Nguy hiểm cá khô phun hóa chất

Người dân lưu ý, khi đến quầy bán thủy hải sản khô mà không thấy ruồi dù không che đậy, phải cân nhắc việc lựa chọn.

 

Trời se se lạnh mà được thưởng thức món cá mực, cá chỉ vàng khô nướng… thì còn gì bằng. Cái vị ngọt, dai thơm phức khi món khô vừa nướng cồn hay than hoa nóng hôi hổi được đưa vào miệng thật hấp dẫn, đặc biệt với dân bợm nhậu.

Cá khô được chế biến, tẩm ướp, phơi khô, bảo quản bằng phương pháp truyền thống sẽ giữ được dinh dưỡng và để được trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên thông tin một số cơ sở sản xuất cá khô và lái luôn ở nước ta muốn cá khô để được lâu hơn nên đã sử dụng chất bảo quản độc hại và phun hoá chất trong quá trình chế biến, làm khô cá, khiến người tiêu dùng lo ngại.

Việc bảo quản cá khô bằng hóa chất độc hại ngoài việc giúp cá có màu tự nhiên, ức chế khả năng phân hủy của thực phẩm còn ngăn chặn côn trùng phá hoại thực phẩm.

Nên mua các sản phẩm cá khô ở các cơ sở có thương hiệu và uy tín để tránh hóa chất độc hại.

Theo ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững, Hội Nghề cá Việt Nam, hiện nay, đa số người dân làm khô cá dựa vào ánh nắng mặt trời. Chẳng hạn, cá biển hoặc cá nước ngọt làm sạch, sau đó có thể ướp muối hoặc không ướp muối rồi vớt lên, phơi khoảng 3 nắng, sẽ thành cá khô thành phẩm. Để cá khô có chất lượng tốt, đầu tiên phải chọn loại cá tươi, ít xương, ít mỡ thì phơi nắng sẽ không bị khét.

Ông Tử Cương cho biết, theo quy trình làm cá khô an toàn, khi phơi, người ta sẽ chọn nơi có nhiều gió, sạch sẽ và phun thuốc ruồi cách nơi phơi cá một khoảng cách nhất định, hoặc có thể rắc hạt tiêu trên bề mặt con cá để ruồi và côn trùng khỏi đậu vào chứ không phun trực tiếp lên cá. Tuy nhiên, để tránh ẩm mốc, vi khuẩn và ruồi muỗi bu vào trong quá trình phơi, một số người liều lĩnh vẫn phun trực tiếp lên sản phẩm trong quá trình sơ chế để ruồi không bén mảng đến hoặc dùng các hóa chất bảo quản không đúng liều lượng gây mất ATTP.

“Khi lấy mẫu cá khô của một số ngư dân để kiểm tra chất lượng, chúng tôi mới biết họ thường ngâm thuốc trừ sâu. Thuốc này khi đưa vào nước và dùng để tẩm ướp cá khô thì nó tách thành 2 dẫn xuất có tên Trilofone và Dislovos. Đây là 2 hóa chất cực độc nằm trong danh mục cấm sử dụng trong trồng trọt và trong ATTP. Chất này rất bền hóa học, thậm chí khi ngâm rửa, nấu chín, nghiền hay cấp đông… chất đó vẫn tồn tại. Nếu chất đó tích tụ lâu dài trong cơ thể, có thể gây ung thư”, ông Nguyễn Tử Cương phân tích.

Do vậy, người dân lưu ý, khi đến quầy bán thủy hải sản khô mà không thấy ruồi dù không che đậy, phải cân nhắc việc lựa chọn. Nên mua các sản phẩm cá khô ở các cơ sở có thương hiệu và uy tín. Tại đây, cá sau khi được làm sạch sẽ, được ướp muối rồi đưa vào lò sấy. Sau khi sấy xong được đóng hút chân không và bảo quản ở ngăn đông (khoảng âm 4 độ) sẽ giữ được vài tháng. Còn để ở nhiệt độ bình thường, không có chất bảo quản, chỉ trong vòng khoảng 1 tuần cá khô sẽ biến màu hoặc bị thối, mốc.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận