Thể trạng tốt thì sự nhiễm bệnh sẽ giảm
Hiện nay, số bệnh nhân dương tính với virus corona (Covid-19) ở Việt Nam là 15. Đáng lưu ý, trong số ca dương tính có trẻ 3 tháng tuổi. Chia sẻ với báo chí trưa ngày 11/2, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong 15 BN tại Việt Nam, hiện có đủ nam - nữ, đủ lứa tuổi: Người cao tuổi có nhiều bệnh nền (người bố trong 2 bố con người Trung Quốc điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy), trung niên, thanh niên, vị thành niên, trẻ nhỏ... đều có.
Đặc biệt, ca bệnh thứ 15 tại nước ta là bé gái N.G.L (3 tháng tuổi, trú tại xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) thì mô hình, đường lây, tính chất lây lại thêm những thông tin mới. "Cháu bé lây bệnh từ bà ngoại. Bà ngoại lại lây từ con gái đi từ Vũ Hán (Trung Quốc) về. Về mặt khoa học thì cô con gái thuộc F1, lây sang mẹ là F2, tới khi lây sang cháu thì đã là thế hệ F3. Đây là ghi nhận mới nhất”, ông Khuê cho hay.
Ông Lương Ngọc Khuê lưu ý, không chỉ riêng căn bệnh này mà trong thời tiết đông xuân thường xuất hiện những bệnh cúm, các bệnh về đường hô hấp khác như viêm họng và các loại bệnh thông thường khác thì việc nâng cao thể trạng, rửa tay hằng ngày và giữ vệ sinh chung; dùng khẩu trang đúng cách, giữ ấm mũi, giữ ấm chân, tay, cổ, tai khi ra ngoài và không để ngấm lạnh… càng có giá trị trong việc phòng tránh.
“Trong hướng dẫn phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp thì dự phòng và cách ly là quan trọng nhất. Những biện pháp có thể giúp nâng cao thể trạng áp dụng như những biện pháp dân gian, đông y và dùng thực phẩm chức năng như vitamin C là điều Bộ Y tế khuyến cáo. Người dân là những nhà tiêu dùng thông minh, cần lựa chọn những địa chỉ tin cậy để mua và sử dụng đúng những thuốc này. Thể trạng tốt lên thì sự nhiễm bệnh sẽ giảm đi rất nhiều… Đó là nguyên lý trong dự phòng của y học”, ông Khuê nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý, cho đến thời điểm hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng ngừa trong khi việc lây nhanh Covid-19 khó kiểm soát bởi ngay trong thời gian ủ bệnh mà chưa phát bệnh cũng có thể lây cho người khác. Có thể có cá thể chỉ có triệu chứng rất nhẹ thoáng qua như đau mỏi cơ thoáng qua, hay có ho rất nhẹ nhưng thực chất là có bệnh nên rất dễ bỏ sót mà chúng ta không biết. Rất may là con virus này rất nhạy cảm với ánh sáng, với nhiệt độ và tia cực tím và nó “sợ” cả gió (môi trường thoáng khí) cho nên các chuyên gia y tế khuyên phải mở cửa sổ tạo thoáng khí.
“Tổng kết từ các ca bệnh chữa khỏi khi hiện chưa có thuốc đặc hiệu và điều trị dự phòng đều dựa trên các nguyên tắc cơ bản là điều trị triệu chứng, đảm bảo dinh dưỡng cũng như cân bằng nước điện giải, tức là cần ăn uống đầy đủ; phải theo dõi thật sát vấn đề bão hòa ô-xy trong máu, nghĩa là hô hấp. Nếu phát hiện ra suy hô hấp sẽ có các biện pháp can thiệp”, ông Long cho hay.
Cần bổ sung vitamin C đúng cách
Nâng cao sức khỏe cơ thể là một trong những biện pháp phòng chống dịch bệnh mà Bộ Y tế khuyến cáo. Tuy nhiên, hiện nay điều khiến nhiều người hoang mang lo lắng, thậm chí còn truyền tai nhau phải tích trữ thức ăn và cả cách sử dụng vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
Theo BSCKII Lại Thanh Hà, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn, vitamin C đã được chứng minh có vai trò quan trọng trong việc tăng sức đề kháng, miễn dịch của cơ thể. Vitamin C là một vi chất dinh dưỡng tham gia vào các quá trình trao đổi chất của cơ thể. Khi cơ thể thiếu vitamin C sẽ có hiện tượng chảy máu chân răng, vết thương lâu lành và dễ bị nhiễm trùng. Ngoài ra, vitamin C còn có đặc tính ô-xy hóa, giúp bảo vệ tế bào tránh được các gốc tự do trong cơ thể. Con người không thể tổng hợp loại vitamin này, chính vì vậy cần phải bổ sung vitamin C từ nguồn thức ăn đưa vào.
Tuy nhiên, việc người dân đổ xô đi mua vitamin C về tự bổ sung để phòng chống dịch Covid-19 sẽ gây ra một số nguy cơ cho cơ thể. Vì chế độ ăn hằng ngày của chúng ta thường có rau xanh và hoa quả tươi thì đã có thể đủ bổ sung vitamin C. Do đó, khi sử dụng vitamin C bác sĩ sẽ cân đối với chế độ ăn để sử dụng thuốc đúng liều lượng.
BS Hà phân tích: “Vitamin C được chỉ định cho BN có nhiễm trùng, BN ung thư và bị dị ứng, hoặc những trường hợp có ngộ độc, nghiện thuốc lá và rượu. Tuy nhiên liều lượng của vitamin C được khuyến cáo là 0,2- 0,5mg/ngày và không nên uống quá 1g/ngày vì khi cơ thể thừa vitamin C sẽ có nguy cơ tạo sỏi oxalat ở thận, thừa vitmin C có thể có triệu chứng của rối loạn tiêu hóa. Do vậy, khi sử dụng vitamin C phải có sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ”.
Bổ sung vitamin C không đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ không mắc các bệnh nhiễm trùng. Bảo vệ tốt nhất hiện nay vẫn là phòng tránh bị phơi nhiễm với mầm bệnh. Việc lây nhiễm Covid-19 sẽ phụ thuộc vào chủng virus và đề kháng của mỗi cơ thể. Ngoài việc phòng tránh như đeo khẩu trang, rửa tay sạch hằng ngày, tránh tiếp xúc nơi đông người, ăn chín uống sôi, người dân cần bổ sung vi chất nhằm nâng cao thể trạng.
Hiện nay trên mạng xã hội rao bán rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo giúp ngăn ngừa, chống lại virus corona. Bác sĩ Hà nhắn nhủ: “Virus corona là một chủng mới vẫn đang cần nghiên cứu và khó có thể khẳng định chỉ mỗi thực phẩm chức năng có thể ngăn ngừa mà quan trọng nhất lúc này là người dân cần làm theo hướng dẫn phòng tránh của Bộ Y tế”./.
Lưu Hường