Người nghiện sẽ được mang thuốc Methadone về nhà điều trị

Mô hình này trước mắt sẽ thực hiện thí điểm ở các tỉnh miền núi từ tháng 6, tháng 7 năm 2020 sau khi được các địa phương đồng thuận.

 

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Y tế phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã thông tin như vậy tại buổi họp báo ngày 8/11 tại Hà Nội nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11 - 10/12/2019) và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12).

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Y tế phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). Ông Long cho biết, việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đã được triển khai ở trên 80 quốc gia, trong đó Methadone và Buprenorphine là hai loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất. Tại Việt Nam, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đã được triển khai hơn 10 năm với trên 53.000 bệnh nhân đang điều trị tại 63 tỉnh, thành.

Việc sử dụng Methadone và Buprenorphine đã giúp cải thiện sức khoẻ như: giảm và tiến tới ngừng sử dụng ma túy bất hợp pháp; giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV do sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và dùng chung bơm kim tiêm; giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và bệnh lây truyền qua đường tình dục; Cải thiện sức khỏe tâm thần và thể chất; cải thiện chất lượng cuộc sống; giảm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy; giảm các hành vi cầm cố đồ đạc trong gia đình; mang lại hiệu quả kinh tế cao... Còn việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine mới chỉ được thực hiện tại 7 địa phương, trong đó có Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh miền núi.

Thay vì hằng ngày phải đến cơ sở y tế, tới đây người bệnh sẽ được mang thuốc Methedone về nhà.Hiệu quả của điều trị Buprenorphine có nhiều ưu điểm hơn Methadone bởi thuốc này người bệnh chỉ ngậm dưới lưỡi cho tan từ từ, và có tác dụng 72 giờ. Do vậy, 2 - 3 ngày người bệnh mới phải đến cơ sở y tế để sử dụng thuốc. Trong khi đó, Methadone ngày nào người bệnh cũng phải đến có sở y tế uống thuốc.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, đến thời điểm này, tỷ lệ người nghiện bỏ điều trị Methadone có xu hướng tăng, trong đó tỷ lệ bỏ trị cao đặc biệt là khu vực miền núi. Nhiều thôn bản ở xa huyện từ 130-150km hoặc xa xã 20-70km nên bệnh nhân thường bỏ trị sau 1-2 tháng điều trị. Thống kê, những bệnh nhân cách trung tâm điều trị Methadone 5km trở lên bỏ trị cao gấp 2 lần so với bệnh nhân ở gần cơ sở điều trị.

Chính vì thế, Cục phòng chống HIV/AIDS đã trình Bộ Y tế phương án thí điểm mô hình cho người điều trị Methadone được mang thuốc về nhà uống hằng ngày. Mô hình này trước mắt sẽ dự kiến thực hiện thí điểm ở các tỉnh miền núi từ tháng 6, tháng 7 năm 2020 sau khi được các địa phương đồng thuận.

“Chúng tôi sẽ có những hướng dẫn cụ thể khi triển khai mô hình đem thuốc Methadone về nhà điều trị để làm sao người bệnh được sử dụng thuốc đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn. Mô hình này, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai rất hiệu quả cách đây khoảng 20 năm. Theo đó, người bệnh có thể được mang thuốc về nhà 4 lần trong 1 tháng”, ông Long nhấn mạnh.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận