Lưu ý khám bệnh cho trẻ mùa dịch Covid-19

Việc chần chừ cho con đến viện khám đã làm cho tình trạng bệnh của bé nặng nề hơn.

 

Tâm lý e ngại lây nhiễm dịch bệnh, nên khi con có dấu hiệu đau ốm cha mẹ chậm trễ đưa con đi khám có thể ảnh hưởng tới tính mạng.

Cần tuân thủ lịch tái khám

Việc giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc là biện pháp hữu hiệu tiến tới khống chế, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy, dù trẻ có biểu hiện đau yếu, nhiều cha mẹ vẫn chần chừ cho con đến các bệnh viện khám bệnh...

Theo Ths.Bs Nguyễn Thị Hồng Nhân, Trưởng khoa Nhi tiêu hóa, dinh dưỡng, truyền nhiễm, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), thời điểm này, số bệnh nhi đến khám về các bệnh hô hấp nói chung và các bệnh mãn tính, tiêu hóa nói riêng giảm tới 40%. Lý do một phần người dân đã ý thức được việc tăng cường dinh dưỡng và vệ sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không những phòng tránh Covid-19 mà còn phòng các bệnh lý nhiễm khuẩn nói chung; mặt khác, cũng do tâm lý e ngại đến những nơi đông người như bệnh viện (BV).

Tuy nhiên, bác sĩ Hồng Nhân cho biết, chính tâm lý e ngại này khiến nhiều bệnh nhi đặc biệt là nhóm bệnh mãn tính và tiêu hóa được đưa đến BV muộn, đã làm cho tình trạng bệnh của bé nặng nề hơn. Cũng may mắn, một số trường hợp khi đến BV đã an tâm điều trị và đều qua khỏi.

“Điển hình là trường hợp một trẻ bị viêm loét hành tá tràng. Chúng tôi đã hẹn ngày nội soi lại, tuy nhiên đến ngày khám, gia đình có gọi điện xin lùi lịch để cho con về quê tránh dịch. Cũng may, sau khi nghe chúng tôi tư vấn rằng môi trường BV khá an toàn, nên cho con đi khám đúng lịch vì bệnh viêm loét này khó điều trị, bệnh nhân (BN) này đã tuân thủ. Tuy nhiên, cách đây không lâu, một gia đình chỉ vì e ngại lây nhiễm chéo trong BV, con sốt nhẹ đến ngày thứ 5 mới đưa vào khoa Nhi tiêu hóa, dinh dưỡng, truyền nhiễm để khám. Lúc này, con đã có dấu hiệu suy hô hấp do viêm phổi. May mắn, cháu được cứa chữa kịp thời”, bác sĩ Hồng Nhân lấy ví dụ.

Ths.Bs Nguyễn Thị Hồng Nhân thăm khám cho bệnh nhi.

Có lẽ tâm lý sợ lây nhiễm dịch bệnh cũng là nguyên nhân khiến nhiều cha mẹ không muốn cho con nằm viện điều trị. Mới đây, tại BV Xanh Pôn, một bệnh nhi hen phế quản có dấu hiệu của suy hô hấp, nhưng gia đình vẫn nằng nặc xin bác sĩ cho con về uống thuốc. Sau khi được bác sĩ tư vấn thì gia đình đã đồng ý để con nhập viện.

Theo bác sĩ Hồng Nhân, với những trường hợp đưa đến viện muộn như vậy, việc điều trị sẽ khó khăn hơn. “Môi trường BV tuy có nguy cơ cao trong mùa dịch nhưng lại là nơi được phân luồng và giám sát chặt chẽ và khoa học nhất phòng ngừa lây lan virus. Tôi muốn qua truyền thông, nhắn nhủ cha mẹ rằng, các BV đã thực hiện quy trình ngăn cách sự lây nhiễm để trẻ an tâm điều trị. Đặc biệt, những trẻ phải tái khám, để tránh những hậu quả khôn lường có thể xảy ra, cha mẹ đừng vì lý do nào đó mà chậm trễ việc tái khám của con”, bác sĩ Nhân nhắn nhủ.

