Nguy cơ mắc ngoài cộng đồng
Mới đây, Trung Quốc công bố số ca mắc Covid-19 không triệu chứng ngày càng gia tăng, trong đó có tới hơn 1/4 trong tổng số ca bệnh lây từ nước ngoài vào Trung Quốc. Việt Nam cũng xuất hiện ca nhiễm “nhập khẩu” liên quan đến người nước ngoài, trong đó không phải ai cũng có triệu chứng điển hình như là ho, sốt, và khó thở.
Điển hình trong số những ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, có trường hợp nữ du khách 20 tuổi, quốc tịch Đan Mạch (BN167) không có bất cứ triệu chứng nào của bệnh. Hay BN237 là người Thụy Điển, 64 tuổi, đến Việt Nam vào cuối tháng 12/2019. Du khách này cũng đi nhiều nơi và khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 3/4 thì trước đó không có triệu chứng đặc hiệu. Còn BN243 ở Mê Linh, sau 23 ngày mới cho kết quả dương tính Covid-19 và trước đó BN này có lịch sử dịch tễ rất phức tạp… Các chuyên gia y tế nhận định, dù không có biểu hiện của bệnh, nhưng những trường hợp này vẫn là nguồn lây bệnh ra cộng đồng.
Hiện tại, Hà Nội đang có số ca nhiễm nhiều nhất cả nước, gồm nhóm từ nước ngoài nhập cảnh về được cách ly ngay sân bay, hiện kiểm soát được, và nhóm lây nhiễm chéo trong bệnh viện và ngoài xã hội. Tuy nhiên, theo điều tra dịch tễ, tính từ lúc có yếu tố nguy cơ đến khi phát hiện dương tính nhiều trường hợp hơn 20 ngày, nhưng đây không phải là thời gian ủ bệnh mà chỉ đủ kết luận hơn 20 ngày sau mới phát hiện dương tính.
Với “ổ dịch” tại Phòng điều trị tự nguyện - Khoa Thần kinh, 2 bệnh nhân tại đây có kết quả dương tính là BN133 và BN161, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng cho biết, rất có thể BN162 đã mắc Covid-19 ở cộng đồng, rồi lây cho mẹ chồng và BN133 (ở Lai Châu)… Từ ổ dịch này đã có các ca liên quan là BN162, 163 (ở Long Biên, Hà Nội) - là con dâu và cháu của BN 161 và BN 172 là con dâu của BN 133. Trong đó, BN161 cho kết quả dương tính ngay, rất rõ ràng. Còn người con dâu BN162 phải làm lại xét nghiệm mới thấy dương tính, mà dương tính rất yếu ớt.
Theo ông Hùng, với trường hợp này, giả thiết là lượng virus thấp, nên chưa đủ để lên dương tính nhanh. Điều này có thể là do mới nhiễm hoặc là đã nhiễm trong giai đoạn thoái triều. Tình trạng sức khỏe BN162 được xác định là bình thường, không có triệu chứng mắc bệnh.
Cần chủ động phòng tránh
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, các nghiên cứu công bố trên thế giới cũng cảnh báo lây truyền virus này trên người mà không có triệu chứng bên ngoài như: mệt mỏi, sốt, ho, đau họng, khó thở… Ví dụ: Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dich bệnh tại Hoa Kỳ (CDC) cũng đưa ra con số ở nước này có tới 25% trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng (được xác định chủ động bằng xét nghiệm trong labo qua điều tra tiếp xúc). Những nghiên cứu ở Singgapore cho thấy có khoảng 6% người nhiễm có biểu hiện giống với những người không có triệu chứng; Hay ở Hồ Bắc (Trung Quốc) tới 12% người nhiễm virus mà không thể khai thác được tiền sử dịch tễ. Còn đối với Việt Nam, nguy cơ cao xuất hiện những ca không có triệu chứng ở trong cộng đồng qua việc đã lây nhiễm từ bệnh viện ra cộng đồng và từ cộng đồng vào bệnh viện.
“Mặc dù không có triệu chứng mắc Covid-19, nhưng nếu lượng virus SARS-CoV-2 vẫn có ở đường hô hấp bằng chứng là xét nghiệm dương tính thì những người này vẫn có thể lây lan trong cộng đồng. Thậm chí những người đã chữa khỏi, vẫn nên cách ly thêm 14 và tự theo dõi sức khỏe. Còn những người ở các trung tâm cách ly tập trung được lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm cho dù âm tính vẫn cần cách ly đủ 14 ngày, sau đó vẫn nên giảm bớt tiếp xúc xã hội, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người”, ông Nhung nhấn mạnh.
Qua một số ca bệnh điển hình kể trên, ông Nhung cũng nhận định rõ ràng nguy cơ mức độ lan rộng và cảnh báo có thể xuất hiện những ca bệnh không có triệu chứng ở nước ta. “Nhưng đến giờ phút này tôi cho là trường hợp không có triệu chứng điển hình này không nhiều. Lý do chúng ta đã ngăn chặn rất hiệu quả, qua việc phát hiện sớm, sau đó là cách ly, khoanh vùng. Người dân cần ý thức việc hạn chế tiếp xúc, thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng về việc giãn cách xã hội, thì số ca mắc sẽ tiếp tục giảm. Đây không phải là kỳ thị xã hội mà là trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung lưu ý.
“Hiện nay có thể có những người có virus trong đường hô hấp nhưng rất ít triệu chứng hoặc thậm chí không có triệu chứng nhưng khi ho, hắt hơi cũng tạo nguồn lây bệnh. Ai cũng có nguy cơ mắc khi ngoài cộng đồng xuất hiện ca mắc không có triệu chứng đặc hiệu. Vì vậy, việc khai báo tiền sử tiếp xúc, kiểm soát đường lây và chủ động phát hiện, khoanh vùng, cách ly là rất quan trọng. Trong giai đoạn này, người dân ý thức nghiêm túc việc giãn cách xã hội là biện pháp hữu hiệu giảm nguy cơ lây bệnh”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung. |
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội sáng 6/4, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thông tin từ nhiều tài liệu và các nhà dịch tễ trên thế giới cho biết virus SARS-CoV-2 đã có nhiều biến thể, sống trong cả môi trường lạnh và nóng. Bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện. Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài. Vì vậy, người dân chủ động phòng dịch bằng các biện pháp đơn giản nhất là đeo khẩu trang khi ra ngoài, thường xuyên rửa tay, tránh tụ tập đông người, thực hiện khai báo y tế, bổ sung vi chất để tăng đề kháng miễn dịch… Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải thông báo ngay cho có sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. Đồng thời, cung cấp thông tin và lịch trình di chuyển chính xác./.
Hương Giang