Lưu ý trong phòng tránh bệnh do virus corona

Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, việc quan trọng nhất lúc này là phòng tránh.

 

Sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm

Cho đến thời điểm ngày 5/2/2020, Việt Nam đã có 10 người bị viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra, trong đó có 2 người bị lây thứ phát từ người nhà và cộng đồng. Đáng mừng đã có 3 bệnh nhân (BN) đã được xuất viện.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 11h00 ngày 5/2/2020, trên thế giới có 24.553 người mắc bệnh, trong đó tại lục địa Trung Quốc là 24.324. Tổng số người tử vong là 492, trong đó lục địa Trung Quốc là 490, Philippines 1 và Hồng Kông 1.

Việc đo thân nhiệt để sàng lọc những trường hợp nghi ngờ, phòng tránh lây lan dịch bệnh tại BV108. (Ảnh: Lưu Hường)

Trước tình hình dịch bệnh nCoV đang trở thành tâm điểm báo động trên toàn thế giới, trong khi hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh, các cấp bộ ngành kêu gọi cộng đồng chung tay phòng tránh dịch bệnh nguy hiểm này như phòng chống giặc.

Để sẵn sàng ứng biến tốt nhất các tình huống thu dung, cấp cứu và điều trị, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV108) cũng đã xây dựng kịch bản chi tiết đối phó với dịch do nCoV. Mọi người vào Cụm Tòa Nhà Trung tâm, cửa đón BN tại Khoa Khám Bệnh đều được đo thân nhiệt, nhằm phát hiện những trường hợp có sốt, đưa ra phòng khám Truyền nhiễm để sàng lọc những trường hợp nghi mắc bệnh dịch nCOV, tránh lây lan. Ngoài ra Bệnh viện bố trí tổ chức mở cửa sổ các phòng bệnh 2 lần/ngày sáng và chiều (khoảng ít nhất 30 phút) để phòng bệnh được lưu thông không khí và đón nhiều ánh nắng mặt trời.

Đại tá, TS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, BV108

Đại tá, TS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, BV108 cho biết: “Viện chúng tôi đã triển khai phòng khám Truyền nhiễm ở phía ngoài khoa cấp cứu để phân luồng và sàng lọc BN, nếu những BN nào nghi ngờ nhiễm nCoV sẽ đưa thẳng vào Viện lâm sàng các bệnh truyền nhiễm để cách ly điều trị; còn những BN nào không nghi ngờ nCoV sẽ cho vào luồng khám bình thường của BV. Viện đã được trang bị những phương tiện phòng hộ cũng như là các phương tiện để cấp cứu BN tương đối đầy đủ. Chúng tôi đã bố trí một khu cách ly riêng trong Viện Lâm sàng truyền nhiễm gồm 3 khu vực: một là khu vực BN nghi ngờ nhiễm nCoV; khu thứ 2 là đã được xác định chẩn đoán nCoV; còn khu thứ 3 là hồi sức cấp cứu”.

BV Thanh Nhàn là một trong những BV của Hà Nội được bố trí tiếp nhận cách ly, theo dõi và điều trị cho BN nghi nhiễm nCoV. BSCKII Lại Thanh Hà, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết, từ khi bố trí riêng khu cách ly, tất cả các trường hợp trong diện nghi nhiễm hoặc có các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp đến BV đã được phân luồng khám riêng tại đây. Ngoài việc bố trí riêng đơn nguyên T1 để khám, sàng lọc người bệnh có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp, BV thành lập đội khám và điều trị dịch viêm phổi cấp do virus nCoV gồm 6 bác sĩ và 11 điều dưỡng, kèm theo đội dự bị gồm 5 bác sĩ và 5 điều dưỡng. Các bác sĩ và điều dưỡng luân phiên trực 24/24h kể cả thứ 7, chủ nhật tại khu vực khám cách ly để trực đón tiếp, sàng lọc BN, sẵn sàng có mặt khi được huy động để xử lý các tình huống khi có dịch bệnh xảy ra.

Với các trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV được phát hiện sẽ được đưa luôn vào phòng cách ly tại chỗ; sau đó BV mời hội chẩn ban chỉ đạo để đề nghị lấy bệnh phẩm chẩn đoán xác định nhiễm cúm Corona bằng kỹ thuật xét nghiệm Real time RT-PCR. “Hiện, Viện vệ sinh dịch tễ đã trang bị thiết bị test nhanh trong vòng 24h. Khi có ca chẩn đoán nhiễm bệnh, BV sẽ chuyển BN tới BV Bệnh nhiệt đới Trung ương để tiếp tục theo dõi, điều trị”, Ths Thanh Hà cho biết.

