Chuyên gia lý giải bệnh nhân đã khỏi Covid-19 lại tái phát

Thông tin nhiều BN mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh nhưng dương tính trở lại đã xuất hiện cả trong và ngoài nước đang khiến nhiều người quan tâm, lo lắng.

 

Tại sao dương tính trở lại?

Mới đây, các nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới cho thấy khoảng 3-10% bệnh nhân (BN) ở Vũ Hán, Hồ Bắc (Trung Quốc) “tái dương tính” với SARS-CoV-2 chủng mới sau khi xuất viện. Còn một thông báo ở Hàn Quốc ngày 14/4 có 116 BN Covid-19 ở nước này được cho là đã khỏi bệnh lại cho kết quả dương tính sau khi xét nghiệm.

Tại Việt Nam, BN nam số 22 (BN22, quốc tịch Anh) được xác định dương tính với SARS-CoV-2 ngày 8/3. Đây là hành khách từ London đến Nội Bài cùng chuyến bay VN0054 với BN17. BN22 điều trị tại Đà Nẵng và đến ngày 27/3 được công bố khỏi bệnh sau 3 lần xét nghiệm âm tính. Sau đó, BN22 tiếp tục được cách ly tại 1 khách sạn ở Đà Nẵng. Đến ngày 10/4, ông này bay từ Đà Nẵng vào TP.HCM để chuẩn bị xuất cảnh về nước, và lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất thì phát hiện dương tính. Sau đó, BN này tiếp tục được làm xét nghiệm khẳng định ở BV Bệnh Nhiệt đới thì kết quả cho thấy ông này vẫn còn virus SARS-CoV-2 trong cơ thể vào tối ngày 12/4. Tuy nhiên, BN22 trước đó 1 ngày đã xuất cảnh về Anh. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM và Đà Nẵng đã lập tức cho cách ly những người tiếp xúc với BN22 trong thời gian BN ra viện và các hành khách trên cùng chuyến bay VN125 từ Đà Nẵng vào TP.HCM.

GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Bệnh viện Medlatec.

Lý giải về tình trạng dương tính trở lại, GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Bệnh viện Medlatec và PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết khả năng nguyên nhân có thể: Đã hết virus, đã khỏi, nhưng do miễn dịch đối với loại virus này không bền vững, nên cơ thể BN không còn kháng thể nữa và rồi bị nhiễm trở lại bởi chủng đó; Hoặc do bị tái nhiễm, nhưng ở một tuýp SARS-CoV-2 khác, thậm chí bởi một chủng virus corona khác; Hoặc không loại trừ sai sót của xét nghiệm trước khi bệnh nhân ra viện, hoặc ngay cả sau đó - tức là khi làm xét nghiệm lại;

Hoặc do điều trị đã đạt được kết quả, nhưng virus vẫn còn với nồng độ virus (số bản copy) quá thấp, dưới ngưỡng phát hiện của kỹ thuật sử dụng làm xét nghiệm. Nên chỉ sau một thời gian ngắn virus đã nhân lên; vì vậy, xét nghiệm cho thấy dương tính trở lại các chuyên gia đều cho rằng, hiện nay, nên nghĩ nhiều đến khả năng này. Vì việc điều trị Covid-19 là còn quá mới mẻ, các phác đồ điều trị cơ bản vẫn không phải là phác đồ đặc hiệu, thuốc trực tiếp diệt virus là chưa có. Bởi vậy, có thể “khỏi” là hết các triệu chứng ảnh hưởng tới cuộc sống, chứ không có nghĩa là đã tiêu diệt hết virus.

“Cho đến nay vẫn còn quá sớm để biết hết cơ chế miễn dịch, đặc biệt là sự tồn tại của kháng thể chống lại SARS-CoV-2 có lâu hay không? Vì dịch mới bùng phát trên thế giới trên dưới 3 tháng. Cần phải được theo dõi thêm dài hơn, lâu hơn”, GS. Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

“Những báo cáo thế giới cho thấy hiện tượng dương tính trở lại của SARS-CoV-2 đó là điều hết sức quan ngại, cần hết sức thận trọng. Bệnh nhân dù đã khỏi bệnh, vẫn cần phải theo dõi thêm 6 tháng, 1 năm thậm chí lâu hơn nữa. Việc làm này còn có ý nghĩa để theo dõi đặc điểm miễn dịch của bệnh Covid-19” - GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí.

Là một chuyên gia xét nghiệm, GS. Nguyễn Anh Trí cho rằng: Kết quả xét nghiệm bị ảnh hưởng ở rất nhiều khâu, như: lấy bệnh phẩm không đúng (điều này rất hay gặp, vì lấy mẫu để làm xét nghiệm lấy từ họng và khe tỵ-hầu, nên người bị lấy thường rất khó chịu và phản ứng mạnh, nên lấy không đúng chỗ, không đạt tiêu chuẩn); hoặc bị “nhiễm” bẩn gây ra dương tính giả; hoăc do máy móc, hóa chất, sinh phẩm không chuẩn; thậm chí có thể là nhầm lẫn bệnh nhân khi trả kết quả. Cần nhớ là không một phòng xét nghiệm nào mà không có sai sót, đặc biệt khi làm với một số lượng nhiều đột biến như trong dịp cao điểm dịp hiện nay.

Các cán bộ đang làm việc trong labo chẩn đoán SARS-CoV-2 của Bệnh viện MEDLATEC.

Trên cơ sở đó, về trường hợp BN22 đủ điều kiện xuất viện khi hoàn thành thời gian cách ly y tế sau công bố khỏi bệnh theo đúng quy định, sau đó có kết quả dương tính trở lại, GS. Nguyễn Anh Trí cho rằng, hiện tượng dương tính trở lại bước đầu xuất hiện ở Việt Nam khi dịch bệnh mới trải qua gần 3 tháng thì những kết luận do nguyên nhân nào là còn quá sớm. Cần loại trừ các nguyên nhân sai sót của kỹ thuật, tức là nên kiểm tra lại xét nghiệm đã làm có chính xác không, lấy mẫu bệnh phẩm cũ làm lại. Sau đó thì tiếp tục theo dõi thêm để có kết luận đúng đắn hơn, nhất là khi muốn biết miễn dịch Covid-19 bền vững hay không bền vững?

“Nếu sự thật nó dương tính trở lại, hay miễn dịch không bền vững thì đây là mối lo rất lớn, bởi dương tính trở lại thì tình trạng lây lan sẽ nhiều lên chứ không bớt đi khi người bệnh chủ quan sau khi tái hoà nhập cộng đồng. Vì vậy, với những người dù đã được công bố khỏi bệnh vẫn nên tiếp tục cách ly và theo dõi y tếvà làm xét nghiệm lại theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế. Và dù khỏi bệnh, thỉnh thoảng cũng nên xét nghiệm lại bằng các loại kit theo phương pháp huyết thanh học để theo dõi sự tồn tại của các loại kháng thể, kháng nguyên. Qua đó sẽ có kết luận đúng đặc điểm miễn dịch với bệnh Covid-19 bền vững hay không ở những trường hợp sau khi đã điều trị khỏi. Và đây không chỉ là vấn đề của y tế dự phòng mà còn giúp cho các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu việc điều trị bằng cách dùng huyết thanh từ người khỏi bệnh Covid-19 để chữa cho người bị bệnh này nặng”, GS. Nguyễn Anh Trí chia sẻ.

ý giải về hiện tượng đã dương tính trở lại dù đã đủ tiêu chuẩn khỏi, hết lâm sàng Xquang và xét nghiệm âm tính 2 mẫu cách nhau 24 giờ sau đó lại dương tính, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cũng đồng quan điểm các nhóm khả năng trên. Nhưng ông nói: Khả năng do virus đột biến thành chủng mới, thoát khỏi sự kiểm soát hệ thống miễn dịch đề kháng mới hình thành, thì hiện chưa có bằng chứng nên cần có nghiên cứu thêm để có thể có được kết luận khoa học. PGS.TS Nhung cũng nhấn mạnh nguyên nhân có thể do giới hạn của phương pháp phát hiện, về độ nhạy đặc hiệu, tìm kháng nguyên hay kháng thể, hoặc do vấn đề của lấy mẫu bệnh phẩm đưa ra kết quả âm tính giả. Vì hiện nay chúng ta lấy dịch tỵ - hầu và ngoáy họng, có thể ở phổi hoặc ruột chúng ta chưa lấy để làm, nên dễ bỏ sót.

“Giới chuyên môn cần nghiên cứu áp dụng các xét nghiệm tin cậy, bao gồm cả phương pháp lấy mẫu có chất lượng, có thể không chỉ dịch mũi họng mà còn dịch phế quản hoặc đường ruột và các dấu ấn sinh học khác để đánh giá bệnh” - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung.

Không đáng lo ngại, nhưng cũng không được chủ quan

Với trường hợp những BN Covid-19 ở Hàn Quốc dương tính trở lại, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dich bệnh (CDC) Hàn Quốc nhận định rằng khả năng cao là trong người những BN này vẫn còn virus. Sau một thời gian tự cách ly, nó phát triển trở lại chứ không có khả năng họ tái nhiễm từ bên ngoài. Hàn Quốc xử lý những ca dương tính bằng cách xét nghiệm tổng thể không chỉ lấy dịch đường hô hấp trên như thông thường. Tuy nhiên phương pháp sàng lọc này sẽ mất thêm 2 tuần mới có kết quả.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.

“CDC Hàn Quốc nhận định rằng, những người nào đã sản sinh đủ kháng thể trong người không thể tái lây nhiễm từ ngoài vào. Còn virus có trong người bệnh tái dương tính không đủ khả năng lây nhiễm hoặc gây nguy hiểm cho người hoặc vật nuôi khác”, ông Nhung dẫn chứng.

Nhận định vấn đề dương tính trở lại PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cũng đưa ra 2 quan sát khả quan: Thứ nhất, thực nghiệm mà người ta thấy ở Trung quốc khi họ lây nhiễm cho 4 chú khỉ SARS-CoV-2 và khỏi bệnh sau 28 ngày, sau đó họ cố gắng làm lây nhiễm lại cho các chú này thì không làm được, chứng tỏ miễn dịch có tác dụng bảo vệ. Đây cũng là tin vui khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ cũng vừa phê duyệt sử dụng huyết tương người đã khỏi để điều trị cho các trường hợp nặng. Thứ hai, tại thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 38 trong số 262 BN có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi họ được xuất viện. Những người mà họ tiếp xúc đều không dương tính với virus.

“Người bệnh cần tiếp tục theo dõi và thực hiện giãn cách mặc dù đã xác định là âm tính hay khỏi bệnh. Giãn cách xã hội hiện nay còn rất cần thiết nhưng thời hạn cần dựa trên bằng chứng khoa học dịch tễ. Đối với giới chuyên môn, cần nhanh chóng nghiên cứu dịch tễ cộng đồng để dự báo xu hướng dịch, cung cấp bằng chứng cho Ban chỉ đạo ra quyết định. Nghiên cứu áp dụng các xét nghiệm tin cậy, bao gồm cả phương pháp lấy mẫu có chất lượng, có thể không chỉ dịch mũi họng mà còn dịch phế quản hoặc đường ruột và các dấu ấn sinh học khác để đánh giá bệnh. Đương nhiên chúng ta mong chờ vắc-xin nhưng không phải một sớm một chiều, ít nhất phải hàng năm”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung lưu ý./.

Lưu Hường

 

Bình luận

    Chưa có bình luận