Rùng mình những vụ sản xuất bim bim bẩn
Người tiêu dùng còn nhớ một vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) kinh hoàng khi lực lượng chức năng phát hiện hơn 4 tấn phụ gia Trung Quốc dùng để sản xuất bim bim tại một cơ sở ở cụm 4, xã Sơn Đông, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Các loại bim bim sản xuất từ nguồn phụ gia thực phẩm này thường được các cơ sở tiêu thụ tại khu vực có nhiều trường học, quán cóc vỉa hè…
Một vụ việc khác cũng khiến người dân rùng mình khi Đội Quản lý thị trường số 14 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện một cơ sở sản xuất snack (hay còn gọi là bim bim) trên địa bàn xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, Tổ công tác phát hiện 270kg phụ gia dùng để sản xuất bim bim do nước ngoài sản xuất không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Trong xưởng có 3 lao động người Trung Quốc đang tham gia vào dây chuyền sản xuất bim bim nhưng không mang găng tay và bảo hộ lao động khi cho ra lò sản phẩm bim bim “thịt hổ”, “sườn hổ”.
Tháng 4/2019, lại một vụ vi phạm gây chấn động khi lực lượng chức năng thu giữ hơn 3 tấn phụ gia không nguồn gốc tại cơ sở sản xuất bim bim ở đội 3, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Snack, bim bim là món ăn hấp dẫn từ lứa tuổi mầm non đến học sinh, sinh viên. Những sản phẩm này đều kích thích sự thèm muốn và có thể gây nghiện bởi màu sắc sặc sỡ, hương vị thơm ngon và giòn.
Theo Ths. Ngô Xuân Dũng, giảng viên Bộ môn Quản lý chất lượng và ATTP, khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Thành phần chính của bim bim là tinh bột. Qua một số quy trình công nghệ chế biến, sau đó phối trộn với các thành phần phụ gia như chất tạo màu, các chất tạo hương và các chất tạo ngọt để có thể hình thành nên sản phẩm bim bim.
Ông Dũng cho biết, việc dùng phụ gia đúng quy chuẩn trong chế biến thực phẩm sẽ đem lại rất nhiều lợi ích khác nhau, làm tăng chất lượng thực phẩm hoặc để giữ chất lượng thực phẩm mà không làm thực phẩm mất đi tính an toàn và vệ sinh.
Nguy cơ gì khi ăn snack, bim bim “bẩn”?
Ở Việt Nam, các công ty sản xuất các sản phẩm snack và bim bim có thương hiệu và uy tín trên thị trường khi sản xuất các sản phẩm, đều có để tạo hương, tạo vị và tạo màu sắc, nhưng được kiểm tra đầy đủ về chất lượng, giấy tờ xuất xứ nguồn gốc, đặc tính kỹ thuật, thành phần hóa học và đều từ các nhà cung cấp uy tín trên thế giới. Và công ty sản xuất này đều được nhà cung cấp đánh giá định kỳ, chặt chẽ xem có đạt các tiêu chí về ATTP hay không. Nếu các tiêu chí đó vượt giới hạn cho phép, không đáp ứng yêu cầu ATVSTP sẽ không được cung cấp nguyên liệu để sản xuất.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại mô hình sản xuất làng nghề, nhiều cơ sở tư nhân tự phát nhỏ và rất nhỏ, trong đó còn rất nhiều vấn đề bất cập như: điều kiện cơ sở sản xuất, điều kiện vệ sinh, điều kiện môi trường, điều kiện về người trực tiếp sản xuất (từ khám sức khỏe định kỳ, trang phục bảo hộ lao động) đến nhãn mác sản phẩm, nguyên vật liệu… “Các cơ sở này bất chấp quy định về ATVSTP, vì tư lợi đã liều lĩnh dùng phụ gia không rõ nguồn gốc, rồi pha trộn để cho ra các loại snack và bim bim gắn với những cái tên thật kêu như sườn bò, thịt hổ, tôm, cua nhằm thu hút trẻ em”, ông Dũng cảnh báo.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mức độ rủi ro không nhỏ khi cho chất phụ gia vào thực phẩm, đặc biệt là sử dụng trong thời gian dài. Sự rủi ro gián tiếp thông qua tác động của các chất phụ gia lên thực phẩm, làm tăng sự thay đổi một số thành phần của thực phẩm, từ đó dẫn tới làm chất lượng thực phẩm có thể thay đổi xấu ở giai đoạn ngắn hoặc ở giai đoạn dài. Sự rủi ro gián tiếp có thể gây ra do sự tạo thành các độc tố từ các phản ứng với nhiều cơ chế khác nhau giữa phụ gia và các thành phần trong thực phẩm.
“Tác động của các độc tố này không phải ngày một ngày hai mà ta tìm ra được. Bởi sự tác động thường ở cấu trúc dưới tế bào, phải trải qua một thời gian dài khi sử dụng thực phẩm, thì mới biểu hiện tác động mãn tính”, Ths. Ngô Xuân Dũng nhấn mạnh.
Các chất phụ gia dùng để tạo màu, tạo hương, ví dụ: hương bò, hương gà, hương tôm…, thậm chí cả đường tạo ngọt hóa học để cho ra các loại bim bim mà trong đó bim bim thịt hổ, sườn hổ được bày bán ở cổng trường là các món học sinh rất thích. Bim bim được chế biến ở nhiệt độ cao sinh ra chất béo thể đồng phân. Nếu tỷ lệ chất béo này chiếm từ 5-10% trở lên trong tổng lượng chất béo của khẩu phần ăn hàng ngày cho một người, có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tim mạch, tăng huyết áp. Ngoài ra, hàm lượng muối trong bim bim ảnh hưởng đến chức năng thận; Lượng đường trong đó còn có nguy cơ gây bệnh đái tháo đường tuyp 2.
“Độc tính dài hạn gây ra từ các chất phụ gia khi dùng vượt ngưỡng giới hạn cho phép trong chế biến snack, bim bim khiến trẻ bị ảnh hưởng về thần kinh. Nếu trẻ ăn các thực phẩm có nhiều chất tạo ngọt sẽ có rối loạn về tinh thần, cảm giác bồn chồn lo lắng; Một số chất tạo màu sẽ có nguy cơ tồn dư các kim loại nặng, có thể có nhiều tác động vào các cơ quan nội tạng, tác động vào các bào quan dưới tế bào, tác động vào các quá trình trao đổi chất trong cơ thể và có thể gây hậu quả rất trầm trọng như ung thư nếu sử dụng trong một thời gian dài”, Ths. Ngô Xuân Dũng cảnh báo.
“Bim bim vô cùng đa dạng từ sản phẩm cao cấp đến sản phẩm tầm trung và rẻ tiền. Người tiêu dùng nên chọn sản phẩm bim bim của công ty có tên tuổi và thương hiệu bởi vì những công ty lớn họ có chương trình đánh giá của các nhà cung cấp từ nguyên liệu cho đến phụ gia được đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất”, Ths. Ngô Xuân Dũng.
|