BSCKII Lại Thanh Hà, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Thanh Nhàn (Hà Nội)

Tại Khu vực đơn nguyên T1 của BV Thanh Nhàn hiện đã bố trí phòng khám sàng lọc cho người dân có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp đến khám, các nhân viên y tế tất bật sắp xếp buồng phòng, trang thiết bị khám cấp cứu... Trong đó có nhóm bạn trẻ vừa đi du lịch Trung Quốc về cũng có ý thức đến thẳng đây để khám sức khỏe mặc dù chưa có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hô hấp.

Chủ động phòng tránh dịch bệnh

Hiện nay, các trường hợp đến khám có dấu hiệu ho, sốt các bác sĩ sẽ sàng lọc bằng việc điều tra dịch tễ như hỏi thời gian có đi từ vùng dịch về trong vòng 14 ngày hay không hoặc có tiếp xúc gần với người nhiễm virus nCoV hay không, hoặc có các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp chưa rõ căn nguyên… Do vậy, khi có dấu hiệu viêm đường hố hấp cấp như chảy nước mũi, sốt, ho, đau họng hoặc khó thở người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị kịp thời.

BV thành lập đội khám và điều trị dịch viêm phổi cấp do virus nCoV

Hiện nay, các trường hợp đến khám có dấu hiệu ho, sốt các bác sĩ sẽ sàng lọc bằng việc điều tra dịch tễ như hỏi thời gian có đi từ vùng dịch về trong vòng 14 ngày hay không hoặc có các triệu chứng viêm đường hô hấp chưa rõ căn nguyên… Do vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ như ho, đau rát họng, chảy nước mũi, khó thở người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị kịp thời.

Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do nCoV trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp khi con số mắc và tử vong tăng mỗi ngày. Còn các chuyên gia y tế cảnh báo, tình trạng thời tiết rét ẩm, là điều kiện thuận lợi để virus phát triển và xâm nhập vào cơ thể. Ngoài lây nhiễm trực tiếp qua giọt bắn khi người nhiễm virus ho, hắt hơi, virus sau khi ra ngoài cơ thể sẽ nhanh chóng lắng xuống, không lơ lửng trong không khí. Những nước bọt chứa virus có thể lắng đọng, virus có thể rớt xuống bề mặt vật thể, hoặc thông qua bàn tay của người ô nhiễm lên bề mặt đồ vật mà chúng ta tiếp xúc, như tay nắm cửa hay nút bấm trong thang máy. Virus có thể tồn tại trên bề mặt vật thể nhẵn trong vòng vài giờ, trong môi trường nhiệt độ và độ ẩm phù hợp, ví dụ như 20 độ C, độ ẩm khoảng 40-50%, có thể tồn tại lên đến 5 ngày.

“Chính thời tiết ẩm ướt và lạnh như tại miền Bắc hiện nay tạo điều kiện cho virus phát triển. Nếu cứ đóng cửa, bật điều hòa virus sẽ luẩn quẩn trong nhà. Cho nên làm sao phòng ốc phải được thông thoáng là một trong những yếu tố quan trọng giúp phòng tránh lây nhiễm bệnh”, TS. Nguyễn Đăng Mạnh lưu ý.

BV Thanh Nhàn luôn túc trực 24/24h để sẵn sàng trực đón người bệnh.

Trước thực trạng khẩu trang khan hiếm do một số nơi găm hàng nhằm trục lợi, Bộ Y tế cũng khẳng định, khẩu trang không phải là biện pháp duy nhất để phòng bệnh nCoV mà cần nâng cao thể trạng bằng cách bổ sung vi chất và cần phải giữ gìn vệ sinh chung như: Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn với thời gian ít nhất là 20 giây; giữ gìn vệ sinh chung, che miệng và mũi khi ho và hắt hơi; tăng cường sức đề kháng của cơ thể…; Tránh tiếp xúc gần với người bị ho hoặc sốt; Thông báo cho Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn y tế hoặc cơ sở y tế nơi gần nhất khi phát hiện người mắc bệnh hoặc dấu hiệu bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV; Tuân thủ các quy định về cách ly và điều trị của cơ quan y tế trong trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV…./.

“Khẩu trang y tế dùng cho những cán bộ y tế phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc những người đang nghi ngờ với bệnh này hoặc bị các bệnh khác. Khẩu trang y tế chỉ dùng 1 lần, sau khi dùng xong thì bỏ vào thùng rác. Khẩu trang vải với người khỏe mạnh thì có thể dùng khi vào chỗ đông người hoặc khi đi bộ hoặc đi xe máy… Khẩu trang vải có thể dùng xong giặt sạch phơi khô sau đó dùng lại được. Còn theo khuyến cáo của WHO, những người khỏe mạnh mà không tiếp xúc với các đối tượng như vừa nói thì cũng chưa cần phải dùng khẩu trang”, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên.

Lưu Hường

 

Bình luận

    Chưa có bình luận