Nguy hại khôn lường

Không chỉ có những bệnh mãn tính điển hình, BV Xanh Pôn còn gặp những ca mắc bệnh tiêu hóa khác, do cha mẹ chủ quan, đợi dịch trôi qua mới cho con đi khám, mà họ không hề biết rằng con mắc bệnh nguy hiểm.

Chị Lê Thị Đ, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội nuôi con 2 tháng đầu lên cân tốt. Đến tháng thứ 3, chị Đ thấy con lười ăn, chậm lớn và tiêu hóa không tốt, nhưng chị chần chừ không dám đưa con đi BV khám. Khi con sốt 39 độ C, chị Đ đưa đến BV Xanh Pôn, mới biết con bị nhiễm khuẩn đường ruột và nhiễm khuẩn máu, phải nhập viện ngay. Sau 1 tuần điều trị, con chị được xuất viện và tuân thủ tái khám.

Chị Đ chia sẻ: “Tôi cứ nghĩ trẻ đi ngoài xì xoẹt là bình thường, nhưng xét nghiệm, biết con bị nhiễm khuẩn máu tôi và gia đình rất lo sợ. Cũng may, bệnh của cháu được phát hiện và điều trị kịp thời. Đến BV có bác sĩ chuyên khoa, sẽ yên tâm hơn nhiều và cũng không còn sợ dịch nữa”.

Theo Ths.Bs Nguyễn Thị Hồng Nhân, bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính (tiêu chảy cấp) là bệnh hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và cũng là bệnh có tỷ lệ tử vong cao ở trẻ em. Ngoài ra các bệnh tiêu hoá hay gặp khác ở trẻ như táo bón, ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, viêm dạ dày do Helicobacter pylori... Chẳng hạn, táo bón là bệnh thường thấy của trẻ nhưng nếu để tình trạng này kéo dài, không can thiệp và điều trị thì gây nhiều biến chứng: bị ứ phân nhiều ở trong lồng ruột, ảnh hưởng đầu tiên sẽ làm giãn đường ruột, có thể gây túi thừa hoặc gây tắc ruột; nếu không điều trị sẽ gây ngộ độc phân, ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần và thể chất của trẻ.

Ths.Bs Nguyễn Thị Hồng Nhân, Trưởng khoa Nhi tiêu hóa, dinh dưỡng, truyền nhiễm, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội).

“Khi trẻ có biểu hiện bệnh tái phát hay bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ nên đưa con đến khám tại trung tâm y tế, hoặc bác sĩ chuyên khoa để biết được tình trạng sức khỏe của con và được xử trí tình huống kịp thời”, Ths.Bs Nguyễn Thị Hồng Nhân.

“Táo bón hay rối loạn đường tiêu hóa có nhiều triệu chứng và mức độ biểu hiện khác nhau. Một số triệu chứng thông thường như đau bụng, có nôn, tiêu chảy, chướng bụng, đầy hơi… nhưng đây cũng là những triệu chứng dễ nhầm lẫn với những bệnh khác. Ngoài ra, các bệnh lý tiêu hóa khác có dấu hiệu đau bụng, hoặc đau bụng có tính chất liên tục cũng nên đi khám để loại trừ đau bụng ngoại khoa”, bác sĩ Hồng Nhân phân tích.

Ths.Bs Nguyễn Thị Hồng Nhân cũng lưu ý, ngoài việc giữ ấm cơ thể, nâng cao sức đề kháng bằng cách uống nhiều nước, hoa quả, cha mẹ nên chọn cho trẻ những thức ăn dễ tiêu, và pha màu bữa ăn theo ô vuông thức ăn của WHO. Khi có bất kỳ biểu hiện bất thường, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị kịp thời./.

Lưu Hường

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận