

Sau gần 9 giờ phẫu thuật, chức năng hô hấp và tầm nhìn… của người bệnh được cải thiện rõ rệt.

Các nghiên cứu cho thấy, có 1,4% người Việt Nam bị viêm cột sống dính khớp. Đây là con số khá lớn nhưng phần lớn đều không điều trị hoặc điều trị không đúng. Với những bệnh nhân này, thời điểm tốt nhất để phẫu thuật là khi bắt đầu xuất hiện những biến dạng.

Từ những thay đổi nghiêm trọng về cấu trúc hình thể cột sống nói trên, TS.BS Phan Trọng Hậu cho biết thêm, đây là trường hợp bị gù toàn bộ cột sống do bệnh lý viêm cột sống dính khớp mức độ biến dạng nặng nhất từ trước đến nay. Việc lập kế hoạch phẫu thuật, đặc biệt là tính toán vị trí cắt V xương thân đốt qua cuống, số lượng xương cần cắt để đạt được hiệu quả nắn chỉnh tốt nhất trong khi vẫn đảm bảo được việc hạn chế nguy cơ tổn thương thần kinh là thách thức lớn nhất với êkíp. Nếu bệnh nhân không được phẫu thuật tại những cơ sở y tế chuyên khoa có thể xảy ra những tai biến, biến chứng như sau: Thứ nhất, là tổn thương thần kinh: Bởi can thiệp vào xương thân đốt càng lên cao thì mức độ, nguy cơ gây tổn thương thần kinh càng lớn, đặc biệt là tổn thương tủy ngang T12 L1 có thể gây liệt cả hai chân, bí tiểu tiện và đại tiện;

Thứ hai, là nhiễm trùng và chậm liền vùng mổ: Bệnh nhân gầy còm, đường mổ dài, đặt nhiều dụng cụ nẹp vít cột sống. Chính vì vậy, nguy cơ nhiễm trùng vùng mổ cao, chậm liền vết mổ. Sau mổ dễ dàng sờ thấy hệ thống nẹp vít dưới da; Thứ ba, chảy máu nhiều: Thời gian cắt, đục xương, nắn chỉnh cột sống kéo dài 3-4 tiếng, đây là thì chảy máu chủ yếu. Bệnh nhân mất gần 2.000ml máu nên có nguy cơ rối loạn đông máu do truyền máu nhiều;

Thứ tư, không đảm bảo độ vững của dụng cụ cố định cột sống: Chất lượng xương của bệnh nhân viêm cột sống dính khớp luôn luôn không được tốt. Nên độ chắc của hệ thống vít cố định các đốt sống và khả năng liền xương sau ghép xương sẽ không được tốt nhất. Có thể nảy sinh vấn đề lỏng vít và không đạt được mục tiêu nắn chỉnh.

Thành công của ca phẫu thuật đặc biệt này do sự quyết tâm của người bệnh và gia đình cùng sự phối hợp ăn ý của kíp phẫu thuật, đã mở ra cơ hội giúp người bệnh thoát khỏi cảnh gù./.

Hương Giang

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận