Cảnh báo trẻ em gặp biến chứng vì phụ huynh ngại đưa con nhập viện

Do phụ huynh lo sợ dịch bệnh mà con ốm không dám đưa con đến viện khám có thể dẫn tới những nguy hiểm.

 

Thời gian gần đây, lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM giảm, nhưng lại xuất hiện các trường hợp bệnh nhi gặp biến chứng. Cụ thể, có hơn 11 trường hợp viêm ruột thừa có biến chứng được điều trị tại bệnh viện, đây là tình huống chưa từng xảy ra trước đó. Nguyên nhân được xác định là do bệnh nhi được nhập viện trễ vì phụ huynh ngại, hoặc lo sợ đưa con đến bệnh viện sẽ bị lây nhiễm Covid-19.

Liên quan đến vấn đề này, PV VOVGT đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng - Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Nhi đồng 2, giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM.

PV: Đâu là những trường hợp phụ huynh có thể theo dõi tại nhà và dấu hiệu nhận biết nào cho thấy phụ huynh cần lập tức đưa bé đến bệnh viện để tránh biến chứng khó lường?

Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng: Thật ra để trả lời một cách rõ ràng thì rất là khó bởi vì nó phụ thuộc vào bệnh con đang mắc. Vấn đề nằm ở chỗ do chúng ta quá hoang mang và lo sợ. Đa phần các bé có bệnh lý mãn tính không được đi tái khám đúng hẹn.

Khi trẻ đó có biến chứng, bố mẹ lại không đủ kinh nghiệm, không đủ kiến thức để nhận ra con đang bệnh nặng. Bệnh mà không đưa con đến bệnh viện thì có thể dẫn đến những biến chứng hoặc tử vong.

Bệnh nhi được nhập viện trễ vì phụ huynh ngại, hoặc lo sợ đưa con đến bệnh viện sẽ bị lây nhiễm Covid-19 (Ảnh: Thanh Niên)

Những dấu hiệu nặng mà tất cả bố mẹ phải lưu ý: Đầu tiên là về tri giác, tri giác con không được bình thường, không tỉnh táo, bứt rứt, lơ mơ… Đó là những dấu hiệu nặng hoặc thậm chí co giật. Triệu chứng về ho hấp như: khó thở, tím tái, con có tình trạng như không ăn uống được, ói tất cả mọi thứ...

Nếu có một trong những dấu hiệu trên thì không nên trì hoãn, đưa con đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.

PV: Khi đưa bé đến bệnh viện, hoặc các cơ sở y tế để thăm khám, phụ huynh cần lưu ý điều gì để tránh lây nhiễm chéo cho con và cả bản thân?

Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng: Tất cả các bệnh viện bây giờ có chiến lược sàn lọc rất tốt. Những người vào bệnh viện thậm chí là nhân viên y tế đều phải qua bước kiểm duyệt: khai báo y tế, yếu tố dịch tễ và kiểm tra thân nhiệt, đặc biệt lưu ý hơn ở những trẻ có triệu chứng về đường hô hấp để xem trẻ có thuộc nhóm yếu tố nghi ngờ không?

Nếu như trẻ thuộc nhóm yếu tố nghi ngờ sẽ đi một đường cách ly riêng. Và sẽ thăm khám trực tiếp từ các bác sĩ chuyên khoa về nhiễm.

Trong những trường hợp cần thiết có thể làm xét nghiệm. Khi đến bệnh viện phải tuân thủ các nguyên tắc: không tụ tập, cách xa nhau 2m. Không chỉ trong bệnh viện mà tất cả mọi nơi chúng ta phải tuân thủ như vậy.

PV: Vừa qua, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc Covid-19 là một bệnh nhi 10 tuổi. Vậy bác sĩ có khuyến cáo gì để phụ huynh phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn trong thời gian tới?

Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng: Quy tắc phòng ngừa theo chỉ thị của Nhà nước hay Bộ Y tế thì tất cả mọi người cũng biết rồi. Thứ nhất, phải tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Thứ hai, cho trẻ ngủ đủ giấc. Thứ ba, phải tập thể dục thể thao, không ra ngoài được thì mình tập thể dục thể thao tại nhà. Cuối cùng là giữ một tinh thần lạc quan.

Cố gắng hạn chế không ra đường trong 15 ngày tiếp theo sẽ giảm khả năng bị lây nhiễm. Nếu chúng ta tuân theo các nguyên tắc đó thì tôi tin rằng các bạn nhỏ cũng như tất cả chúng ta sẽ phòng ngừa được bệnh dịch này.

PV: Xin cảm ơn những tư vấn rất cụ thể và hữu ích từ bác sĩ!

Tấn Đạt thực hiện/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận